Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

“Nhà sáng chế” giỏi trồng hoa

VĂN VIỆT
Hơn 3 năm nay, nhà nông trong tỉnh Lâm Đồng không chỉ biết đến Kơ Sa Ha Tang ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương là “nhà sang chế” máy tuốt bắp, mà còn là một nhà nông giỏi trồng hoa, nhiều kinh nghiệm phổ biến cho bà con dân tộc thiểu số địa phương.

Nằm  bên đường Tỉnh lộ 723, thuộc thôn 1, xã Đạ Sar, Lạc Dương, Lâm Đồng, vườn hoa cúc 400 mét vuông của Kơ Sa Ha Tang chuẩn bị thu lứa hoa cúc đầu tiên của năm 2012 đúng vào dịp mừng ngày 08/3, từng luống búp hoa đang phủ dày dưới mái nhà kính. 
Để xây dựng thành vườn hoa ổn định ngày nay, Ha Tang đã vượt qua hơn 3 năm với nhiều khó khăn và thử thách. Đất tọa lạc ở địa thế dốc nghiêng dài, Ha Tang đã phải thuê xe cơ giới về san ủi rồi đổ đắp thêm hàng trăm khối đất mới cho bằng phẳng. Đây cũng là đất trồng cây chè và cà phê lâu năm đã già cỗi nên Ha Tang còn phải tự điều khiển máy cày để xới đất cho thật kỹ lưỡng, kết quả đất phải đạt tơi xốp với độ sâu 0,4 mét trước khi đặt giống hoa cúc xuống trồng theo yêu cầu nhà kính. Tính riêng phần cải tạo đất để trồng hoa cúc, Ha Tang đầu tư hơn 36 triệu đồng nguồn vốn tự có từ năm 2009.
Chính thức bắt tay vào trồng hoa cúc, Ha Tang được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng chọn xây dựng mô hình điểm để nhân rộng trong vùng đồng bào thiểu số Đã Sar, Lạc Dương. Theo đó, Trung tâm này hỗ trợ toàn bộ chi phí xây dựng nhà kính, giống hoa cúc, vật tư, hệ thống điện, nước, kỹ thuật sau 01 năm. Nhà nông Ha Tang có 400 mét vuông đất và cam kết có tinh thần cần cù, chịu khó nắm bắt nhanh kỹ thuật sản xuất hoa cúc hiệu quả để truyền đạt lại cho bà con dân tộc thiểu số quanh vùng. 3 tháng đầu tay trồng hoa cúc là 3 tháng Ha Tang cùng vợ gần như có mặt thường xuyên mỗi ngày trong nhà kính với hoa. “Tháng đầu, sáng nào cũng tưới nước. Tháng thứ hai, hai sáng tưới một lần. Tháng thứ ba, ba sáng tưới một lần. Tất cà đều tưới phun bằng hệ thống nước tự động. Sau mỗi ngày, mỗi tháng, cây có nước, cây nẩy mầm, cây nẩy ra ngọn lá rồi cây nẩy ra một chồi nụ ra hoa…được trông thấy là tôi thích lắm…”- Ha Tang kể.  
Kết quả một lứa hoa 3 tháng đầu tiên ( hàng ngày có kỹ sư nông nghiệp của cơ quan nhà nước trực tiếp hướng dẫn chăm sóc), vườn hoa cúc 400 mét vuông của Ha Tang ước đạt năng suất hoa cắt cành hơn 90% so với yêu cầu. Thấy vậy, nhiều thương lái từ Đà Lạt xuống đặt giá mua cạnh tranh, Ha Tang bán trọn vườn thu lãi lứa hoa cúc đầu tiên trong năm 2009 với gần 9 triệu đồng. Đến các lứa hoa còn lại trong năm, các kỹ sư nông nghiệp của nhà nước có mặt dưới vườn ít thường xuyên hơn để Ha Tang từng bước “tự lực, tự cường” chăm sóc, kết quả năng suất lứa hoa sau luôn cao hơn lứa hoa trước từ 5% trở lên. Bước sang năm thứ 2, gần như Ha Tang chủ động hoàn toàn từ khâu làm đất, bón lót phân đến khâu xuống giống, chăm sóc và cuối cùng là khâu thu hoạch, kết quả cũng đả đạt lãi hơn 9 triệu đồng trên mỗi lứa hoa cúc.
Tổng hợp sau 3 năm trồng hoa cúc ( mỗi năm 4 lứa), mỗi lứa thu hoạch bán đạt lãi hơn 9 triệu đồng. Ha Tang tính :“Trồng hoa cúc trên 400 mét vuông đất của tôi thu lãi gần bằng trồng 2 sào cà phê; và thu lãi bằng trồng gần 2 ha bắp và 2 ha hồng ăn trái,,,với từng thời điểm giá cả trong 3 năm qua… ” Ha Tang đúc kết việc sản xuất hoa phải đòi hỏi ngày nào cũng ra vườn, phải phòng chống sâu bệnh hiệu quả nhất từ khâu làm đất, nhất dịnh không để sống sót một bụi cỏ, một chồi cây hoa của lứa hoa trước đó, vì như vậy sẽ là mầm mống của sâu bệnh phát triển phá hoại cho mùa hoa sau. Chịu khó mỗi ngày ra vườn hoa phải nhận biết những thay đổi tốt hay xấu trên từng sắc màu thân, cây, lá của hoa để có những biện pháp xử lý thích ứng theo những bài học của kỹ sư nông nghiệp của nhà nước đã hướng dẫn.  
Theo nắm bắt của Ha Tang, đồng bào thiểu số xã Đạ Sar, Lạc Dương có thể chuyển đổi hơn 10 ha từ diện tích trồng bắp, trồng cây hông ăn trái, trồng cà phê đã thoái hóa…để trồng hoa cúc nhà kính. 
Thị trường tiêu thụ hoa cúc cắt cành thì khỏi phải lo vì thương lái luôn về Đạ Sar tìm mua rất nhiều; trong khi toàn xã này chỉ có 2 hộ gia đình đồng bào thiểu số - bên cạnh gia đình Ha Tang là gia đình Ha Bôn-  và một vài hộ người Kinh sản xuất hoa bán với sản lượng quá ít so với nhu cầu thị trường. Vấn đề phổ biến kỹ thuật cho bà con thiểu số trồng hoa cúc, bản thân Ha Tang nói chắc có thể đảm trách được qua học tập và qua kinh nghiệm thực tế của mình. Có điều để  xây dựng một nhà kính trồng hoa khoảng 500 mét vuông dất phải  có số tiền xấp xỉ 100 triệu đồng, một khoản vốn khó tự có đối với phần lớn bà con thiểu số Đạ Sar, Lạc Dương. Nếu ngành ngân hàng có nguồn cân đối giải quyết các khoản cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi thì mới mong phát triển nghề trồng hoa nhà kính đại trà đến vùng quê Đạ Sar, Lạc Dương này./.
Tháng 3/2012