Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Giữ xanh cho cung đường xanh Tây Nguyên

VĂN VIỆT
Đến nay tròn một năm tăng tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng và đa dạng nhiều hình thức nâng cao ý thức pháp luật về rừng cho đồng bào thiểu số tại chỗ, những cánh rừng trải dài ven cung đường xanh Tây Nguyên thuộc tỉnh lộ 723 của Lâm Đồng nối với Khánh Hòa đã hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng làm rẫy.

QUÝ RỪNG NHƯ VƯỜN HỘ
Vào đầu giờ một sáng tháng 4/2010 trên địa bàn xã Đạ Sar, Lạc Dương, chúng tôi gặp một tổ quản lý bảo vệ rừng trên dưới 10 người đang vào cửa rừng tuần tra. Trò chuyện với ông Ha Ba, Tổ trưởng tổ này được biết, việc tuần tra rừng hàng ngày được trong tổ phân công mỗi lần trên dưới 10 người dân, vai vác xà gạc, tay mang theo cơm, sáng đi, tối trời mới về nhà. Cứ vậy, hết nhóm người này thay phiên đến nhóm người khác, khép kín liên tục bảy ngày trong tuần quán xuyến trên từng cánh rừng. Người đi từ nhà đến khu vực rừng xa nhất khoảng trên dưới mười cây số; còn trung bình thì cách xa đến bốn, năm cây số. Ha Ba thật tình: “Từ ngày nhà nước tăng tiền công quản lý bảo vệ rừng lên mỗi ha từ 100 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng rồi đến 290 ngàn đồng, bà con buôn làng chúng tôi, ai ai cũng rất tích cực bảo vệ rừng, quý rừng như vườn hộ của mình để được nghiệm thu, nhận đủ tiền giao khoán…”  Được biết tổ giữ rừng của Ha Ba có trên 10 hộ đồng bào thiểu số, mỗi hộ được giao khoán khoảng 30 ha rừng với giá mỗi ha rừng quản lý, bảo vệ đạt yêu cầu được nhận 290 ngàn đồng từ tháng 4/2009 đến nay.
Ở cánh rừng gần bên cũng thuộc địa bàn xã Đạ Sar, Lạc Dương là một tổ giữ rừng khác do Ha Tang làm tổ trưởng. Ở độ tuổi 53, Ha Tang rất có uy tín với cộng đồng làng buôn bởi đã có 14 năm làm cán bộ văn phòng Uy ban nhân dân xã Đạ Sar, nay về lại khu dân cư được bầu làm thôn trưởng. Vậy là Ha Tang vừa tham gia giữ rừng và điều hành trực tiếp một tổ giữ rừng gồm 8 hộ gia đình đồng bào thiểu số với gần 250 ha rừng; vừa làm thôn trưởng lãnh đạo chung trên 3 tổ giữ rừng trong xã. Ha Tang phân công tổ viên trong tổ giữ rừng theo từng chương trình kế hoạch khác nhau, phù hợp từng thời điểm. Như  mùa khô thì từ 7 giờ sáng 17 giờ chiều mỗi ngày đều bố trí người trực canh trên những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Trong khi canh trực phải thu gom và đốt dọn sạch sẽ những lớp thực bì khô và những vật liệu dễ cháy còn sót lại dưới tán rừng. Mùa mưa thì có thể huy động tất cả mọi người trong tổ đi tuần tra dài ngày trên những vùng đất lâm nghiệp giáp ranh với đất nông nghiệp, kịp thời ngăn chặn những dự định lấn chiếm đất lâm nghiệp của những nông hộ ở bìa rừng. Ha Tang nói: “Gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của thôn chúng tôi đều được nhận quản lý, bảo vệ rừng với mỗi hộ trung bình trên dưới 30 ha. Tất cả các cuộc họp thôn định kỳ và đột xuất, chúng tôi đều đánh giá kết quả giữ rừng tuần qua, tháng qua, từ đó thống nhất những biện pháp thực hiện được tốt hơn…” Cuộc sống mỗi ngày của người thôn buôn ở đây đều gắn với lợi ích của rừng. Ngày nào cũng vậy, với từng hộ gia đình đều có người lên thăm rừng như thăm khu vườn của mình. Cả cộng đồng thôn buôn động viên, giám sát, bảo ban lẫn nhau để giữ rừng đạt yêu cầu nghiệm thu. Đến nay đã gần một năm ở thôn của Ha Tang chưa xảy ra trường hợp nào phải trừ tiền hợp đồng giữ rừng do vi phạm.
RỪNG LÊN XANH, DÂN GIẢM NGHÈO
Trên cung đường xanh Tây Nguyên thuộc tỉnh lộ 723 của Lâm Đồng, tính riêng khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đi qua 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais thuộc huyện Lạc Dương đã chia đều cho hộ đồng bào thiểu số nhận quản lý, bảo vệ tất cả khoảng hơn 24 ngàn ha; mỗi hộ trung bình trên dưới 30 ha. Để rừng được giữ xanh trong một năm qua, bên cạnh việc kiểm tra, nghiệm thu chi trả tiền kịp thời và đầy đủ cho hộ gia đình giữ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật về rừng khá sôi động, thiết thực qua cuộc thi sân khấu, thu hút hàng ngàn người đến xem. Bên cạnh đó là nhiều đợt tập trung phát tờ rơi, hỏi- đáp pháp luật…được diễn ra trên từng cụm dân cư, lôi cuốn hàng trăm người trên mỗi cụm dân cư đến tham gia. 
Nói về suy nghĩ của mình, già làng Ha Quê ở xã Đạ Nhim chia sẻ :“Gia đình tôi nhận giữ 30 ha rừng, mỗi quý nhận được 2,2 triệu đồng. Rừng đã cho tôi có tiền mua gạo, cho con cháu học hành; cho có nước phát điện, không bị lũ rừng về buôn tàn phá hoa màu nữa… ” Năm ngoái gia đình Ha Quê nhận đền bù gần 45 triệu đồng trên hơn 9 sào đất nông nghiệp nằm trên công trình thủy điện Đạ Khai. Không lo đói vì có khoản tiền giữ rừng ổn định hàng quý, có hơn 01 ha đất nông nghiệp trồng cây hồng, cây cà phê, gia đình Ha Quê dồn hết số tiền nhận đền bù để nâng cấp căn nhà ở mới được khang trangvà tiện nghi hơn. Ở xã Đạ Sar, khá nhiều hộ để dành khoản tiền giữ rừng hàng năm để mua trâu bò về nuôi. Như ở thôn 3 của xã này có nhà Ha Tang mua 5 con trâu còn nhỏ về nuôi, nay mỗi con có giá trị đến 7 triệu đồng; nhà Ha Húy mua 3 con bò nghé về nuôi, nay mỗi con đã tăng trọng lên giá trị từ 4 triệu đồng trở lên. Cũng ở thôn này sau một năm giữ rừng, từ 19 hộ nghèo năm 2009 đến nay đã giảm xuống chỉ còn 9 hộ nghèo.      
Trong một cuộc trò chuyện với bà con dân tộc thiểu số ở 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais mới đây, ông Trần Ngũ Hùng, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã động viên : “Năm qua bà con giữ rừng thật xanh tốt. Năm tới và những năm tới nữa, mong bà con giữ rừng càng xanh tốt hơn. Rừng càng xanh tốt thì càng giữ được nhiều nước, phát được nhiều điện, bán được nhiều tiền điện hơn thì bà con sẽ nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được nhiều hơn…”./.
Tháng 4/2010