VĂN VIỆT
Người nông dân thôn R’Lơm, xã Đạ Đờn,
Lâm Hà ( Lâm Đồng) đang điêu đứng vì cây cà phê chết hàng loạt từ đầu năm 2009
đến nay. Cơ quan nông nghiệp huyện Lâm Hà đã xuống thực địa khảo sát nhưng vẫn
chưa có kết luận chính thức để khuyến cáo cho người nông dân.
Ông
K’Tam, Thôn trưởng thôn R’Lơm dẫn phóng viên đến chứng kiến hiện tượng vườn cà
phê đang chờ chết của gia đình ông. Đó là những khu vườn cây cà phê robita
trồng từ năm 1994, trơ ra những thân cành cao lớn nhưng tán lá vàng úa, rụng
phần lớn. K’Tam nói rằng chưa năm nào vườn cà phê của gia đình ông gặp thực
trạng quá thiệt hại như năm nay. Mọi năm trên diện tích hơn 1,3 ha cà phê này,
gia đình ông thu hoạch được từ 4 tấn đến 6 tấn nhân. Nhưng vụ mùa vừa qua, chỉ
thu được chưa quá 9 tạ nhân. Trái non bị rụng gần hết xuống đất. Trái chín trên
cành thì phần lớn cho nhân lép kẹp. Lỗ quá nặng- ước đoán đến hàng chục triệu
đồng tiền đầu tư. Tính ra cà phê thu được cũng chỉ bù đắp gần đủ tiền công thuê
mướn cả năm. K’Tam nói thêm “Gia đình tôi vẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc
trừ sâu quen thuộc; vẫn chăm sóc theo kinh nghiệm từ trước đến nay, nhưng không
hiểu sao, cả khu vườn cà phê gần như bị chết đứng như thế này…”
Nhưng
so sánh trong thôn R’Lơm, cà phê hộ gia đình K’Tam vẫn đang thất bại không lớn
bằng hộ gia đình K’Siêng. Mọi năm trên 7 sào cà phê ( trồng từ năm 1994), hộ
gia đình K’Siêng thu hoạch từ 3 tấn đến 4 tấn nhân. Bắt đầu từ năm 2006, cà phê
phát triển cầm chừng nên chỉ thu được 01 tấn nhân. Sang năm 2007, hộ gia đình
K’Siêng tăng cường lượng phân bón, thuốc trừ sâu; làm cỏ sạch trên từng gốc cà
phê..Nhưng rốt cuộc đến vụ trái cà phê cũng chỉ hái được chưa quá 01 tấn nhân.
Lại tiếp tục tăng đầu tư vật tư, kỹ thuật trên cây cà phê; rồi đến thời điểm
thu hoạch cuối năm 2008 vừa qua, hộ K’Siêng chỉ thu mót với gần 01 tạ nhân.
Không còn hy vọng cứu chữa được nữa, vừa qua, hộ gia đình K’Siêng quyết định bỏ
ra hơn 5 triệu đồng, thuê máy xúc vào nhổ bỏ trắng trên 7 sào cà phê này.
Thôn
trưởng thôn R’Lơm, ông K’Tam cho biết thêm: Bên cạnh hộ K’Siêng, đã có nhiều hộ
trong thôn R’Lơm cũng vừa nhổ bỏ trắng diện tích cà phê như hộ K’Su ( 7sào); hộ
K’Điệp ( 4 sào); một hộ người Kinh khác (hơn 01ha). Ước tính cà phê cả thôn
R’Lơm đang bị chết đứng hơn 40 ha. Đáng nói là bà con nông dân không phát hiện
một loại bệnh thường thấy nào trên cây cà phê như bệnh sâu đục thân, dịch ve
sầu…Ban đầu đang chăm sóc, thu hoạch bình thường thì bất ngờ xuất hiện một vài
khoảnh vườn bị vàng lá, không đậu trái; rồi cũng không ngờ đôi, ba năm sau đó
sau đó lại xuất hiện cây chết đứng trên diện rộng với hơn 40ha như vậy. Và hiện
nay bà con nông dân đang nơm nớp với hơn 660 ha cà phê còn lại phát triển “khỏe
mạnh” trong thôn R’Lơm. Không biết tình trạng cà phê chết đứng ở đây sẽ còn
tiếp tục lan rộng nữa hay không ?!
Ông
Nguyễn Thanh Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn R’Lơm thì nói rằng, bà
con nông dân đang đặt nghi vấn về chất đất đã biến đổi chai cứng khiến bộ rễ
cây cà phê không có khả năng phát triển để hấp thu phân bón, dẫn đến cây chết
vì thiếu chất dinh dưỡng. Nghi vấn khác cho rằng diện tích đất trồng cà phê bị
chết hàng loạt nguồn gốc là đất trồng lúa. Bà con thường xả nước quá nhiều để
tưới cây cà phê từ hệ thống thủy lợi Đạ K’Riêng hàng năm nên có thể gây chết
úng dần bộ rễ cây….Tuy nhiên nghi vấn cũng chỉ là nghi vấn. Hiện bà con trồng
cà phê thôn R’Lơm đang chờ kết luận khoa học chính thức từ ngành nông nghiệp
huyện Lâm Hà, Lâm Đồng./.
Tháng 4/2009