VĂN
VIỆT
Một
nhóm nghiên cứu của Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt vừa hoàn thành chuyến
“du khảo” hơn 2 năm vào những cánh rừng của 10 huyện trong tỉnh Lâm Đồng, đã
tuyển chọn 21/126 loài rau rừng có triển vọng để phân tích dinh dưỡng và thử
nghiệm nhân giống, kết quả đã “bình tuyển” 9 loài rau rừng có giá trị cao để từng
bước chuyển giao sản xuất đại trà.
Lâm
Đồng có độ che phủ rừng hơn 60% với khoảng hơn 3.000 loài thực vật bậc cao. Sống
gắn bó với rừng từ lâu đời, cộng đồng bà con dân tộc thiểu số Lâm Đồng đã “nhận
diện” khá nhiều loài rau rừng an toàn để thu hái làm thức ăn mỗi ngày, nhưng
chưa được đầu tư những dự án nghiên cứu khoa học tập trung để nhân giống sản xuất,
nâng cao giá trị sử dụng trên thị trường. Từ đầu mùa mưa năm 2011 đến nay, triển
khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một
số loài rau rừng có giá trị tại Lâm Đồng”, nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Lương
Văn Dũng, Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt đã ghi nhận những đặc điểm sinh
thái khác biệt của 9 loài rau rừng có giá trị cao.
Theo
đó, rau cần dại phân bổ ở độ cao từ 200m đến 1800m, cây cao từ 20- 30cm, sinh
trưởng ở các khu vực đất ẩm, đón nhiều ánh sáng, nở hoa màu trắng từ tháng 5 đến
tháng 6 hàng năm. Cây dưa núi mọc nhiều trên đất sau nương rẫy ở các địa bàn Đức
Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm. Rau lá bép mọc thành từng bụi cao từ 1,5-
3m, phân bổ dưới tán rừng hỗn giao, rừng lá rộng thường xanh thuộc các khu vực
Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Cây lạc tiên có hình dạng dây leo, thân cỏ,
trái có hình quả cầu, được thu hoạch vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Cây lỗ
bình, loài cây cỏ nhỏ, cao từ 5- 30cm, thường mọc dọc theo khe suối ở ở các huyện
Lạc Dương, Di Linh, Đạ Huoai. Rau dớn cao 15cm, là loài rau dương xỉ, sinh trưởng
trên các vùng đất nhiều chất mùn thuộc 10 huyện trong tỉnh Lâm Đồng. Sâm đu đủ
cao 9m, là loài cây ưa bóng mát, phát triển thành từng quần thể từ 50- 60 cây,
cho trái vào tháng 6 hàng năm. Cây ráy thon sinh trưởng dưới tán rừng lá rộng ở
Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Cây sơn địch
là dạng dây leo bằng thân quấn, sinh trưởng khá nhiều vào mùa mưa ở các khu vực
xã Tà Năng, Đức Trọng và xã Hòa Bắc, Di Linh.
Kết
quả đã nghiên cứu nhân giống bằng 4 phương pháp gồm: giâm hom đạt tỷ lệ sống từ
50% (dưa núi) đến 70% (sơn địch) và 90- 95% ( sâm đu đủ, cần dại, ráy thon, rau
dớn và lỗ bình); chiết cành đạt tỷ lệ sống 40% ( lá bép); chiết đốt thân cây đạt
tỷ lệ sống 80% (dưa núi); gieo hạt đạt tỷ lệ sống từ 40% (dưa núi ) đến 60% (lạc
tiên). Tiếp theo với quy trình thâm canh trong nhà có mái che ( cần dại, lỗ
bình, ráy thon) và thâm canh ngoài trời ( sâm đu đủ, rau dớn, dưa núi, lạc
tiên, sơn địch) cho thấy: Rau sơn địch có thể thu hoạch lá non từ 2,5 - 3 tháng
sau khi trồng; sâm đu đủ thu hoạch trái 2 lần sau 1 năm trồng; ráy thon trồng
1- 1,5 tháng thu hoạch một tuần một lần; rau dớn thu hoạch 1- 2 tuần/lần sau
khi trồng; lạc tiên, cần dại, lỗ
bình sau 2 tháng trồng sẽ thu hoạch
lá và ngọn; dưa núi thu hoạch sau 3 tháng trồng. Riêng cây lá bép đang tiếp tục
nghiên cứu vì đưa vào trồng trên đất nông nghiệp phát triển rất chậm trong đợt
thực nghiệm này.
Quy
trình canh tác 9 loài rau rừng Lâm Đồng có giá trị nêu trên được triển khai với
4 mô hình ở các vùng sinh thái khác nhau ở Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh và Đạ
Huoai; 1 mô hình đối chứng ở Đà Lạt, mỗi mô hình có diện tích từ 500m2 –
1.000m2; đặc biệt với 1 mô hình chuyển giao, nhân rộng tại Công ty TNHH Cây thuốc
Việt, Lâm Hà trên diện tích 1.000m2 nhà lưới, nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm 2
cây rau rừng khá thành công. Theo đó, rau cần dại của Lâm Đồng được trồng 30
ngàn cây giống, đạt sản lượng 3,5kg/m2; cây bầu đất đưa về từ Gia Lai và Đak
Lak trồng 20 ngàn cây giống, đạt sản lượng 1,7kg/m2. Hiện tại rau bầu đất chưa
ghi nhận phân bổ ở vùng rừng Lâm Đồng, nhưng các nhà hàng ở Đà Lạt đang thu mua
với giá khoảng 65 ngàn đồng/kg để chế biến các món ăn đặc sản rau rừng Tây
Nguyên.
Theo
PGS, TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, tiềm năng rau
rừng của Lâm Đồng khá đa dạng và phong phú, trước mắt sẽ đưa 9 giống rau giá trị
cao vừa có kết quả khảo sát, thực nghiệm của Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt
về Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ của Sở để bảo tồn nguồn gien. Đồng
thời kiến nghị các cơ quan chức năng Lâm Đồng triển khai các giải pháp khoanh
vùng để chăm sóc, bảo vệ, xúc tiến việc tái sinh tự nhiên đối với 9 loài rau rừng
đã “bình tuyển” nói riêng và nói chung đối với 126 loài rau rừng đã được thu thập
hơn 2 năm qua./. Tháng 8/2013