Phóng
sự điều tra của VĂN VIỆT
Không
đắn đo gì nữa khi lên tiếng rằng, tài nguyên thiên nhiên Nam Tây nguyên Lâm
Đồng đang bị xâm phạm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, trở thành nỗi lo
ngại thường trực trong đời sống cộng đồng. Bởi vậy, các ngành chức năng, những
người có trách nhiệm của địa phương bao giờ cũng rất đau đầu trước những lời
giải của bài toán hóc búa này.
*Rừng một nơi, người một ngả
Những ngày thâm nhập hiện trường, chúng tôi
đến thăm buôn làng của người Raglag cách xa Trạm quản lý rừng Yahoa 10 cây số
đường rừng. Buôn có 80 hộ gia đình với hơn 400 con người định cư trên phần đất
Lâm Đồng nhưng nhân hộ khẩu lại thuộc quyền quản lý của tỉnh Ninh Thuận. Bí thư
chi bộ thôn Yahoa, Ka T’Siêu tự hào về truyền thống của buôn làng mình. Trong
kháng chiến chống kẻ thù, những cánh “rừng vàng” đã giúp đồng bào xây dựng căn
cứ cách mạng kiên cường. Ngày nay, đồng bào đã ý thức được việc bảo vệ rừng là
bảo vệ nguồn sống bền vững của muôn nhà. Mỗi lần biết tin lâm tặc kéo vào rừng
phá hoại, bà con rất căm phẫn, bao giờ trong lòng cũng như lửa cháy. Tham gia
truy đuổi lâm tặc rồi lại rất sợ…“bọn nó trả thù” (?!) T’In Phan, Trưởng Công
an thôn dẫn thêm lời: Cách đây không lâu, các đoàn viên, thanh niên của buôn hỗ
trợ kịp thời lực lượng bảo vệ rừng, bắt giữ phương tiện của một nhóm lâm tặc ở
xã Quảng Sơn của tỉnh Ninh Thuận. Đột nhiên, mấy ngày sau, một lâm tặc tên Nam
xông vào làng hò hét ầm ĩ, hăm dọa sẽ “chặt làm mắm, giã làm tương” những đoàn
viên thanh niên tích cực của buôn. “Nếu nhà nước xây dựng thêm một trạm lâm
nghiệp, có nhiều cán bộ lâm nghiệp túc trực ngày đêm tại buôn làng, chúng tôi
mới mạnh dạn tham gia giữ rừng được ! ”-Bí thư Ka T’Siêu trăn trở.
Ông
Phạm Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương lúc nào cũng ám ảnh trước sự “va
chạm” ngày một nặng nề giữa cán bộ giữ rừng và người Ninh Sơn ( Ninh Thuận) đi
phá rừng. Muốn lập trạm phải lường hết những phương án phối hợp khả thi giữa
tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Còn nhơ ngay ngã năm Sông Dầu trước đây của
Lâm trường Ninh Sơn đã bị cả trăm lâm tặc đến vây ráp, đập phá nhà làm việc
thành đống đổ nát. Trạm này đến nay cũng chưa xây dựng lại thì thử hỏi liệu
kiểm lâm Đơn Dương có đủ lực lượng để “giữ vững tinh thần chiến đấu” khi lập
chốt nơi này ?!
Đối
ngược lại, anh Hoàng Ngọc Sanh, người cán bộ giữ rừng Yahoa đã 20 năm-rất bức
xúc: Một tiểu khu trưởng ở đây “quản” trực tiếp trên 1.000 ha rừng, lội
rừng được 3-4 lần mỗi tháng là quá sức rồi. Lâm tặc nhiều khi tổ chức từng
đoàn, thoắt ẩn thoắt hiện bằng nhiều đường cắt rừng khác nhau. Bị truy đuổi nơi
này, họ lại chạy sang nơi khác phá rừng. Những phương tiện phạm pháp, nhất là
cộ xe bò, phải cương quyết tịch thu. “Đã phá rừng còn ngoan cố chống đối lại
người thi hành công vụ, phải… bắn bị thương con bò mới răn đe được chứ ! Dẫu
sao con bò cũng là một khối tài sản lớn của người đi phá rừng mà !”
Trở
về “thung lũng thiếc” của rừng đặc dụng Đà Lạt, thiếu tá Hồ Đăng Tập, Trưởng
Công an phường 8, nói thẳng sự thật: “Lực lượng công an chúng tôi mà cứ đóng
chốt ngày đêm trong rừng Thung lũng Tình yêu là trái chức năng, trái thẩm quyền
rồi ! Phải là lực lượng kiểm lâm và chủ rừng cùng nhau tìm cách giữ rừng cho
tốt chứ !” Được biết, ban đầu công an thành phố Đà Lạt, công an phường 8 chỉ
“điều quân” tham gia hỗ trợ khi có “tình huống nóng” bộc phát. Sau đó, cứ đêm
khuya, người đãi thiếc đổ bộ rần rần đến hàng chục người, rồi đến hàng trăm
người. Không chỉ mang theo phương tiện phạm pháp là mâm, thau; họ còn sử dụng
“hung khí” cây gậy, đất đá…để phản kháng, thậm chí tấn công đột ngột lực lượng
bảo vệ rừng. Lãnh đạo Thung lũng tình yêu trong trạng thái hốt hoảng không yên,
nên công an mới “với tay” vào “bao sân” như vậy. Tuy nhiên, lực lượng công an
phường 8 hiện đang rất mỏng, ngày đêm
phải bám sát diễn biến tình hình trật tự trị an của tất cả khu dân cư trên địa
bàn. Cắt cử một cán bộ hay chiến sĩ công an giữ rừng trong một đêm ở rừng Thung
lũng tình yêu là “cả vấn đề”. Nói chi đến nhiều-nhiều đêm phải thay phiên nhau
vào đây. Lại không có chế độ bồi dưỡng nào nữa chứ (?!) “Nếu khu du lịch thung
lũng tình yêu không đủ sức giữ được rừng, hãy nên giao lại cho tỉnh. Chứ cứ để
ôm đồm theo đà này thì… ”-Thiếu tá Tập lắc đầu…
“Cơm không ăn, gạo…còn không” ?!
Đúng
lúc bận quá nhiều công việc, ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi
trường Lâm Đồng phải hẹn trao đổi với chúng tôi vào giờ nghỉ buổi trưa. Câu hỏi
chung của chúng tôi đặt ra là: Tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản của Nam
Tây Nguyên Lâm Đồng vẫn liên tục bị khai thác trái phép, khai thác vô tội vạ.
Bài toán quản lý nhà nước, quy hoạch đầu tư, chế biến ở đâu rồi ?!
Ông
Lương Văn Ngự trả lời rất nhanh, nhưng bộc lộ rất nhiều vấn đề dằn vặt, trăn
trở. Đó là định hướng chung về quy hoạch mang tầm chiến lược dài hơi. Mà, đặt
lên hàng đầu là tính ổn định trong sự phát triển bền vững. Trong vòng mười năm
trở lại đây, dân số tăng cơ học và tăng tự nhiên ở Lâm Đồng vẫn chiều hướng rất
nhanh. Quy hoạch dân cư mới, khu sản xuất mới không thể ngày một, ngày hai đáp
ứng nhu cầu. Hệ quả, một bộ phận người dân phải phá rừng-hủy hoại chính môi
trường sống của mình để tồn tại hôm nay mà nhắm mắt không mảy may biết đến ngày
mai. Bên cạnh đó nhiều nơi cứ bảo giữ rừng là nhất nhất ôm giữ khư khư bên
mình; chưa có những đột phá chuyển đổi hợp lý các khu vực đất lâm nghiệp thành
đất nông nghiệp, đất ở cho dân ?!
Không chỉ tài nguyên trên mặt đất đang
khánh kiệt từng ngày, mà tài nguyên trong lòng đất cũng luôn bị thất thoát
không nhỏ. Thực tế đào thiếc trái phép ở rừng cảnh quan Đà Lạt; đào vàng ở Tà
Năng (Đức Trọng), Đạ Đờn (Lâm Hà)…tái diễn thường xuyên. Trong lúc nhiều đơn vị
có tư cách pháp nhân trong nước đến đặt vấn đề đầu tư công nghệ khai thác
khoáng sản quy mô khá lớn, nhưng Sở Tài nguyên-Môi trường tham mưu UBND tỉnh
Lâm Đồng không cho phép vội. Lý do đưa ra là chưa có phương án điều tra, khai
thác đủ tin cậy về bảo vệ môi trường. Mới đây, khu du lịch Thung lũng tình yêu
kiến nghị được tổ chức hợp đồng với người dân khai thác thiếc, nhưng cấp thành
phố Đà Lạt, cấp tỉnh Lâm Đồng không có thẩm quyền cấp phép. Muốn lập thủ tục
khai thác khoáng sản bây giờ phải nằm trong quy hoạch tài nguyên thiên nhiên
chung của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới tiến hành thiết
lập được.
Chúng
tôi biết được thông tin rằng, Lâm Đồng còn đôi, ba năm nữa may ra mới lập được
quy hoạch tổng thể về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên
ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, Lương Văn Ngự rất tâm tư: “Cơm không
ăn, gạo còn đó. Phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản
một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn !”
*Văn bản và thực tiễn còn khoảng cách !
Là
“chỉ huy trưởng” lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Nam Tây Nguyên Lâm Đồng,
ông Trần Thanh Bình dẫn chứng những nguy hiểm và vô cùng khó khăn trong công
tác bảo vệ hai khu vực rừng giáp ranh với Bình Thuận và Ninh Thuận. Đại diện
kiểm lâm Lâm Đồng đã ký thông qua quy chế phối hợp với kiểm lâm Ninh Thuận và
Bình Thuận. Theo đó, các bên sẽ tăng cường thông tin tội phạm kịp thời; phối
hợp truy quét lâm tặc, chuyển hồ sơ xử lý theo thẩm quyền về địa giới, quản lý
nhân hộ khẩu…Văn bản thì chặt chẽ vậy, nhưng trong thực tiễn chưa tổ chức thực
hiện một cách đầy đủ thì lâm tặc lại “được nước” lộng hành. Ông Bình
“than”: “Các tỉnh dưới xuôi mà còn thả
lỏng cho người dân của họ vào rừng Lâm Đồng thì kiểm lâm Lâm Đồng cũng đành bó
tay … “chịu chết” ! ”
Ông
Phạm Văn An, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thì nói
rõ quan điểm chỉ đạo lực lượng kiểm lâm
phải bám lấy hiện trường; phải chấp nhận khó khăn, gian khổ; nâng cao
tinh thần “chiến đấu” chống lâm tặc. Nhưng đồng thời phải thực hiện các chính
sách, chế độ cho kiểm lâm hợp lý hơn. Ngược lại cũng nên suy xét lâm tặc họ là
những người dân làm nông nghiệp chân chính không đủ sống phải vào rừng chặt xẻ
gỗ, lập vườn rẫy. Vấn đề vừa căn cơ, vừa bức bách là triển khai các giải pháp
trồng rừng kinh tế, tạo nghề, nâng cao đời sống để họ không “lỡ vận” chui nhủi
vô rừng làm lâm tặc nữa. Chủ trương có sẵn; văn bản chỉ đạo thì nhiều lắm,
nhưng thực tiễn thi hành không có kết quả, cần phải sớm chỉ rõ ra vướng ở khâu
nào, “tắc” ở đoạn nào mới tháo gỡ được !
Vâng,
chúng tôi hoàn toàn chia xẻ trước những bài toán nóng bỏng, đau đầu về thực
trạng “chảy máu” tài nguyên thiên nhiên của những người trong cuộc đang gánh
nặng trách nhiệm trên vai. Trong những nguồn thông tin đa dạng, nhiều chiều từ
thực tiễn; từ việc tiếp xúc, trao đổi với nhà chức trách đến những thành phần
khác nhau trong đời sống xã hội, trong bài viết tới, nhóm phóng viên chúng tôi
sẽ gợi mở những giải pháp, ngỏ hầu góp thêm dữ kiện để Lâm Đồng hoạch định
những chính sách khả dĩ hơn, quyết liệt hơn nhằm sớm lập lại môi trường bình
yên trên những cánh rừng Nam Tây Nguyên của mình.
Tháng 3/2006