Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Mảnh đời vé số

 VŨ VĂN
Một ngày bách bộ tha thẩn du xuân trên phố hoa rực rỡ sắc màu, bỗng chợt nhận ra trong đám trẻ con đến gần bán vé số dạo lại lẫn một đứa trẻ cao tồng ngồng. Gọi chúng lại, mua mỗi đứa mỗi tờ vé số, xem như “lì xì” đầu năm cho những đứa trẻ không quen biết những khoản lời nho nhỏ cho chúng và nhận lại một chút gì đó cho hy vọng, cho trách nhiệm đầu năm riêng mình. Mua bán trao tay và cười tươi với những lời cám ơn từ chúng,  không hiểu sao tôi bị hút ánh mắt về phía một đứa trẻ cao tồng ngồng ấy cho đến khi dáng nó khuất dần giữa dòng người nô nức sắc xuân…

Mãi đến một ngày giữa trưa tròn đứng bóng, tôi mới gặp được một đứa trẻ cao tồng ngồng ấy. Không, em không phải là đứa trẻ mà đúng hơn là một thanh niên tết này đã 18 tuổi tròn. Nhà em ở là một ngôi nhà xập xệ bởi những tấm gỗ ván mục nát như không còn đủ sức để chống chọi với quãng đời ngặt nghèo mà cả gia đình của em đã và nếu sẽ tiếp tục đi qua. Ba thế hệ đã sống chui rúc trong ngôi nhà ẩm thấp này là bà em, mẹ em và hai chị em của em. Bà em đã ngấp nghé tuổi 80, mẹ em cũng gần 50 tuổi, chị của em 20 tuổi cũng vào đời rất sớm. Ở giữa lòng nội ô thành phố, nhà em lại nằm lọt giữa thung sâu, chi chít đường vào trên những con mương nước rả rích ngày đêm, chỉ vừa đủ đặt lên hai bàn chân người đi qua. Người ta gọi nơi đó là thung lũng Lãnh Địa Đức Bà, phường 6, Đà Lạt. Đất vườn không có, ngày ngày hết bà em rồi lại đến mẹ em chỉ sống bằng nghề làm thuê, cuốc mướn mà công việc chỉ nay có, mai không. Cũng như chị của em, lớn lên em cũng cắp sách đến trường nhưng số phận chỉ có thể lưu lại tuổi thơ hồn nhiên của em dưới ghế học đường sau năm học lớp 6. Lần đó, sau một cơn bão cấp 8, hệ thống dây điện bùng nhùng do dân tự mắc trong xóm bị gió đánh quật, đứt rối tung như màn nhện. Điện chạm vào nhau chớp lửa, quấn lấy căn nhà em ở. Dại khờ, em đến sờ tay vào đó sửa chữa thì bất thần bị hai nguồn “âm-dương” xuyên qua cơ thể em cháy sém. Em nằm bất tỉnh. Đưa lên bệnh viện cứu chữa cho đến khi em bình phục thì cũng là lúc nhà em đã chi phí hết những đồng tiền đẫm mồ hôi cuối cùng…
Em lại lớn lên mang theo trên người những vết sẹo nham nhở sau lần rủi ro tai nạn ấy. Mẹ không còn đủ khả năng đưa em đến trường nữa. Cơm rau, mắm thất thường bữa thiếu, bữa đủ. Có lúc buồn bực quá, em lang thang đêm này qua đêm nọ trên phố. Em đi khắp nơi như một kẻ đi tìm hoài một nơi chốn vô định, sống kiếp chờ đợi sự ban phát đây đó của lòng người từ tâm. Xóm em ở có rất nhiều người sống bằng nghề bán vé số. Họ vẫn sống thong thả với những đồng tiền bằng chính mồ hôi, sức lao động của mình.  Một người đàn bà trên 50 tuổi ở xóm đến gặp em động viên : “Bao nhiêu năm nay, cô vẫn sống bằng nghề bán vé số, vẫn nuôi được con nên dáng, nên hình. Tương lai cháu còn dài mà. Cô sẽ giúp cháu từ những tấm vé số này và hy vọng cháu sẽ làm lại được cuộc đời.”Đêm ấy, em trằn trọc mãi không yên. Hình ảnh những người đi qua nghèo khổ từ tấm vé số lần lượt hiện về quanh quất bên em. Không đâu xa, ở xóm Lãnh Địa Đức Bà của em đã có trên dưới mười con người, già có, trẻ có, họ vẫn sống đầm ấm, hạnh phúc và hết sức ổn định đó sao. Vâng, có lẽ trước một con đường dấn thân, con người thường hay có những suy nghĩ mông lung. Nhưng dẫu sao, sau bao dằn vặt ấy là một sự bừng tỉnh, một sự giải thoát riêng bản thân mình trước gánh nặng của một gia đình nghèo khổ và trước nỗi đau của xã hội. Thế là một buổi sáng đẹp trời, em cầm trên tay một xấp vé số phát hành từ Cty Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, lên đường làm ăn . Đó là năm ngoái-năm 2001-năm em lên 17 tuổi.
Đường phố Đà Lạt diệu hiền đón bước chân em ngập ngừng những ngày tháng đầu tiên làm “sứ giả” chúc mọi sự may mắn đến khách hàng. Vài chục tờ số ít ỏi đầu đời tự kiếm tiền của em đã bán hết nhanh trong ngày. Em càng quý trọng giá trị từ sức lao động của mình làm nên chén cơm manh áo. Bạn em cũng thế. Những mảnh đời bất hạnh như em đã được cứu vớt lên từ những tấm vé số rất nhiều. Kết thân với những đứa cùng cảnh ngộ ấy, em như tiếp thêm lòng tin, giàu lên nghị lực.  Và em dần hiểu ra một điều giản dị rằng, chỉ có lao động bằng bàn tay của mình mới giúp được mẹ bớt khổ hơn, giúp được bà qua khỏi những đêm lo lắng mất ngủ. Ý nghĩ tươi xanh của em lớn dần. Những tập vé số phát hành từ Cty Xổ số kiến thiết Lâm Đồng cũng theo đó dày lên. Rồi những góc phố bé nhỏ trở nên quen thuộc bước chân em với những tấm vé số không còn lạ lẫm với khách hàng. Một năm đi qua đời em như thế quả thật là một bước ngoặt đáng nhớ trong hành trang vào ngưỡng tuổi trưởng thành…
Mẹ đặt tên em là Nguyễn Ngọc Hải Đăng khi vừa tròn tháng tuổi. Cái tên và cuộc đời em gắn liền với nhau như một định mệnh thiêng liêng vậy. Trò chuyện mới biết hết được những đồng tiền của Đăng làm ra còn có những mục đích hết sức lớn lao hơn. Đăng kể: Những ngày đầu kiếm cũng được một, hai chục ngàn mỗi ngày. Qua tháng thứ hai, thứ ba trở đi, Đăng kiếm được ba, bốn chục rồi đến năm chục ngàn đồng ổn định mỗi ngày. Mấy ngày tết Nhâm Ngọ vừa qua, “doanh thu” lại cao hơn, đến từ 100 ngàn đồng trở lên mỗi ngày. Nhưng tất thảy những số tiền ấy, Đăng đều đưa hết cho mẹ. Mẹ sử dụng một phần nhỏ để góp sức trang trải gia đình. Phần tiền Đăng kiếm được chủ yếu mẹ dè xẻn, bỏ vào con heo đất, chuẩn bị năm nay, Đăng theo học bổ túc văn hóa ban đêm. Ước mơ của Đăng là vài ba năm nữa, Đăng sẽ cố gắng bán được nhiều vé số mỗi ngày, kiếm tiền học cho xong bổ túc văn hoá cấp ba để được vươn xa, bay cao hơn. Xin chúc Đăng sớm đạt đến khoảng trời mơ ước của mình. Để đến đó, Đăng sẽ mãi mãi không quên những tấm vé số đơn sơ nhưng đã chắp cánh cho Đăng và những mảnh đời cùng cảnh ngộ như Đăng bước đến bến bờ tương lai đầy hứa hẹn./.
Tháng 02/2002