Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Những bộ sách chữ Nùng ở Lâm Đồng

VŨ VĂN  
Lưu giữ cả trăm cuốn sách chữ Nùng sao chép lại từ thập niên hai mươi của thế kỷ trước, ông Vy Văn Dèn ( 68 tuổi, dân tộc Nùng, ngụ tại 203, Hoàng Văn Thụ, Liên Nghĩa, Lâm Đồng) đang trở thành địa chỉ cho những người tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa dân gian của người Nùng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mở khóa ra từ các va ly đóng bằng gỗ đã cũ, ông Dèn cẩn thận lấy từng lớp sách chữ Nùng cho khách báo xem. Từ trang bìa đến từng trang ruột đã ngả màu sẫm vàng nhưng từng nét chữ Nùng màu mực đen mài vẫn còn sắc nét, như lấp lánh trong mắt người xem. Ông Dèn phân loại gồm các bộ sách chứa đựng nội dung trên từng lĩnh vực đời sống cộng đồng người Nùng của Việt Nam. Đó là bộ sách ca dao dân ca, ca ngợi phong cảnh đất nước, truyền thống gia đình, tình yêu lứa đôi. Đó là bộ sách ghi những nghi thức tổ chức các lễ hội mừng thọ, mừng tân gia, mừng đám cưới, mừng sinh nhật….với những câu chúc mừng súc tích, nhiều ý nghĩa nhất. Đó là những bộ sách hướng dẫn việc chọn ngày lành tháng tốt cho việc xuất hành đầu tuần, đầu tháng, đầu năm; khai trương buôn bán, sản xuất, chăn nuôi; xem ngày tháng năm sinh của từng người ứng với từng con giáp. Đó là những bộ sách về tổ chức lễ hội cầu mùa màng tốt tươi, cầu gia đạo, xóm làng, đất nước bình an, cầu phước, lộc, thọ cho mọi người…Bộ sách nhiều nhất có đến 20 cuốn; cuốn dày nhất đến 200 trang. Bộ sách ít nhất có 3 cuốn; cuốn mỏng nhất khoảng 20 trang. Cuốn sách được sao chép lại đầu tiên là vào năm 1920; cuốn sách sao chép sau cùng vào năm 1965.
Lật qua vài trang sách lưu trữ, ông Dèn giảng giải: chữ người Nùng có nét viết gần giống như chữ Hán nhưng phát âm hoàn toàn khác. Như chữ “mẹ” ( dịch nghĩa tiếng phổ thông người Việt) được viết ghép từ chữ “mẫu” của chữ Hán với chữ “nữ” của người Nùng, đọc theo tiếng Nùng là “mế”. Hay chữ “hạ” của chữ Hán viết ghép với chữ “nữ” của người Nùng, đọc theo tiếng Nùng là “dạ” ( dịch nghĩa tiếng phổ thông người Việt là “bà”, tức là người đàn bà nói chung). Ông Dèn kể rằng ông theo cha mẹ từ vùng núi phía Bắc vào Tùng Nghĩa ( Liên Nghĩa, Lâm Đồng ngày nay ) định cư từ năm 1954, lúc mới hơn 10 tuổi. Sau giờ học ở trường và giờ theo cha mẹ làm ruộng vườn, cậu bé Dèn lúc đó rất chăm chỉ theo học chữ Nùng ở những lớp học ban đêm. Về nhà được người bác ruột tranh thủ dạy cho Dèn học thêm. Những bộ sách chữ Nùng mà ông Dèn lưu giữ đến ngày nay chính là những bộ sách được người bác ruột sao chép lại từ những bộ sách gốc của người Nùng từ trăm năm trước rồi giảng dạy lại cho những người thế hệ kế tiếp. Ông Dèn nhớ lại: “Những năm 68, 69 của thế kỷ trươc, có hai lớp học chữ Nùng ban đêm, thu hút khoảng 60 học sinh lứa tuổi thiếu niên người Nùng ở Tùng Nghĩa theo học, trong đó có tôi. Nhưng rồi do đời sống nghèo khó, lại chiến tranh nên 2 lớp học duy trì được 3 năm sau thì còn lại 20 học sinh rồi giải tán luôn…  ”     
Giải phóng về, những bộ sách chữ Nùng lần lượt chuyển giao từ người bác ruột sang người chú ruột của ông Dèn rồi đến ông Dèn vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông Dèn giành nhiều năm đọc hết bộ sách trăm cuốn để ôn lại vốn từ vựng chữ Nùng. Đồng thời ông Dèn nghiên cứu sâu hơn về tục ngữ, ca dao dân ca và đời sống tín ngưỡng của người Nùng. Đến đầu những năm 2000, ông Dèn bắt đầu tìm học trò để dạy lai chữ Nùng miễn phí, nhưng cuối cùng cũng chỉ có hơn 10 người theo học. Ông Dèn nghĩ ra cách dạy với hai bước là :Bước một học thuộc từng từ tiếng Việt phổ thông. Bước hai chuyển từ tiếng Việt phố thông sang đọc và viết và đọc chữ Nùng. Ví dụ những từ tiếng Việt phổ thông dịch sang tiếng Nùng (viết gần giống với mẫu tự của chữ Hán) lần lượt là “thỉnh thầy” đọc là “Sình Sháy”; “nhân dân” đọc là “nhăn năn”; “ngày tháng” đọc là “nhật nghệt”…Rồi đến câu dài hơn như “nơi cư trú hiện tại” đọc là “phong cư trú phụng tạo”…
Đến nay đã có hơn 10 học trò của ông Dèn có thể đọc hiểu tất cả bộ sách chữ Nùng của ông. Tuy nhiên so với khoảng một ngàn hộ dân tộc Nùng ở thị trấn Liên Nghĩa, Lâm Đồng thì con số này còn quá bé nhỏ. Mong muốn của ông Dèn là sớm ra đời các lớp dạy chữ Nùng ngoài giờ ở Liên Nghĩa, Lâm Đồng để thu hút ngày càng thật nhiều người Nùng đến học tập trung. Với bộ sách chữ Nùng quý hiếm hiện có của mình, Ông Dèn và những học trò đọc thông viết thạo chữ Nùng của ông luôn sẵn lòng truyền lại những lời hay ý đẹp cho tất cả người Nùng đi học chữ Nùng./.  

Tháng 5/2011