VĂN VIỆT
Đến nay, nữ nghệ nhân K’Tuyn ở thôn Bờ
Nơ C, Lạc Dương, Lâm Đồng đã có hơn 25 năm dạy nghề dệt thổ cẩm cho người đồng
bào thiểu số trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Dạy nghề từ năm 20 tuổi cho tới bây
giờ, K’Tuyn luôn tâm niệm là đừng để nghề dệt thổ cẩm mai một, thất truyền.
K’Tuyn
sinh ra trong một gia đình người K’Ho Lâm Đồng, mẹ là một thợ dệt thổ cẩm thành
thạo ở buôn làng Bờ Nơ C từ những thập niên 70 của thế kỷ trước. Có tố chất của
người mẹ truyền lại, K’Tuyn đã thực hành được những đường dệt cơ bản từ năm lên
mười. Rồi qua tuổi trăng tròn, K’Tuyn lại bộc lộ năng khiếu sáng tạo rõ nét
trên từng mẫu mã sản phẩm dệt. “Mới 16 tuổi, K’Tuyn biết vẽ hình những mẫu hoa
văn mới lạ, những hình người giã gạo bên nhà sàn, hình con nai, con chim
rừng….nhìn thích lắm ! ”- Bà K’Ba tự hào
về K’Tuyn, người con gái đầu lòng của mình.
K’Tuyn
học hết lớp 9 phải nghỉ ở nhà phụ giúp ba mẹ làm lụng nuôi sống gia đình với 6
miệng ăn. Cứ sau giờ ở rẫy vườn, K’Tuyn lại dồn hết công sức, tâm trí vào khung
dệt thổ cẩm; không kể ngày dài hoặc đêm khuya. Nhờ vậy, K’Tuyn đã sớm “trình
làng” trên dưới 10 mẫu mã thổ cẩm tự mình thiết kế và dệt thành. Không lâu sau,
nhiều khách hàng địa phương và khách du lịch nước ngoài đến đặt mua hàng K’Tuyn
khá nhiều. Người phụ nữ trong thôn buôn Bờ Nơ C từ tuổi thanh niên đến tuổi
trung niên rủ nhau đến nhà K’Tuyn học nghề dệt thổ cầm từ “vỡ lòng” đến nâng
cao. K’Tuyn sẵn lòng hướng dẫn ngày hai buổi với vốn kỹ thuật thêu dệt, vốn tìm
tòi thiết kế mới của riêng mình. “Lúc mình dạy nghề có đến hơn 30 người phụ nữ
trong và ngoài thôn buôn đến học. Dạy liên tục đến hai, ba tháng sau mới giúp
người học dệt được một vài mặt hàng đơn giản nhất… ”- K’Tuyn nhớ lại. Ghi nhận
từ sự đóng góp dạy nghề, K’Tuyn được Tỉnh hội Phụ nữ Lâm Đồng tặng giấy khen có
thành tích “phụ nữ tham gia xóa đói giảm nghèo ở địa phương” vào năm 1999.
Năm
2001 - năm ghi thành công lớn của K’Tuyn khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tặng Bằng Khen “Nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc K’Ho Lâm Đồng. Đạt
thành tích tham gia triển lãm hội chợ ngành nghề thủ công và đặc trưng văn hóa
nông thôn Việt Nam.” K’Tuyn kể : “Hội
chợ diễn ra ở Hà Nội trong thời gian 9 ngày. Mình trưng bày trên 10 mặt hàng
thổ cẩm. Chỉ mấy ngày đầu với hàng chục sản phẩm dệt thổ cẩm như khăn trải bàn,
túi xách, bảng tên, vòng đeo tay…bán hết nhanh cho khách du lịch trong nước và
quốc tế…”
Những
năm sau này, K’Tuyn thường phải đi xa dài ngày để dạy nghề thổ cẩm cho đồng bào
thiểu số. Đáng kể là thời gian dạy nghề gần 3 tháng ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận
Bắc, tỉnh Bình Thuận. Học viên khoảng 30 người K’Ho- đều là nữ từ 18 tuổi đến
40 tuổi. Điều kiện ăn, ở gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có khi hơn cả tháng
trời, K’Tuyn mới tranh thủ ngày cuối tuần về nghỉ nhà riêng ở thôn Bờ Nơ C, xã
Lát. Lúc kết thúc khóa học và chia tay buôn La Dạ, vui nhất của K’Tuyn là học
viên nào cũng thành nghề, ban đầu dệt được các mặt hàng “phổ thông” đem ra chợ
bán.
Năm 2005, kết quả dạy nghề của K’Tuyn được Sở Công nghiệp Bình Thuận ( Sở
Công thương ngày nay) tặng Giấy khen. Với dạy nghề ở địa bàn vùng sâu, vùng xa
trong tỉnh Lâm Đồng đáng nhớ nhất là thời gian ở xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương. Ngày
cùng với học viên đan dệt từng sợi chỉ thổ cẩm. Đêm phải chống chọi với từng
đàn ruồi vàng. Nhưng những vất vả bỗng quên hết khi lớp nghề hoàn thành đúng
thời gian 3 tháng; hơn 30 chị em học viên người K’Ho đã yên tâm có được tay
nghề truyền thống của dân tộc mình.
Trở
về lại Bờ Nơ C, Lâm Đồng, K’Tuyn vẫn thường xuyên ra hội trường thôn truyền đạt
kinh nghiệm dệt thổ cẩm cho người phụ nữ trong làng buôn. Mấy tháng nay, không
khí dệt trong buôn bỗng vắng dần do hàng làm ra bán chậm quá. “Mình lo lắm. Lo
cái như mọi người đang lo là nhờ nhà nước tìm những nơi bán được hàng thổ cẩm
hàng ngày cho làng buôn. Lo cái sau này là sẽ ít người làm nghề, rồi không nâng
được tay nghề thì dạy nghề lại cho con em đồng bào thiểu số sẽ không được tốt
lắm đâu…”- K’Tuyn trăn trở. /.
Tháng
7/2009