Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Đa Me làm du lịch

VĂN VIỆT
Từ ngả ba Liên Khương-Đức Trọng-Lâm Đồng rẽ vào QL 27 chừng 8 km đường nhựa phẳng phiu, sẽ hiện ra một “Thạch thảo viên” nằm giữa buôn làng N’Thol Hạ của người bản địa K’Ho. Đến đây, hẳn mọi người càng thú vị hơn khi bắt gặp 2 dòng thác ĐaMê 1 và ĐaMê 2 cao ngất, ầm ào tuôn chảy ngày đêm giữa núi rừng hùng vĩ. Và điều ngạc nhiên nữa ở ngay xứ cao nguyên này khi được dạo chơi cả một vùng đan xen hệ thống kênh rạch, ngoằn ngoèo chạy ẩn mình dưới những tán rừng xanh ngắt…Tất cả một “quần thể” độc đáo của thiên nhiên kiến tạo từ muôn đời nay, nhưng phải đến giữa đầu năm 2001 này mới có bàn tay tôn tạo của con người…

Thực ra người thực hiện ý tưởng táo bạo này lại là một kỷ sư nông nghiệp (đúng hơn là một nông dân) gốc người Hà Nội, đến khai phá và định cư ở vùng đất mới Nam Ban-Lâm Hà-Lâm Đồng từ năm 1976. Ông là Phạm Văn Thược, tuổi gần 60, là chủ doanh nghiệp dịch vụ du lịch sinh thái Thanh Long ở đây. Qua rồi những năm tháng vật lộn với rừng thiêng, nước độc, đối mặt với FulRo càn quấy, gia đình ông đã tạo lập nên một trang trại 5 ha café, xong xuôi đâu vào đó, vợ chồng ông giao lại cho con cái cai quản, còn mình đi làm du lịch. Có một khuôn viên rộng 6 ha ngay mặt đường quốc lộ 27 để xây dựng trụ sở, nhà nghỉ, công viên hồ bơi, cửa hàng dịch vụ ăn uống, dãy nhà rông…như hôm nay, ông Thược bắt đầu mua dần từ năm 1995. Ngày 09/02/2001, xin được quyết định thành lập doanh nghiệp với nguồn vốn pháp định 3,5 tỷ đồng, ông Thược tự thiết kế và xin giấy phép xây dựng từng hạng mục công trình.
Mọi công việc hãy còn đang xúc tiến, nhưng người ta không khó mấy khi hình dung ra một tour du lịch đến đây. Rừng, suối, thác, động vật hoang dã, hồ bơi, nhà rông…được bố trí trong một không gian hài hòa, rộng hơn 30 ha. Điều đầu tiên đặt một viên gạch khởi công, ông Thược phải bỏ ra 40 triệu đồng đền bù một số hộ sản xuất nông nghiệp để san ủi, mở rộng hơn 200 mét đường chiều dài, rộng 6 mét từ quốc lộ 27 chạy đến thác. Kế tiếp, ông xây dựng khu nhà nghỉ, cửa hàng nằm giữa công viên với hàng trăm dáng bonsai, hàng ngàn “kỳ hoa dị thảo” của núi rừng. Ở đây, chiếc cổng chào cũng thật đặc biệt : cao 8mét, mô phỏng theo kiến trúc “vạn lý trường thành”, 2 tầng; tầng trên cùng dành cho lữ khách ngồi nhâm nhi café cao nguyên, thưởng ngoạn toàn bộ cảnh trí, chọn lựa thời gian vui chơi thích hợp cho chuyến du lịch của mình. Bên cạnh hồ bơi tại khuôn viên là phòng trưng bày các mẫu vật Tây nguyên. Những hang động, hòn non bộ cũng được xây dựng khá cầu kỳ, trong đó thích nhất là tượng mãnh hổ và đại bàng đang sà cánh hướng vào nhau, biểu tượng của cảnh “anh hùng tương ngộ” đậm nét chất sử thi Tây Nguyên…
Lên du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng không chỉ được nghỉ lại đêm giữa rừng, lắng đọng với nhịp điệu cồng chiêng cao nguyên, mà được len lỏi trên dòng kênh rạch với những chiếc thuyền độc mộc; được câu cá, thưởng thức những sản vật sông hồ giữa rừng thông lộng gió, ngắm hàng dừa xanh xõa bóng bâng khuâng xuống mặt hồ, thì quả là lãng mạn  còn gì hơn. Ông Thược chọn hai thung lũng gần kề vốn sình lầy, um tùm cỏ dại, rồi nạo vét, xây dựng kè đá, dẫn nước từ thác vào bằng kênh đào dài hơn 200 mét. Hồ bơi rộng 400 mét vuông, hồ du thuyền và câu cá rông gần 5.000 mét vuông, tha hồ cho du khách đắm mình giữa không gian trời-mây-rừng-suối-nước cao nguyên.
Kế hoạch của du lịch sinh thái Thanh Long là đến Noél năm này sẽ chính thức “trình làng” đón khách. Tổng số tiền cho những hạng mục đầu tư hoàn thành là 3, 5 tỷ đồng. Đây là một khu du lịch sinh thái có quy mô lớn hàng đầu ở Lâm Đồng. Người dân bản địa, người dân địa phương được tự do ra vào, không phải thu vé vào cổng. Vậy là từ đây, trên bản đồ du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng, du khách sẽ có thêm tour mới : du lịch sinh thái Thanh Long. Khi ra đời, đi vào hoạt động, chắc chắn rừng sẽ xanh hơn, sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Đồng bào dân tộc K’Ho thôn 6-N’Thol Hạ vốn đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nay sẽ có thêm điều kiện tham gia các dịch vụ du lịch, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần cuả mình.
Lâm Đồng-Đà Lạt đã và đang tích cực gọi vốn đầu tư trong và nước để phát triển ngành công nghiệp du lịch, trong đó tập trung ưu tiên cho những danh thắng cấp quốc gia. Chủ trương này đang mang lại những thành công ban đầu. Bên cạnh đó, việc ra đời của những thắng cảnh mới như khu du lịch sinh thái thác ĐaMê, do doanh nghiệp Thanh Long khám phá và đánh thức, quả là một điều đáng được khuyến khích. Vâng, chỉ có niềm đam mê, yêu quý thiên nhiên, gắn bó với vùng đất mới, ông Phạm Văn thược và những người thân của mình mới mạnh dạn bỏ ra 3,5 tỷ đồng cho ra đời một “quần thể”du lịch độc đáo như thế ! Du lịch Lâm Đồng-Đà Lạt sẽ ngày càng có những sản phẩm đa dạng và phong phú hơn, nếu xuất hiện ngày một nhiều những nhà đầu tư như người Hà Thành-Phạm Văn Thược./.
Tháng 6/2001