Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Tìm nơi tiêu thụ thổ cẩm Lộc Châu

VĂN VIỆT
Hàng thổ cẩm Lộc Châu, Bảo Lộc mấy năm nay chìm khuất giữa thị trường cạnh tranh ồ ạt của hàng may mặc công nghiệp. Mong muốn tìm kiếm thu nhập để bám giữ lấy nghề dệt thổ cẩm, những người Châu Mạ ở buôn Đạ Nghịch, Lộc Châu đã rong ruổi khắp những buôn làng trong tỉnh Lâm Đồng để tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ.

TỪ CẢNH “VƯỜN KHÔNG NHÀ TRỐNG”
Ka Thu, một phụ nữ ngoài tuổi tứ tuần, là người sinh ra ở buôn làng Đạ Nghịch, Lộc Châu, Bảo Lộc, lên mười tuổi đã biết dệt thành những tấm thổ cẩm đem bán nhiều nơi. Từ đó đến giờ, nghề dệt thổ cẩm như đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của Ka Thu. Thời làm ăn thuận lợi nhất của thổ cẩm Đạ Nghịch là đầu những năm hai ngàn. Lúc đó nhà nước xây dựng một xưởng sản xuất tập trung ngay giữa buôn làng, diện tích hơn 100 mét vuông, hàng ngày có trên dưới 50 người thợ cần mẫn thêu, may. Ở nhà Ka Thu cũng giành riêng một  diện tích vài chục mét vuông để làm nơi dệt may thổ cẩm cho cả chục người thợ mỗi ngày.  Anh K’Tân (chồng của Ka Thu) - nguyên là thôn trưởng thôn Đạ Nghịch từ 1995 đến 2007- kể rằng bấy giờ những sản phẩm thổ cẩm như xách tay, ví tay, ba lô, dây đeo tay, khăn quàng cổ…của người thợ đồng bào Châu Mạ thôn Đạ Nghịch làm ra đến đâu bán hết đến đó. Khách du lịch trong và ngoài nước thường hay ra vào tận thôn để mua hàng. Những điểm du lịch trên phố thị Bảo Lộc cũng đều đặn đặt hàng thổ cẩm bán cho khách tham quan. Ước tính vào thời điểm ấy có khoảng 100 hộ gia đình, chiếm 50% số hộ đồng bào thiểu số Châu Mạ trong thôn Đạ Nghịch có thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm. Họ dệt tập trung ở nhà xưởng, ở nhà Ka Thu và các cụm dân cư khác trong thôn Đạ Nghịch. Tuy nhiên thời “thuận buồm xu6i gió” của thổ cẩm thôn Đạ Nghịch chỉ có được chừng hơn 5 năm, sau đó thì lác đác dần rồi bước đến nguy cơ mai một. Nguyên nhân lúc này theo K’Tân là do mẫu mã hàng hóa thổ cẩm không được cải tiến kịp thời, chỉ quanh đi quẩn lại những mẫu mã cũ kỹ, gây nhàm chán và tạo nhu cầu bão hòa đối với khách hàng. Hàng chục thợ may vải thổ cẩm ( đã được đào tạo từ 3 tháng đến 6 tháng) sau đó chuyển sang làm việc trong ty dệt may Vikotex của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng cũng chỉ làm được chưa tới một năm thì công ty này thông báo hết bán được hàng thổ cẩm, toàn bộ số thợ may lại thất nghiệp, phải trở về bên những khung dệt thổ cẩm thủ công ở nhà, chỉ đan dệt những sản phẩm được chăng hay chớ, chủ yếu dệt vào những giờ rãnh rỗi nhất. Và từ đó xưởng dệt may thổ cẩm tập trung ở trung tâm thôn buôn Đạ Nghịch lâm cảnh “vườn không nhà trống” đến nay đã hơn 3 năm.
HÉ MỞ “THỊ TRƯỜNG MÙA VỤ”
Trước cảnh vắng vẻ người dệt thổ cẩm ở buôn làng Đạ Nghịch của mình, Ka Thu cùng chồng hàng ngày như đứng ngồi không yên. Suy nghĩ mãi đều không thể tìm ra con đường đưa thổ cẩm trở lại thị trường đô thị nên chuyển sang tìm kiếm thị trường ở những buôn làng đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên thuộc các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Thời gian đầu tiên tập hợp hết những khách hàng mới nhận đặt trước vài trăm tấm vải khăn thổ cẩm, Ka Thu và chồng về buôn Đạ Nghịch phân phối cho khoảng trên dưới 30 thợ dệt. Bấy giờ là năm 2007, tính theo đơn giá đặt hàng thu mua thì mỗi người thợ dệt thổ cẩm cả ngày đêm cũng thu nhập được trên dưới 50 ngàn đồng. Nhưng rồi chỉ được đôi ba tháng lại hết hàng đặt thu mua. Ka Thu quyết định gom góp một số vốn của mình để mua trước một số lô hàng của thợ dệt trong buôn đưa về cất trong nhà rồi tìm nơi tiêu thụ mới. Kết quả là đã xây dựng được “thị trường mùa vụ”  cho thổ cẩm Đạ Nghịch vào thời gian khoảng 4 tháng trước và sau tết hàng năm. Ka Thu cho biết vào thời điểm này, bà con thường thu hoạch xong cà phê, lúa, bắp…bán có tiền để mua sắm thổ cẩm. Và đây cũng là thời điểm trai gái trong buôn tổ chức lễ cưới nên cần mua nhiều mặt hàng thổ cẩm may áo quần, trang hoàng phòng tân hôn...
Đến nay sau 3 năm xây dựng “thị trường mùa vụ” bán thổ cẩm trên nhiều buôn làng ở Lâm Đồng, Ka Thu và chồng mỗi năm tiêu thụ cho trên dưới 30 thợ dệt trong buôn Đạ Nghịch với hàng ngàn sản phẩm thổ cẩm khác nhau. Một năm mỗi người thợ dệt theo đặt hàng của Ka Thu có việc làm chừng 5- 6 tháng, mỗi người thu nhập trên dưới 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Hiện trong buôn Đạ Nghịch ước có khoảng trên dưới 50 hộ gia đình cũng đã vừa dệt vừa tự tìm được nơi bán thổ cẩm của mình, duy trì việc làm từ 3- 4 tháng mỗi năm, thu nhập hàng tháng cũng đạt trên dưới 1,5 triệu đồng mỗi người. Dẫu không còn dệt tập trung ở nhà xưởng trong buôn, ai nấy đều đưa khung dệt về nhà riêng của mình, song vẫn đang hé mở thị trường tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ trên khắp các buôn làng ở Lâm Đồng. Đây là thị trường hình thành tự phát và đã có những kết quả khôi phục nhất định về hoạt động của làng nghề thổ cẩm Đạ Nghịch, Lộc Châu, Bảo Lộc. Vậy thiết nghĩ các cơ quan chuyên ngành của nhà nước cần sớm có định hướng để tạo ra những kích cầu mở rộng khu vực thị trường thổ cẩm ở khu vực buôn làng Tây Nguyên, tiến tới từng bước đưa hàng thổ cẩm thâm nhập trở lại thị trường du lịch của Lâm Đồng./.             
Tháng 4/2010.