VĂN VIỆT
Công ty TNHH Báo Đáp
(TPHCM) đã cùng với nông dân huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt hoàn chỉnh quy
trình sản xuất hoa cẩm chướng chất lượng cao, được Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng cho phép ứng dụng rộng rãi trên địa bàn.
Theo Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh
nông nghiệp Lâm Đồng, Công ty TNHN Báo Đáp (TPHCM), Chi nhánh Lâm Đồng được
trúng thầu triển khai chủ đề « xây dựng và chuyển giao quy trình canh
tác hoa cẩm chướng ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính » từ tháng 3/2013
đến nay. Kết quả điều tra, từ năm 2008 đến nay, diện tích trồng hoa cẩm chướng trong
nhà kính ở Lạc Dương và Đà Lạt tăng từ gần 214ha lên hơn 290 ha. Tiếp cận ngẫu nhiên với kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng của 60
hộ nông dân cho thấy : chiếm 50% số hộ chưa từng tham gia đào tạo; 20% số
hộ tìm kiếm sự giúp đỡ của Hiệp hội hoa thành phố Đà Lạt và Hội Nông dân các
phường, xã ; 10%, số hộ được các công ty liên kết hướng dẫn ; tỷ lệ
20% số hộ còn lại tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Cụ thể chỉ có 15% số hộ đang
sử dụng bón phân trên hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ châu Âu ; còn
lại 85% số hộ sử dụng hệ thống tưới phun tự động và tưới bằng tay. Về đầu ra
của sản phẩm hoa cẩm chướng, có 57 hộ bán cho thương lái trong nước, 3 hộ bán xuất
khẩu qua doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài.
Hiện trạng trồng hoa cẩm chướng ở
Đà Lạt và Lạc Dương đã « phản ánh » những điều đáng quan tâm. Đó là phần lớn nguồn giống
được trồng do nông dân tự sản xuất, hoặc mua các cơ sở nhân giống tự phát, dẫn
đến khó khăn cho việc quản lý một số loại bệnh hại như rỉ sắt, lở cổ rễ, héo
tươi… Việc sử dụng phân bón chưa đúng lúc, đúng liều lượng, có đến 30% số hộ
nông dân bón thừa hoặc thiếu lượng phân hóa học khiến cây bị tổn thương rễ, héo
lá. Ngoài ra nông dân vẫn chưa có đầy đủ những cơ sở kỹ thuật phù hợp để tưới
nước, tỉa cành, tạo tán, làm cỏ, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Ban
Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã chọn 4 hộ gia đình xây dựng mô
hình điểm sản xuất hoa cẩm chướng ở Đà Lạt gồm hộ ông Lê Quốc Vương (Nguyên Tử Lực, phường 8); hộ ông Phạm Việt (Tự Phước, Phường 11) ; hộ ông Nguyễn Anh Tuấn (Tùng Lâm,
Phường 7 ) và ở Lạc Dương là hộ ông Tô
Quang Dũng (thôn Đa Nghít, xã Lát). Mỗi hộ có 1.000 m2 vườn
mô hình và 500 m2 vườn đối. Tất cả đều có sẵn nhà kính với hệ thống
tưới nước, bón phân tự động nhỏ giọt …
Đầu
tiên ở khâu chuẩn bị đất, Công ty TNHH Báo Đáp cùng nông dân dùng máy cày sâu 40cm, rồi khử trùng đất
bằng chế phẩm methyl bromide (CH3Br) với liều lượng từ 50 - 75g/m2. Sau đó tiến hành hút hơi, tưới nước phun
sương trong 2 ngày đầu để giảm mùi hôi và độ độc của thuốc. Cào san bằng
đất và bón phân lót trước khi đóng cọc chia rò, mỗi luống cắm 4 cọc ở 4 góc,
cọc đóng sâu khoảng 40 cm để căng lưới che được thẳng và đều theo từng ô vuông.
Tiếp theo phải chọn nguồn giống cấy mô để
trồng khi trời mát; cây giống phải
được đặt giữa ô lưới thẳng góc với mặt đất; chỉ lấp đất 2/3 bầu cây. Mật
độ trồng 28.000 cây/1.000m2 (khoảng cách 17-20cm x 17-20cm). Sau khi trồng 1 ngày, phun ngừa bệnh lở cổ rễ
bằng dung dịch thuốc Topsin và Rovral với 1-2g/lít.
Từ 7-10 ngày sau trồng, tưới tay và tưới phun
sương vào mỗi buổi sáng và buổi trưa mỗi ngày. Đến 30, 40 ngày, tưới tay và
tưới nhỏ giọt nhằm giảm nhiệt độ trong nhà kính, tưới 2 bên vách, phía đầu và phía cuối rò nhiều hơn giữa rò, nên tưới
vào buổi sáng từ 7-10 giờ. Phân bón tưới qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo
liều lượng thích hợp với các giai đoạn từ cây con đến cây trưởng thành.
Khi cây
đến 4-5 tuần tuổi, tiến hành bấm ngọn để tạo trung bình mỗi cây 5 chồi mới.
Đồng thời tỉa nụ chính đối với cẩm chướng chùm và nụ nhánh đối với cẩm chướng
đơn, ngắt lá bệnh khi phát hiện trên các lá hoặc thân cây có vết đốm bệnh rỉ
sắt hoặc đốm mắt cua; nhổ bỏ ngay những cây bị bệnh chết héo rũ...
Sau
8 tháng trồng và thu hoạch hoa cẩm chướng theo quy trình trên, doanh thu trên 4
mô hình điểm đều tăng cao vượt trội so với vườn đối chứng. Cụ thể trên 1.000m2,
trung bình vườn mô hinh đạt tổng doanh thu gần 165 triệu đồng, cao hơn
vườn đối chứng 27 triệu đồng; trong đó tỷ lệ lãi ròng tương ứng là 43,5% và
31,7%. Về năng suất ở vườn mô hình đạt từ 80- 85% hoa loại A (111.800 cành), cao hơn 12,4% so với vườn đối chứng. Kết
quả này đã được Công ty TNHH Báo Đáp tổ
chức được gần 10 hội thảo đầu bờ và tập huấn cho 540 nông dân cùng 21
khuyến nông viên ở Đà Lạt, Lạc Dương./.
Tháng 8/2013