Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Đặc sản mang nhãn hiệu người mua

VĂN VIỆT
Vì không tự tìm được khách hàng tiêu thụ trực tiếp, từ bao nhiêu năm nay, những cơ sở sản xuất đặc sản mức gừng, hồng sấy khô, khoai lang mật...ở khu Trại Hầm, phường 10, Đà Lạt đành chấp nhận hàng hóa của mình gắn tên nhãn hiệu theo yêu cầu của người mua.

Thời điểm cuối tháng 10/2010, cơ sở của ông Nguyễn Thế Vĩnh ở khu Trại Hầm ( 18A, Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt) mỗi ngày chế biến từ 150 kg đến 200 kg khoai lang mật tươi mua về từ các vựa khoai ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà. Nối liền quy trình sản xuất mứt khoai thủ công truyền thống từ đưa khoai vào nồi nhôm nấu chín trên bếp củi, đến bóc vỏ xắt ra từng lát mỏng, đưa vào lò sấy bằng lửa than, ông Vĩnh đã trang bị hiện đại một chiếc máy hút chân không cho sản phẩm trước khi đóng gói với số tiền hơn 20 triệu đồng. Theo hình thức cuốn chiếu sau một tháng khoai mua về để khô ráo mới đưa vào chế biến thành mứt. Trung bình từ 5 kg đến 5,5 kg khoai lang tươi sản xuất thành 01 kg khai lang mứt. Giá bán mỗi ký mứt từ tháng 9 đến tháng 10/2010 trên dưới 40 ngàn đồng. Mứt được bán sỉ cho các quày hàng bán đặc sản ở chợ Đà Lạt và các thương lái buôn chuyến đường xa. Bán xong cứ mười ngày, nửa tháng thu tiền một lần. 
Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoài thì năm nay hàng mứt khoai lang có giá tăng trên dưới 5.000 đồng mỗi ký. “Nhưng những lò mứt như chúng tôi chưa bao giớ dám nghĩ đến việc mở rộng quy mô sản xuất để làm giàu. Bởi không thể có khả năng để khai thác những đầu mối lớn tiêu thụ đến tận khách hàng. Nên đến hiện tại nếu làm ngày làm đêm để chế biến mứt thì tính đúng, tính đủ mỗi lao động trong gia đình chúng tôi được trả tiền công khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Thay vì đi cuốc mướn, phụ hồ, đi xe ôm…thì ở nhà làm mứt đỡ tốn sức lao động nặng nhọc hơn…”- ông Vĩnh nói. Được biết với hơn mười năm sinh sống bằng nghề chế biến mứt khoai lang, ông Vĩnh vẫn chưa đầu tư được một quày hàng riêng biệt để bán sản phẩm của mình nên phạm vi tiêu thụ nhiều hay ít đều phụ thuộc các quày hàng đặc sản của người bán tại chợ Đà Lạt cũng như các thương lái buôn chuyến đường xa. Vì phụ thuộc đầu ra nên ông Vĩnh đã chấp nhận cho người bán gắn tên nhãn hiệu trên sản phẩm của mình. Thậm chí có người đặt mua hàng với những tập nhãn hiệu đã in sẵn. Theo đó, ông Vĩnh đóng từng gói hàng mứt là phải gắn từng nhãn hiệu theo thỏa thuận với người đặt hàng.  
Ở cơ sở mứt hồng Hoa Sơn tại số 43, Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt cũng không ngoài thực trạng sản xuất cho nhiều nhãn hiệu người mua khác nhau. Sau hơn ba tháng rưỡi mùa hồng năm nay, Hoa Sơn đã thu mua khoảng 15 tấn hồng tươi ở vùng D’Ran của Đơn Dương và các vùng ven của Đà Lạt để chế biến thành 3 tấn mứt hồng khô. Dự kiến đến cuối năm 201o, Hoa Sơn sẽ đạt mức chế biến đến 6 tấn hồng khô các loại, giá bán mỗi ký từ 50 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng. Tuy nhiên khi hỏi về việc khẳng định nhãn hiệu của mình ra thương trường thì chủ cơ sở này thật lòng : “ Cơ sở chúng tôi bán hàng đặc sản mứt hồng theo những đầu mối quen biết lâu năm ở Đà Lạt. Hàng sản xuất ra rồi đóng trong bao ni lông bán tính tiền theo ký. Người mua có thể tùy ý phân ra đóng gói và gắn lên nhiều tên nhãn hiệu sản xuất của họ. Thường khi gắn nhãn hiệu xong, người mua mới đưa hàng xuống cung ứng cho các siêu thị lớn ở Sài Gòn…” Chủ cơ sở Hoa Sơn cũng biết rằng sẽ mình luôn thiệt thòi khi cho người mua gắn lên nhãn hiệu của sản phẩm do mình sản xuất ra. Uy tín, chất lượng sản phẩm của mình nhưng lại tạo dựng nhản hiệu cho người khác. Biết mà không thể nào xoay trở cách khác được vì bao năm qua cơ sở chỉ biết quanh quẩn sản xuất và chế biến ở trong nhà; không đủ các điều kiện để tự thân đi khai thác thị trường để bảo vệ nhãn hiệu riêng của mình.  
Ông Trần Văn Thiêm, cán bộ chuyên trách nông – lâm - thủy phường 10, Đà Lạt thống kê trên địa bàn thường xuyên duy trì sản xuất các mặt hàng đặc sản từ 10 đến 15 hộ gia đình. Tất cả đều sản xuất và hưởng lợi nhuận chủ yếu bù đắp công lao động bỏ ra. Phần lợi nhuận nhiều hơn thuộc về người mua là các đầu mối khi gom đủ hàng mới đưa đi bán lại số lượng lớn ở thị trường ngài tỉnh. Người mua được gắn nhãn hiệu của mình trên sản phẩm mua được nên người tiêu dùng không sao biết được người chủ đích thực của sản phẩm là ai. Để bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất hàng đặc sản này, phường 10 đang cùng với các phòng ban chức năng của thành phố Đà Lạt bắt đầu khảo sát thực tế để vận động từng hộ gia đình làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, từ đó làm cơ sở lên phương án quản lý và phát triển mới các khu phố nghề làm mứt đặc sản ở địa phương, trong đó phát huy vai trò của tổ chức hội nông dân trong việc tìm kiếm thị trường ổn định và bền vững cho người sản xuất./.
Tháng 10/2010