Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Người mù đan sọt nuôi con

VĂN VIỆT
Bị mù cả hai mắt nhưng ngày ngày chị vẫn dò dẫm lên rừng chặt lồ ô về đan sọt mưu sinh . Không chồng, một nách hai con, chị phải chống chọi với tật nguyền, sống dưới mức cơ cực quanh năm suốt tháng. Tên chị là Tô Thị Tâm, 43 tuổi, định cư ở tại thôn 1, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã gần 30 năm.

NHỮNG TẤN THẢM KỊCH

Mới lên ba tuổi, chị Tâm bị tai nạn sau một lần nhỏ nhầm thuốc vào đôi mắt bị đau nhẹ. Gia đình quá nghèo khổ, không chạy chữa được nên chị đành phải chịu cảnh mù lòa vĩnh viễn. Lớn lên mới mười bốn tuổi, chị đã vào đời tự nuôi thân. Chị buôn bán trong bóng tối với một niềm tin tuyệt đối vào sự ngay tình của con người. Nhờ lòng tốt của một chủ xe đò cho đi nhờ, hàng ngày chị lấy rau, mắm, muối từ phố huyện về bán rong ở xã, ở thôn. Phần đông người đời thấy thương, mua giùm và trả đủ những đồng tiền mà chị không bao giờ thấy được. Kiếm lời mỗi ngày chỉ dăm bảy ngàn, song cũng đủ cho chị không phải nương thân làm gánh nặng cho người khác. Rồi thời gian, cuộc sống đã giúp chị vượt qua tật nguyền, trưởng thành một người thiếu nữ. Qua mai mối của những người đồng cảm, một anh “kép” của đoàn hát cải lương ở huyện nọ đã tỏ lòng với chị. Tất nhiên là chị từ chối, không dám nhận lời “cao xa” vì mình là người không lành lặn. Chẳng hiểu sao, “anh kép” vẫn tha thiết đeo đuổi chị, một thiếu nữ mù với tuổi xuân vừa tròn hai mươi tám. Hết mọi lời ngon ngọt, hứa hẹn rồi thề thốt rót vào tai, chị đã xiêu lòng. Hạnh phúc tưởng như đến trong mơ. Hai đứa con gái bụ bẫm ra đời cách nhau hai năm. Trong từng hơi thở, từng tiếng khóc đầu đời của con, chị “thấy” hết sự thiêng liêng khi đã là mẹ, là vợ trong một gia đình. Nhưng cay nghiệt thay, thời gian êm ấm ấy chỉ thoảng chốc mà chị không lường hết được…
Chị Tâm đã nhầm! Lấy chồng mong tìm chút hơi ấm, có được chỗ dựa sớm hôm, khuya tối thì ngược lại gánh nặng lại đè lên trên số phận tật nguyền của mình. Từ khi sinh con đầu lòng đến lúc sinh đứa thứ hai, “anh kép” tỏ ra lơ đãng chị, sa vào rượu chè, đàn đúm hơn là lo công việc nuôi con. Để có miếng ăn, buộc chị phải mò mẫm ra chợ bán từng cọng rau, lăn lóc kiếm từng đồng. Con còn nhỏ quá, để ở nhà sợ xảy ra mệnh hệ gì, chị nhờ người bó chặt nó trên chiếc xe đạp phía trước; bên cạnh phía sau là mớ rau, rổ mắm…mò mẫm đi bán dạo khắp làng. Người làng trách: “ “Anh kép” có đôi mắt sáng mà cứ như mù hơn chịsao?!”. Mặc kệ! Như không hề thấy, biết, nghe gì cho đến lúc đứa con đầu lên bốn, đứa thứ hai lên hai thì “anh kép” đang tâm quay bước ra đi, chia tay chị. Một tấn thảm kịch-nếu có-chỉ diễn ra trên sân khấu thời xưa, nay lại ập vào cuộc đời chị: Một người mẹ mù, hai con thơ dại và một căn chòi lay lắt giữa làng quê hun hút!

SỐNG CHUNG VỚI NGHỊCH CẢNH

Bây giờ đứa con gái lớn của chị là Nguyễn Thị Thảo Sự, 14 tuổi, bước vào đầu năm học lớp 9; đứa thứ hai là Nguyễn Thị Thảo Sương, 12 tuổi, học lên lớp 7. Khó ai hình dung nổi người mẹ mù lại nuôi con được vậy. Nghĩ lại quãng đời ấy, chính chị Tâm cũng đã thốt lên: “Không sống được cũng gắng gượng phải sống. Vì thương quá hai đứa con tôi số phận dập vùi…” 
Thảo Sương lớn lên một chút vừa đi học, vừa chăm em, chị Tâm mới tạm yên tâm đi buôn bán cả ngày. Kiếm ăn được một thời gian nữa thì bỗng gặp đen đủi. Vào chợ đời không may trúng những kẻ tán tận lương tâm đã lừa lấy hết cả vốn lẫn lãi ít ỏi của chị. Mù lòa, chị chẳng biết nơi đâu để mà tìm, mà đòi. Cùng đường, chị quay về nhà học nghề đan sọt. Khó mà kể hết những khó khăn của một người mù vào nghề học đan tre. Có lẽ tạo hóa cũng có luật bù trừ  nên mắt chị mù nhưng đôi tay lại “sáng” hơn người bình thường. Chẳng vì thế mà không lâu sau nghề đan sọt của chị Tâm đã thành thục. Chị đan miệt mài từ sáng đến khuya mỗi ngày cũng kiếm được mươi, mươi lăm ngàn đồng, đủ mua gạo cho ba mẹ con ngày ba bữa.
Vài ba năm trở lại đây, hàng tre đan liên tục xuống giá, chị Tâm không mua nguyên liệu “mum” (lồ ô) nữa mà trực tiếp vào rừng khai thác, kiếm công hơn chút đỉnh. Hai đứa con thay nhau một buổi nghỉ học dắt mẹ vào rừng cách nơi ở từ bốn đến năm cây số. Con chọn từng cụm, từng cây lồ ô; mẹ đặt tay vào tuyển chọn từng cây rồi tự chặt. Chặt xong, tỉa phát từng cành, sắp gọn lại, buột chặt thành từng bó, con dắt tay mẹ vác về nhà. Ngày nào chị cũng vắt sức khai thác, vác bộ từ rừng về trên dưới 40 ký mum. Đôi tay toé máu, đôi chân té ngã sưng phù nề, người kiệt sức nằm vắt vẻo giữa rừng sâu…là cảnh thường xuyên xảy ra nhưng chị nhất định không chịu nằm chờ ở nhà thở than, xin cứu giúp. Chị Tâm thường nói: “Người tốt cũng chỉ giúp ngặt, chứ ai giúp nghèo mãi đâu!”
Anh Phạm Ngọc Hiền, Thôn trưởng thôn 1, xã Đạ Oai cho biết: Ba năm nay, chính quyền địa phương đã trợ cấp hai đứa con chị Tâm 90 ngàn đồng/mỗi tháng. Nơi ba mẹ con chị Tâm đang ở là bốn bức vách nứa chắp vá, mấy tấm tôn cũ tận dụng, rộng chừng mười mét vuông mà bà con trong thôn cùng một tay giúp dựng nên. Chỉ là tránh mưa, che nắng nhưng lại tạm bợ vì nhà nằm trên khuôn viên đất thuộc trường mầm non của thôn. Mới đây, tổ chức mặt trận, phụ nữ huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng đã liên hệ “xin” cấp cho chị một miếng đất. Dự kiến sẽ xây dựng trên đó một căn nhà tình thương. Như được “quả thị của Tấm”, chị Tâm mừng khôn xiết mà không nói được thành lời. Niềm lạc quan phi thường của chị càng hiện lên: “Dù còn một chút khả năng, tôi phải cố hết sức mình để chăm lo hai con gái tôi được học hành đến nơi đến chốn. Đời mình đã nghèo khổ, nhiều bất hạnh; mong đời con mình sẽ không mắc phải nghịch cảnh nữa!” Nghe chị bày tỏ niềm hy vọng, mới hiểu thêm cuộc đời bao giờ cũng ý nghĩa, dù cuộc đời ấy phải chống chọi với bất kỳ một hoàn cảnh nào!./.
Tháng 9/2004