Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Hai phía dịch vụ môi trường rừng

VĂN VIỆT

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng, kết thúc năm 2012, với tổng số thu gần 189 tỷ đồng ( thu trong tỉnh gần 59 tỷđồng, thu ngoài tỉnh  130 tỷ đồng), Lâm Đồng đã chi trả tiền DVMTR gần 112 tỷ đồng trên tổng diện tích rừng quản lý, giao khoán được nghiệm thu là 333.506 ha. Tiếp theo từ đầu năm 2013 đến nay, tổng số thu - chi tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR ) lần lượt là 38.5 tỷ đồng và 37,5 tỷ đồng, mới đạt từ  31% đến 31,5% so với kế hoạch cả năm 2013.
Trong tổng số 51 đơn vị nộp tiền chi trả DVMTR bao gồm các lĩnh vực: nhà máy thủy điện ( 22 đơn vị), nhà máy nước ( 12 đơn vị), kinh doanh du lịch (17 đơn vị). Kết quả có 46 đơn vị đã và đang thực hiện tốt nộp tiền chi trả, được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen, đáng kể  như: Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bảo Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai, Ban Quản lý rừng phòng hộ D’Ran, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Gia, Ban Quản lý rừng Lâm Viên… Hưởng lợi từ DVMTR có 65 chủ rừng bao gồm đơn vị nhà nước (29 đơn vị), doanh nghiệp ( 27 đơn vị), hộ gia đình, cộng đồng ( 9 đơn vị). Trong đó 16.494 hộ gia đình được hưởng lợi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng (chiếm 78% hộ đồng bào dân tộc thiểu số; 22% hộ người Kinh), đơn giá được hưởng từ 300- 450 ngàn đồng/ha/năm.
Trước, trong và sau khi tiến hành thu - chi tiền DVMTR, Quỹ đã tổ chức những hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú, kịp thời phổ biến những nội dung chính sách chi trả tiền DVMTR đến với đời sống cộng đồng dân cư sống gắn bó với rừng Lâm Đồng. Cụ thể những hình thức tuyên truyền đã và đang “lan tỏa” khá thiết thực như chuyển tải qua các kênh thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, hệ thống loa truyền thanh, cấp phát tở rơi đến từng hộ gia đình, lắp đặt hàng chục bảng panô trên các địa bàn rừng trọng điểm của 12 huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, thông qua các hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép và trong kỳ chi trả tiền, các đơn vị chủ rừng đã tích cực tuyên truyền, giải thích những quy định về chi trả DVMTR trực tiếp cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Kết quả tuyên truyền và những con số thu- chi nói trên, đã thể hiện nhận thức, trách nhiệm từ hai phía quản lý bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng ở Lâm Đồng, nhưng bên cạnh đó đã và đang bộc lộ những tồn tại và bất cập không ít. Đó là chưa áp dụng những biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các đơn vị tìm mọi lý do để trì hoãn nghĩa vụ nộp tiền DVMTR như:  Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh điện 586 ( Nhà máy thủy điện Quảng Hiệp, Đức Trọng),  Doanh nghiệp tư nhân du lịch Trần Lê Gia Trang, Công ty Thủy điện Đắc Mê, Công ty điện Bảo Tân ( Nhà máy thuỷ điện ĐaM’Bo, Đạ Tẻh) …
Trong khi đó, định kỳ hàng quý trong năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đã phân công từng cán bộ phối hợp với Ban Kiểm tra giám sát cấp huyện để giám sát việc chi trả đúng và đủ, kịp thời số tiền khoán bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán. Đa số các hộ nhận khoán đã tự tổ chức, phân công các thành viên luân phiên tuần tra bảo vệ rừng, tự chấm công, ghi nhật ký và tự kiểm tra, giám sát giữa các thành viên trong tổ cũng như giữa các tổ với nhau. Tuy nhiên Quỹ cũng đã nhìn nhận rằng, việc chi trả tiền DVMTR trong những năm qua ở Lâm Đồng vẫn chủ yếu dựa trên khối lượng diện tích được nghiệm thu, mà chưa đánh giá đầy đủ về chất lượng rừng để tạo sự công bằng thực sự cho những người tham gia bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao nhất.
Còn hơn 4 tháng nữa mới kết thúc năm kế hoạch năm 2013, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng để sớm “giải tỏa” những tồn tại vừa nêu và không để những vướng mắc mới có thể phát sinh từ hai phía thu -  chi DVMTR trên địa bàn./.
Tháng 8/2013