VĂN
VIỆT
Với kỹ thuật độc canh từ
hoa cúc đến hoa lily, rồi ổn định với hoa cẩm chướng, nhà nông Lê Minh ở xã
Xuân Thọ, Đà Lạt, đã tạo ra những lợi thế so sánh khi đưa hoa cắt cành của mình
ra thương trường.
Trang trại hoa cẩm chướng rộng 7 sào của nhà nông
Lê Minh nằm trên địa hình bậc thang của thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, Đà Lạt.
Nguyên diện tích đất này được gia đình anh Minh trồng chè cành, cà phê, rau
thương phẩm… từ hơn nửa thế kỷ trước. Đầu những thập niên “chín mươi”, anh Minh
bắt đầu cải tạo lại một phần diện tích để trồng hoa cúc - khoảng vài trăm mét
vuông. Anh Minh kể: “Tôi trở về quê hương Xuân Thọ, Đà Lạt trồng hoa sau nhiều
năm làm ăn nhiều nghề khác nhau ở Sài Gòn. Từ trồng thử nghiệm cho đến trồng đại
trà, tôi thích chọn một loài hoa duy nhất để tập trung thâm canh sao cho đạt hiệu
quả cao nhất...”. Nhưng để đạt mục tiêu này, anh Minh đã sẵn sàng đón nhận nhiều
lần thất bại để “đứng lên” cùng với hoa.
Giống hoa cúc đầu tiên trồng thử nghiệm trên vài
trăm mét vuông nói trên thuộc giống hoa cúc nhiều đóa, được những bạn nhà nông ở
Đà Lạt chỉ mua từ một công ty nước ngoài tại vùng hoa Định An, Đức Trọng. Anh
Minh đã đầu tư tổng số tiền nhà kính, cây giống trên 1/4 sào đất trồng hoa cúc
lúc đó trên dưới 3 chỉ vàng. Trồng đến tháng thứ 3, thay vì cây bắt đầu đâm chồi
nẩy nụ thì thân và lá hàng ngày bỗng chuyển màu vàng rồi chết rũ hàng loạt. Anh
Minh chạy đôn đáo tìm mua nhiều loại thuốc thực vật để cứu chữa nhưng kết cục đều
vô phương. Chừng 10 ngày sau đó, gần như 1/4 sào hoa cúc nhiều đóa đã chết héo
hết, 3 chỉ vàng đầu tư coi như an ủi được thấy một loài nấm độc hại thân và lá
hoa cúc được sinh sôi lên từ đất, trong đó có các nguyên nhân chính mà sau này
anh Minh mới nhận biết là việc cải tạo đất, tưới nước, phòng ngừa sâu bệnh… chưa
đúng kỹ thuật, chưa đúng thuốc chữa. Học được kinh nghiệm từ thực tiễn này, anh
Minh trồng tiếp vài lứa hoa cúc nhiều đóa, đạt năng suất cao dần, cơ bản thu hồi
hết những khoản lỗ và khoản đầu tư xây dựng ban đầu.
Cuối những năm “chín mươi” của thế kỷ trước, cây
hoa lily trồng ở các làng hoa Đà Lạt đã tạo bước đột phá thành tỷ phú của nhiều
nhà nông. Nhà nông Lê Minh với khát khao này đã chuyển hẳn từ độc canh hoa cúc
nhiều đóa, sang trồng hoa lily trên 3 sào đất. Tính theo giá tiền thời điểm giữa
tháng 2 năm 2012 thì tổng nguồn vốn mua củ giống lily trồng trên 3 sào đất mỗi
lứa trên dưới 400 triệu đồng; một năm trồng 3 lứa vị chi đầu tư trên dưới 1,2 tỷ
đồng. Nhưng nếu xây dựng nhà kính đúng chuẩn thiết kế theo quốc tế, chăm sóc
tuyệt đối đúng quy trình, đầu ra ổn định thì trên 3 sào đất hoa lily, trồng hơn
một năm sau có thể thu lời về bạc tỷ. Độc canh hoa lily qua mấy năm lần này với
nhà nông Lê Minh, thì năng suất hoa luôn đạt ở mức trung bình khá, nhưng khát
khao tỷ phú chưa đến được là do mỗi lần xuất hoa lily bán là mỗi lần giá mua xuống
thấp. Có lời, nhưng không đáng kể so với chi phí và công sức bỏ ra, nhà nông Lê
Minh lại tiếp tục tạm biệt hoa lily - loài hoa độc canh thứ 2 này.
Trong quá trình tìm kiếm loài hoa mới độc canh ổn
định, nhà nông Lê Minh đã gặp được một doanh nghiệp từ Sài Gòn nhận bao tiêu
toàn bộ sản phẩm hoa cẩm chướng trồng trên phố hoa Đà Lạt. Đó là vào năm 2004 -
năm trở thành cơ hội cho nhà nông Lê Minh mở rộng diện tích độc canh hoa cẩm
chướng từ 3 sào đất lên đến 7 sào đất bây giờ, trồng tất cả gần 10 màu hoa.
Trang trại hoa cẩm chướng hoàn chỉnh 7 sào đất với hệ thống nhà lưới san sát,
bên trong là hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt lắp đặt khép kín, hoàn toàn tự động
hóa. Đặc tính của hoa cẩm chướng trồng đến hơn 4 tháng sau là bắt đầu thu hoạch
hoa cắt cành. Cứ 2 ngày thu cắt một lần, cộng lại 1 năm thu bán trên 1 sào đất
khoảng 150 ngàn cành hoa, nhân với giá ổn định 1.000 đồng/cành, đạt tổng thu
150 triệu đồng. Nhà nông Lê Minh trồng ổn định diện tích hoa cẩm chướng trên 7
sào đất, đạt tổng doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng.
Hoa cẩm
chướng trồng và thu hoạch tối đa trên 2
năm phải trồng mới trở lại.
Những lứa hoa đầu tiên, nhà nông Lê Minh chủ động
chiết những chồi mầm khỏe mạnh nhất để ươm giống tại vườn ươm của mình rộng
trên 600 mét vuông. Bên cạnh việc tự cung tự cấp cho mình, vườn ươm của nhà
nông Lê Minh hàng năm bán cho nông dân Đà Lạt trên dưới 1 triệu cây giống hoa cẩm
chướng. Nhà nông Minh đúc kết: “Trồng hoa độc canh lợi thế là sản xuất tập
trung số lượng lớn, kỹ thuật canh tác chuyên sâu. Tuy nhiên, cái khó của trồng
hoa độc canh so với trồng hoa luân canh là: Phải bồi bổ đủ dinh dưỡng cho đất;
phải ngăn chặn những mầm bệnh có thể bùng phát từ đất trong từng giờ, từng
phút…”.
Thứ Tư, 15/02/2012