VĂN VIỆT
Gần hai năm nương tựa vào nhau, những
người khuyết tật ở HTX Nhân Ai, Đà Lạt đã bước đầu ổn định việc làm, đóng góp
những sản phẩm ở thị trường địa phương như may mặc, đan len, hộp giấy đựng dâu
tây…
Vào
cuối năm 2008, chị Trần Thị Ngọc Hoa, sinh năm 1958, một thợ đan len khuyết tật
đã tập hợp hơn 20 anh chị em đồng cảnh để thành lập HTX Nhân Ai, Đà Lạt. Được
cơ quan nhà nước cấp phép, HTX Nhân Ai đi vào hoạt động vừa dạy nghề vừa sản
xuất các mặt hàng may mặc, đan len…bán sỉ và bán lẻ trên thị trường Đà Lạt. Chị
Trần Thị Ngọc Hoa được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Người dạy nghề
là người có tay nghề lâu năm nhưng bị khuyết tật nhẹ hơn người học nghề. Thiết
bị dạy và học nghề được ngành khuyến công của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt
hỗ trợ HTX gồm 3 chiếc máy may, 3 chiếc
máy đan và 1 chiếc máy vắt sổ. Văn phòng làm việc cũng đồng thời là nơi dạy
nghề và sản xuất hàng may mặc, đan len được sử dụng một căn phòng tại nhà riêng
của chị Chủ nhiệm Trần Thị Ngọc Hoa, tọa lạc số 66B, đường Nguyễn Công Trứ, Đà
Lạt. “Mình ngã bệnh sốt bại liệt từ lúc tuổi lên năm, di chứng từ đó đến giờ bị
một chân đi không vững. Nhưng so với nhiều người đồng cảnh khuyết tật khác,
mình còn được đôi tay và đầu óc khỏe mạnh hơn. Vậy là mình nghĩ những người
đồng cảnh có thể nương tựa vào nhau để tạo việc làm, thu nhập nuôi sống bản
thân mình và sẽ tìm thấy được nhiều niềm vui trong cuộc sống…”- Chủ nhiệm Trần
Thị Ngọc Hoa nói.
Có
nơi chốn làm nghề bước đầu, chị Hoa cùng những người khuyết tật trong Ban Chủ
nhiệm HTX tìm được các mối tiêu thụ thường xuyên hàng đan may ở Đà Lạt, ổn định
thu nhập của xã viên đạt trung bình trên 500 ngàn đồng mỗi tháng. Có những mặt hàng xã viên nhận về nhà gia công,
hưởng lương theo sản phẩm. Nhưng cũng có không ít mặt hàng làm tại cơ sở, mỗi
người thực hiện một công đoạn, khi thành một sản phẩm chung, bán ra chia tiền
đồng đều từng người. Điều này thể hiện
sự đỡ đần lẫn nhau, người khuyết tật nhẹ gánh bớt phần công việc của người
khuyết tật nặng hơn, nhưng không đều thoải mái khi nhận mức tiền công bằng
nhau. Hơn nửa năm sau đó, Ban Chủ nhiệm HTX đã khai thác thị trường Đà Lạt tiêu
thụ thêm một mặt hàng mới cũng khá phù hợp với việc làm của người khuyết tật,
đó là mặt hàng hộp giấy đựng dâu tây Đà Lạt. Nguyên liệu là những thùng các
tông bỏ ra từ các quán xá, nhà hàng; từ những buổi tiệc tùng tổ chức tại các doanh
nghiệp, đơn vị...trong thành phố Đà Lạt. Giấy các tông thu gom về cơ sở được
phân loại rồi cắt ra từng tấm nhỏ, dán thành từng chiếc hộp có nắp đậy bên
trên. “Lúc đó với giá thành mỗi hộp đựng dâu từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng, mỗi
tháng HTX chúng tôi sản xuất và bán ra hàng ngàn hộp, mỗi người khuyết tật được
thu nhập thêm hàng tháng hơn 600 ngàn đồng…” – Chủ nhiệm Trần Thị Ngọc Hoa cho
biết.
Đến giữa năm 2009, việc sản xuất hộp giấy đựng dâu ở HTX Nhân Ai được quy
củ hơn khi đã gặp được “quý nhân” cho sử dụng miễn phí một căn nhà tại số 27B,
đường 3 Tháng 4, Đà Lạt. Căn nhà nằm trên mặt đường, rộng khoảng 60 mét vuông,
chủ nhân là một người phụ nữ làm ăn khá thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh. Cảm
thông cho số phận không may của những người khuyết tật, người phụ nữ đó đã cho
HTX Nhân Ai chuyển toàn bộ văn phòng hành chính và cơ sở sản xuất từ nhà riêng
của chị Hoa về căn nhà trên đường 3 Tháng 4 này.
Qua
mô hình HTX Nhân Ai gần hai năm qua đã gắn kết 20 con người khuyết tật với nhau
như anh em ruột thịt trong nhà. Trong đó có 50% số người đã lập được gia đình
riêng, thu nhập từ việc làm của HTX đã giúp phần nào người khuyết tật trang
trải cuộc sống thường ngày. Có những người khuyết tật khá nặng do bệnh bại não
như em Khưu Lệ Phương ( 30 tuổi), em Nguyễn Minh Trung (17 tuổi), qua việc làm
dán hộp giấy đựng dâu tây ở HTX Nhân Ai đã giúp tinh thần mình luôn phấn chấn
hơn, lạc quan hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên đây cũng chỉ mới là những bước
khởi đầu. Để đạt được thu nhập ổn định và tăng cao hơn, con đường đi tới của
những người khuyết tật ở HTX Nhân Ai sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa cần phải
vượt qua. Không chỉ tự vượt qua khuyết tật của mình mà còn phải đối mặt với
những thách thức về giá cả sản phẩm, về bạn hàng tiêu thụ sản phẩm lâu dài…Mong
rằng các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội cùng các mạnh thường
quân ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng hãy dành chút ít thời gian ghé lại HTX Nhân
Ai trên đường 3 Tháng 4, Đà Lạt để động viên, chia sẻ những công việc và thu
nhập của những người luôn có ý thức vượt lên chính mình như thế này./.
Tháng 8/2010