VĂN VIỆT
Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương
vừa hoàn thành giai đoạn một về xây dựng mô hình điểm sản xuất cà phê catimor (chè)
an toàn, bước đầu đã đúc kết, chuyển giao nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật
canh tác mới cho hộ gia đình đồng bào thiểu số địa phương.
Theo kỹ sư Hoàng Xuân Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nông
nghiệp Lạc Dương: Giống cà phê catimor (chè) bắt đầu định canh ở huyện Lạc
Dương từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước với khoảng gần 60 ha, tập trung phần
lớn ở địa bàn xã Lát (bao gồm cả thị trấn Lạc Dương bây giờ) và địa bàn xã Đưng
K’Nớ. Sau hơn 10 năm đầu chăm sóc với sự
hướng dẫn của ngành nông nghiệp từ tỉnh về huyện và xã, người đồng bào thiểu số
Lạc Dương đã thu được hoa lợi từ cà phê catimor (chè) đạt cao hơn rất nhiều so
với các loại cây trồng khác. Điều này còn thể hiện rõ nét về tiềm năng khí hậu,
đất đai của Lạc Dương khá phù hợp với giống cà phê chè, nên diện tích đã mở
rộng liên tục đến năm 2008 là 2.069 ha và đến nay là khoảng 2.700 ha. Dự báo
đến năm 2020, vùng chuyên canh cà phê chè trên địa bàn Lâm Đồng sẽ mở rộng lên
đến 27 ngàn ha, trong đó phân bổ “trọng tâm, trọng điểm” vẫn là địa bàn Lạc
Dương, Đà Lạt và các vùng phụ cận. “ Cà phê chè là dạng cây thấp, cành đốt
ngắn, khả năng trồng mật độ dày, hạn chế sâu đục thân gây hại và đặc biệt là đề
kháng được bệnh rỉ sắt… Nhưng để phát triển ổn định, bền vững, đạt chất lượng
cao, cà phê chè Lạc Dương rất cần một quy trình canh tác khép kín, hoàn chỉnh theo
hướng an toàn”- Kỹ sư Hoàng Xuân Hải khẳng định.
Tháng 3/2012, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương
chính thức triển khai 02 mô hình điểm về sản xuất cà phê chè an toàn tại thôn
ĐanKia, xã Lát, mỗi mô hình đang sản xuất 0,5 ha cà phê chè trong thời kỳ kinh
doanh. Chủ hộ tham gia mô hình được bình chọn từ cộng đồng dân cư, ưu tiên hộ
gia đình đã tham gia lớp đào tạo học nghề trồng cà phê, có nhiều kinh nghiệm
trong thực tiễn sản xuất, đủ điều kiện về lao động, tài chính để thực hiện mô
hình đạt hiệu quả cao nhất. Nhìn rộng ra khu vực sản xuất cà phê chè ở ĐanKia,
xã Lát, qua điều tra, khảo sát của 30 hộ dân ở đây cho thấy: Chiếm tỷ lệ không
nhiều hộ gia đình đang trồng, chăm sóc cà phê chè có thiết kế các đường thoát
nước, chống xói mòn; trồng các loại cây che bóng, chắn gió, xây dựng hệ thống
tưới tiêu chống hạn mùa khô; ghi chép đầy đủ về thời gian, liều lượng sử dụng các
loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…Trong khi chiếm tỷ lệ khá nhiều hộ gia
đình biết khá rõ nguồn gốc cây cà phê chè, có nhiều kinh nghiệm tạo cành, tỉa
tán cho cà phê chè, sử dụng phân chuồng hoai mục đúng thời điểm; “nhận dạng”
được các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại…
Đi vào triển
khai mô hình trên từng hàng cây cà phê, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương phân
công từng kỹ sư trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho hộ gia đình với từng công đoạn
xử lý kỹ thuật, tăng khả năng sinh trưởng của cây, từ tỉa cành, tạo tán, giữ
khoảng cách phù hợp nhất giữa cây với cây để đậu trái với năng suất cao nhất;
đến công đoạn làm sạch cỏ, bón phân liều lượng khác nhau theo từng hàng cây,
đặc biệt là bón thúc với 3 đợt/năm ( thay vì bón thúc 2 đợt/năm như chăm sóc
bình thường); cuối cùng là ghi chép nhật ký hàng ngày về tình hình sâu bệnh,
các biện pháp và hiệu quả phòng trừ. Kết quả đến cuối năm 2012, các chỉ tiêu
đối chứng về sâu bệnh trên cây cà phê chè giữa vườn mô hình và vườn đang trồng bình
thường với nhiều thông số khác biệt.
Cụ thể các bệnh rệp sáp, rỉ sắt, khô cành,
đốm mắt cua…trên cây cà phê chè mô hình với tỷ lệ lần lượt là 7,5%, 10%, 12,5%
và 15%. Trong khi tỷ lệ này đối với vườn đang trồng, chăm sóc với quy trình bình
thường lại tăng cao hơn nhiều với các tỷ lệ lần lượt là 15%, 20%, 25% và 30%.
Sâu bệnh giảm, năng suất trên 01 ha cà phê ( chè) nhân trồng theo mô hình đạt 25
tạ, cao hơn 5 tạ so với trồng bình thường; tỷ lệ nhân cà phê cũng cao hơn tương
ướng là 1,4%.
Mô hình sản xuất
cà phê chè an toàn ở huyện Lạc Dương tiếp tục hoàn chỉnh quy trình, chuyển giao
kỹ thuật rộng rãi cho nông dân trên địa bàn đến hết tháng 3/2014, dự kiến số
tham gia tập huấn chuyên sâu lên đến hơn 100 hộ gia đình; số kỹ thuật viên được
đào tạo tại chỗ với tay nghề cao lên đến 15 người, trở thành đội ngũ thường
trực hướng dẫn nông dân Lạc Dương mở rộng hơn nữa diện tích chuyên canh cà phẻ
chè theo hướng bền vững, lâu dài./.
Tháng 02/2013