Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Trồng tràm nên cửa nên nhà

VĂN VIỆT
Đất phương Nam Lâm Đồng khí hậu khắc nghiệt, trồng cây gì, nuôi con gì để mong ước làm giàu luôn là câu chuyện trăn trở quanh năm. Dẫu là “một công dân kỳ cựu”, song cây tràm-loại cây rừng mới được người dân nơi miền quê này chú ý khi bất ngờ nhiều hộ đã nhờ đó xây dựng nên cửa nên nhà.

*Từ lợi ích mười năm
Anh Phạm Tiến, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) là người được biết đến bởi sự “gặp gỡ” ngẫu nhiên với cây tràm. Được Lâm trường huyện Đạ Huoai hợp đồng giao 3 ha trồng rừng sản xuất tại thôn 1, xã Đạ Oai, gia đình anh đưa giống bời lời về “định cư” và…nuôi chí thành triệu phú. Theo dõi chừng năm sau thấy bời lời phát triển chậm quá, gia đình bèn mua giống cây keo lá tràm về trồng xen theo lời bàn của bà con xóm giềng. Và điều may mắn đã đến. Tốc độ sinh trưởng của tràm khá nhanh nên đã dần dần “chiếm lĩnh” trên toàn bộ diện tích đất mà “khởi nguyên” chỉ giành cho bời lời.
Anh Tiến cho biết: Tính toán tổng vốn, công đầu tư, chăm sóc trồng tràm trên 3 ha trong vòng 2 năm qua khoảng 20 triệu đồng. Chừng 4 năm nưã sẽ thu hoạch, ước mỗi năm chi phí thêm tiền thuê phát chồi cây toàn bộ vườn rừng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng nữa. Tính chung sơ bộ nếu cây tràm giữ ở giá trung bình như hiện nay, mỗi ha chủ vườn trồng, chăm sóc khoảng 6 năm sau sẽ đạt lợi nhuận từ 20 triệu đến 25 triệu đồng. 
Thực ra anh Tiến là một trong hàng chục hộ gia đình trên đất phương Nam Lâm Đồng sau này mới nhận ra giá trị của cây tràm. Mười năm trước đây cây tràm đã hiện diện nhưng người ta cứ bỏ mặc nó sống bằng khí trời trên các vườn đôì cao. Vả lại chủ nhân trồng tràm chủ yếu theo hình thức hợp đồng với các lâm trường, lấy tiền công; chứ chưa có đất để sở hữu cây tràm cho riêng mình. Người đầu tiên của xã Đạ Oai đưa cây tràm lâm nghiệp về thửa vườn cá thể của mình có thể kể đến “ông Song lâm nghiệp”. Ông Song có biệt danh này vì xuất thân từ cán bộ lâm nghiệp. Từ 2 ha vườn tràm trồng đúng kỷ thuật, cây vươn cành, cao lớn    nhanh của ông Song gần như “khu vườn mẫu” để bà con quanh vùng tham khảo kinh nghiệm trồng theo. Điển hình trong số này là hộ Phạm Văn Nuôi, đã chia “hồi môn” cho 4 người con trai cưới vợ ở riêng, mỗi người trung bình…1 ha tràm. Ông-bà Nuôi để lại gần 1 ha tràm đã trồng ba năm tuổi để chủ động lo “hậu sự” lúc tuổi già. Hoặc như gia đình ông Vũ Văn Thể, Bí thư xã Đạ Oai thu hoạch “cuốn chiếu” được mấy lứa tràm thời gian qua, mỗi lứa trên 2ha, mang về những khoản thu kha khá đầu tư vào những công việc lâu dài hơn.
*Đến lợi ích bền vững
Ở xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng có hộ Nguyễn Hữu Hiền đã xây dựng một căn nhà bê tông cốt thép tương đối “hoành tráng” nhờ cây tràm. Thoáng chốc đã 6 năm, từ khu đồi đất trống-trọc khoảng 6ha trước sân vườn, gia đình anh Hiền xuống giống tràm dần dần phủ xanh. Mới bán 2ha tràm vừa lứa tuổi thu hoạch, anh đã xây dựng một căn nhà đúng như mơ ước từ khi đến định cư ở vùng đất mới này. Ra đến xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai những điển hình trồng tràm giỏi như hộ anh Hiền cũng đã xuất hiện khá nhiều. Đa số họ tự chuyển đổi từ cây điều sang cây keo lá tràm trên những thửa đất có độ dốc cao. Có thể kể ra những hộ đang có những “trang trại tràm” như: Nguyễn Văn Bắc ở thôn 5, Nguyễn Quang Song, Nguyễn Văn Tính ở thôn 7…Còn con số thống kê toàn xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai này thì có đến 50 hộ trồng tràm trên 40 ha diện tích “đất tư” và 22 ha diện tích đất hợp đồng với Lâm trường Đạ Huoai. Vừa qua, 50 hộ trồng tràm này được tập hợp lại với nhau có tên gọi là Tổ hợp tác kinh tế trồng rừng Đạ Huoai. Tôn chỉ, mục đích của tổ này rất thiết thực: giúp đỡ nhau kinh nghiệm sản xuất, tìm nơi tiêu thụ tập trung ổn định, tạo vốn đầu tư…
    
Ông Nguyễn Văn Quyết, Tổ phó tổ hợp tác nói trên tiết lộ: Gia đình ông chuyển đổi 5 ha đất dốc triền đồi từ trồng điều, mía chuyển sang trồng tràm đã 4 năm nay. Tràm đang lên xanh tốt, hứa hẹn mùa thu hoạch đạt giá trị kinh tế cao vào hai năm tới. Phần lớn tổ viên ở đây cũng vậy. Đầu tiên là trồng mì đến chuyển sang trồng mía và cuối cùng là trồng cây tràm. Ưu thế của loại tràm này là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc; tỏ ra khá thích hợp với vùng đất phương nam Lâm Đồng lắm nắng, nhiều mưa. Đặc biệt của “họ tràm” đòi hỏi phải kiên nhẫn nuôi dưỡng trong thời gian đến năm, sáu năm. Bởi vậy người sản xuất xác định đây là loại cây “dài năm” bên cạnh các loại cây lương thực “truyền thống”; và coi đó là nguồn vốn sinh lợi tích lũy dành lo cho những việc “đại sự” của gia đình mình. Thành công của ông Quyết được rút ra trong mô hình khép kín: trồng lúa, chăn nuôi để sinh sống hàng ngày. Đầu tư trồng cây tràm để xây dựng cửa nhà gia đình được đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. 
Hướng phát triển kinh tế từ cây tràm ở vùng đất phương Nam Lâm Đồng đã mở ra. Tiềm năng, tiềm lực vẫn đang rất dồi dào cần được khai thác, đánh thức. Lãnh đạo xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai đề xuất với ngành chức năng rằng, nên chuyển số lớn diện tích rừng nghèo kiệt trên địa bàn ( hiện vẫn phải chi tiền giao cho dân quản lý, bảo vệ hàng năm) để giao cho dân đầu tư trồng tràm, một hình thức trồng rừng sản xuất và bồi đắp môi trường. Mặt khác, lâu nay người nông dân vay vốn chỉ được thời hạn một năm dành cho trồng cây ngắn ngày. Muốn trồng cây tràm phải vay vốn ít nhất là năm năm, nhưng ngân hàng đã từ chối cho vay theo thời hạn này. Vấn đề này nông dân đang rất cần sự can thiệp giúp đỡ của các cơ quan thẩm quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh. Cây tràm ở đất phương Nam Lâm Đồng sẽ giúp thêm nhiều gia đình nông dân xây nên cơ ngơi cửa nhà, nếu như ngay từ bây giờ nhà nước cần có sự quan tâm, định hướng một cách tích cực hơn./.

Tháng 11/2004