VĂN VIỆT
Bên cạnh vụ mùa chính sản xuất theo quy
trình rau an toàn nhà kính, Vườn dâu tây
Bà Lan ở đường Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, đã chăm bón, thu hoạch thêm mùa dâu tây
trái vụ, nên ngày nào trong năm cũng được “hái ra tiền”.
Gần về cuối tháng 9/2011 là những ngày cuối cùng thu
hái dâu tây trái vụ, nhưng Vườn dâu tây
Bà Lan ở đường Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, vẫn đạt mỗi ngày trên dưới 40 ký mỗi sào,
nhân với hơn 6 sào hiện có, tổng sản lượng 2,4 tạ. Với giá bán dâu trái vụ vào
thời điểm cuối tháng 9/2011 khoảng trên dưới 150 ngàn đồng mỗi ký, tổng doanh
thu mỗi ngày đạt 36 triệu đồng. Ông Lê Hữu Tuấn, chủ Vườn dâu Bà Lan cho biết, hàng
năm việc chăm sóc đạt yêu cầu rau an toàn trong vườn dâu tây của hộ gia đình
ông đã cho thu hoạch trái vụ ngày mỗi ngày liên tục từ tháng 5 đến tháng 9. Sau
đó từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời gian thu vụ chính, cũng thu dâu tây đều
đặn, năng suất mỗi ngày đạt từ 70 ký đến 80 ký/ sào, tăng nhiều hơn số lượng
thu trái vụ từ 1,75 lần đến 2 lần.
Cũng theo chủ vườn Lê Hữu Tuấn kể lại : Đầu những năm
hai ngàn, thông qua các mối quan hệ thân quen, ông Tuấn đã mua 3.600 cây giống
dâu tây từ Newzealand về trồng trên 1 sào đất. Giá 1 cây giống bấy giờ là 1
đôla Mỹ. Trước đó, ông Tuấn đã tham khảo nhiều tài liệu trong nước và ngoài
nước về kỹ thuật canh tác giống dâu tây Newzealand, trong đó đặc biệt lưu ý đến
điều kiện thích nghi về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước. Đối chiếu với thực tế
đất đai, môi trường của Đà Lạt nói chung, của khu vực vườn nhà ở đường Hồ Xuân
Hương (khu vực hồ Than Thở nói riêng), ông Tuấn quyết định trồng dâu tây
Newzealand dưới nhà kính. Đây là việc làm khá khác biệt của ông Tuấn, vì từ
trước đến giờ, các giống dâu tây trồng trên đất Đà Lạt chủ yếu được trồng ngoài
trời. Ông Tuấn lý giải: “Dâu tây trồng trong nhà kính sẽ kiểm soát được lượng
mưa, lượng nắng, độ ẩm của đất mỗi ngày. Từ đó người trồng có thể chủ động các
chế độ chăm sóc theo từng thời điểm khí hậu của Đà Lạt trong năm…” Đây là những
kiến thức được ông Tuấn thu nhận lại từ những đầu sách tự đọc hiểu. Và thực sự
khi áp dụng chế độ chăm sóc vào từng luống đất, ông Tuấn đã đạt đáng kể về năng
suất, hiệu quả thu hoạch trái mỗi ngày. Bằng chứng là sau 2 năm trồng thử
nghiệm, toàn bộ diện tích 1 sào dâu tây Newzealand đã phát triển xanh tốt lá,
đậu trái nhiều, thu hái bán đủ hoàn lại nguồn vốn 3.600 đôla Mỹ đầu tư ban đầu
nêu trên.
Sau thành công 1 sào dâu tây Newzealand thử nghiệm đầu
tiên, chủ vườn Lê Hữu Tuấn tiếp tục thực việc nhân giống mới và cũng đã tiếp
tục thành công trên 6 sào đất chuyên canh nhà kính đến nay . “Cứ tách cây con
ra trồng trên luống đất mới. Chừng vài tháng sau, cây con thành cây mẹ và tiếp
tục sinh trưởng ra những cây con mới. Cứ thế nhân giống lên đại trà… ”- Ông
Tuấn nói. Nhưng đi vào chi tiết sản xuất thì quả thực không dễ dàng chút nào.
Bởi khi cây con tách khỏi cây mẹ mới chỉ là một việc kỹ thuật đầu tiên. Kỹ
thuật quan trọng nhất là cải tạo đất thành từng luống để trồng, luống cách
luống 1,2mét, độ cao của luống khoảng 0,3 mét. Trên luống đất phủ lớp màng nhựa
kín quanh từng gốc cây. Việc tưới nước bón phân với những liều lượng thích hợp
theo thời tiết từng ngày, từng tháng trong năm, được vận hành phía dưới lớp
màng nhựa là hệ thống tưới nước nhỏ giọt bón phân; trên giàn cao là hệ thống những
chiếc van tưới nước phun mưa, được lắp đặt với khoảng cách trên dưới 1 mét.
“Tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu khá nhiều - khoảng 150
triệu đồng mỗi sào xây dựng nhà kính và hệ thống tưới nước, bón phân theo công
nghệ mới. Nhưng quá trình chăm sóc thì cây dâu tây chính vụ và trái vụ trong
nhà kính chỉ bằng trên dưới 50% chi phí phân bón, vật tư, công lao động…so với
trồng dâu tây ngoài trời…”- Chủ vườn Lê Hữu Tuấn ước tính. Với 6 sào dâu tây
nhà kính của mình, quanh năm chủ vườn Lê Hữu Tuấn chỉ thuê, trả lương cho 5 lao
động, mỗi lao động hàng tháng trên dưới 3 triệu đồng. Bởi sản xuất theo công
nghệ mới, phần lớn công đoạn tưới nước, bón phân là qua hệ thống máy móc tự
động. Và cũng nhờ công nghệ mới này nên sản phẩm trái thu hoạch không có dư
lượng thuốc trừ sâu, không có tồn dư vi sinh. Kết quả qua kiểm tra mới đây, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tiếp tục cấp “Giấy Chứng nhận
đủ điều kiện sản xuất rau an toàn ” cho
Vườn dâu Bà Lan có giá trị đến năm 2016./.
Tháng 9/2011