Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Bồ câu đưa về tiền triệu

VĂN VIỆT
Gia đình ông Nguyễn Căn ở thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt đã “tự phát” nhân đàn bồ câu Pháp, hàng tháng đưa về thu nhập nhiều triệu đồng, giúp những nông hộ khác ở quanh vùng chuyển đổi khả quan giống vật nuôi mới này.
Ra thăm chuồng bồ câu Pháp khi trời nắng gần giữa trưa đầu tháng 3/2013, ông Nguyễn Căn kéo tấm bạt lại để che mát bốn bên rồi nói: “ Bồ câu Pháp nuôi nhốt chứ không thả bay tự do kiếm ăn như bồ câu ta. So với bồ câu ta thì bồ câu Pháp sinh sản nhanh hơn, trọng lượng nặng nề hơn nên khi thả ra bay đi bay rất chậm chạp, khó khăn, không thích nghi được với môi trường sinh tồn ngoài trời…”
 Đây là những kiến thức và kinh nghiệm của ông Căn sau hơn một năm “làm bạn” với bồ câu Pháp. Nhưng trước đó đã phải “trả giá” với 10 cặp bồ câu nuôi trong tháng đầu tiên bị chết không kịp cứu vì vượt chuồng ra ngoài nhiễm lạnh, gí trị thiệt hại nhiều triệu đồng. Với 40 cặp bồ câu còn lại, ông Căn tìm tòi, tra cứu tài liệu để vận dụng những quy trình kỹ thuật chăm sóc cụ thể hơn, thích hợp hơn với khí hậu lạnh Đà Lạt. Bởi nguồn giống bồ câu trước khi mua về chỉ được thuần dưỡng trong môi trường xứ nóng ở phương Nam.
Trong căn chuồng xây bằng gạch gần 25 mét vuông, nền tráng xi măng, ông Căn xây thêm 2 ô nước để cho 40 cặp bồ cầu tự tắm rửa, tỉa lông sạch sẽ mỗi ngày. Thức ăn là lúa, bắp sạch, được vãi ra dưới nền hoặc đổ vào trong những chiếc máng nhỏ treo lủng lẳng bên trên. Hàng tuần quét dọn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại; phân chim bồ câu được đưa ra ngoài trộn với phân vi sinh, ủ đến vài tháng sau là đem bón cho vườn sản xuất rau, hoa. Với chiều cao trên dưới 3 mét, trong chuồng được lắp đặt những thanh cây ở khoảng giữa để cho bồ câu bay lên bay xuống được thuận tiện hơn. Nuôi từ 4 đến 5 tháng sau, từng cặp bồ câu bắt đầu đẻ trứng. Trong chuồng, ông Căn lót từng ổ rơm, ổ trấu cho bồ câu đẻ trứng và ấp nở trong những thùng giấy và trong những chậu đất ( loại chậu dùng trồng cây cảnh), ngăn cách riêng biệt với một không gian ăn, uống, phối giống tự nhiên… bằng một tấm lưới màu đen. Ông Căn nói đây là một giải pháp kỹ thuật khá đơn giản, nhưng đã tạo ra hai môi trường “sinh thái” để chăm sóc tập trung hơn. Kết quả bồ câu mái đẻ trứng hàng ngày có trung bình từ năm, sáu con, cá biệt có ngày lên đến 10 con. Khi mỗi ổ có đủ 2 quả trứng đã đẻ ( to gần bằng trứng “gà so”) thì bồ câu mái bắt đầu ấp. Chừng 20 ngày sau, trứng ấp nở thành chim bồ câu con, tính chung đạt tỷ lệ nở trên dưới 90%.  Tỷ lệ đẻ trứng trung bình của bồ câu Pháp trong cả năm qua là 10 lần.
Hàng ngày chăm nuôi, theo dõi từng con bồ câu với từng độ tuổi khác nhau, ông Căn phân biệt nhanh con chim nào là chim trống, chim mái khi vừa nở ra khỏi trứng. Nuôi chim nở đến hai tháng sau, ông Căn chọn ra từng cặp giống để giữ lại nuôi dưỡng theo chế độ sinh sản hoặc bán cho người nuôi trong thành phố Đà Lạt ( đã bán khoảng 200 cặp), còn lại là bán thịt thương phẩm cho người tiêu dùng đặt trước qua điện thoại. Thời gian phối giống, sinh sản của bồ câu Pháp bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Đến nay là hơn một năm “gầy đàn”, ông Căn đã nhân lên thành hơn 200 cặp bồ câu sinh sản. Cộng và trừ nguồn vốn đầu vào- đầu ra, mỗi tháng trong năm đầu tiên nuôi bồ câu Pháp với quy mô này, đã đưa về thu nhập cho gia đình ông Căn từ 5- 6 triệu đồng. Số lãi này ước tính sẽ nhân lên gấp 2 lần vào năm nuôi thứ 2 - tức trong năm 2013 này.
Hộ gia đình ở xã Xuân Trường, Đà Lạt được ông Nguyễn Căn trực tiếp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bồ câu Pháp với số lượng nhân đàn cao nhất là từ 30 cặp ban đầu, sau 6 tháng phát triển thành 80 cặp. Với việc thuần dưỡng thành công bồ câu Pháp từ xứ nóng lên xứ lạnh Xuân Trường, Đà Lạt, ông Căn cho rằng đây là loài vật nuôi mới không chỉ giảm nghèo hiệu quả khá nhanh, mà có thể từng bước vươn lên khá giả với điều kiện áp dụng nghiêm ngặt, đầy đủ quy trình chăn nuôi thích hợp mà ông đã “thu hoạch” được trong hơn một năm qua./.
Tháng 3/2013