VĂN VIỆT
Một thời giặc Pháp và bọn tay sai ác ôn khắp xứ Lâm
Viên hễ nghe nói đến “Năm Lửa” là kinh hồn, bạt vía. Bởi nếu nhắc đến “Năm Lửa”
là nhắc đến cái chết thảm hại của tên Phó Thanh tra mật thám Pháp phụ trách miền
Nam Đông Dương; những trận đánh giáp lá cà ven đường 20 với quân địch đông hơn
bội lần; “tàng hình” vượt ngục giữa ban ngày… “Năm Lửa” tên thật là Nguyễn
Tấn Phước, sinh năm 1929, hiện ở tại 207, đường Phan Bội Châu, thị xã Bảo Lộc.
****Bị thương vẫn đánh giặc
Tháng 6/1950, Nguyễn Tấn Phước
là Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền, trực tiếp chỉ huy 16 đội viên cắt rừng
từ Bình Thuận lên xây dựng cơ sở Vùng 3 (Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai thuộc tỉnh
Lâm Đồng ngày nay). Sau hơn một tháng công tác, hôm đó trên đường qua Cát Tiên,
Đội bất ngờ phải giao chiến trước những trận càn khốc liệt của địch. Một đánh mười.
Đánh đến bốn, năm ngày liên tục, cả ban đêm. Mỗi chiến sĩ chỉ hơn trăm viên đạn
súng trường, chiến đấu quả cảm, thoát được vòng vây của địch, rút vào rừng sâu.
Hôm sau vượt sông, qua đường 20 thì không may lọt vào trận địa của địch. Đồng đội
lần lượt hy sinh, chỉ còn lại 5 người. Đội trưởng Phước bị thương nhưng vẫn chiến
đấu viên đạn cuối cùng rồi đến lúc ngất đi. Khi tỉnh dậy mới biết mình đã bị bọn
giặc đuổi theo, lúc nhúc bao quanh. Chúng đưa ông biệt giam ở Lao xá Đà Lạt.
Sau nửa năm trời đã không
khai thác được gì, mà bọn cai ngục còn phải đưa tù nhân Phước lên Nhà thương Đà
Lạt điều trị “căn bệnh lạ”. Đang đến trạm biến điện ( đầu dốc Hải Thượng, Đà Lạt
hiện nay), tù nhân Phước bất ngờ cướp gọn cây súng trong tay tên lính áp giải.
Nó van xin và được tha mạng sống. Chốc lát sau, Nguyễn Tấn Phước đã biến nhanh
về tới chiến khu CK 300 của Thị uỷ Đà Lạt.
***Phương án “17, Hoa Hồng”
Tháng 01/1951, Thị uỷ, Ủy
ban hành chính kháng chiến thị xã Đà Lạt quyết định thành lập Đội Cảm tử Phan
Như Thạch-tên người Bí thư Thị uỷ Đà Lạt đầu tiên, đã hy sinh tại chiến khu Suối
Tía ngày 12/6/1950. Đội gồm có 36 biệt động bên ngoài và 60 biệt động nội
thành, do Nguyễn Tấn Phước ( bí danh Nguyễn Thanh Liêm, sau này quen gọi biệt
danh “Năm Lửa”) làm Chỉ huy trưởng. Tháng 5/1951, sau khi hoàn thành khóa huấn
luyện kéo dài trong 60 ngày, Nguyễn Tấn Phước trực tiếp tham gia một Tổ 7 người,
vây chặt Biệt thự 17, Hoa Hồng, đường Huỳnh Thúc Kháng; dinh cơ của tên mật
thám Haasz-Victo, Phó Chánh Thanh tra Miền Nam Đông Dương. Có 2 phương án đưa
ra là bắt sống hoặc tiêu diệt tùy theo tình huống xảy ra. Tất cả cảm tử Đội đều
ngụy trang là sĩ quan và binh lính “Ngự long quân” của nhà vua Bảo Đại. Ém quân
từ lúc 4 giờ sáng ngày 11/5/1951, vũ khí của Tổ gồm 02 tiểu liên, 01 carbine,
04 súng ngắn và lựu đạn. Đến khoảng 16 giờ 30, trời đổ mưa to. Cả tổ đột nhập
vào nhà tên mật thám, tạm đưa 2 người bồi vào trong nhà bếp, đóng chặt cửa lại.
Một tốp lên lầu trên phá cửa, vào phòng riêng tên mật thám. Lục soát lấy được
01 súng ngắn, 01 súng săn 2 nòng, mấy ngàn bạc Đông Dương, nhiều tài liệu quan
trọng khác….
Kiên trì phục kích đến mãi
17 giờ 30 phút, tên mật thám Haasz-Victo mới về lại Biệt thự 17, Hoa Hồng bằng
chiếc ô tô con. Không thấy người bồi ra đón, hắn sợ hãi quay gót trở ra xe, chạy
ngược ra phố. Bất thần nghe tiếng hô giơ tay lên ( bằng tiếng Pháp) của cảm tử
quân, hắn cắm đầu chạy thục mạng. Chạy hơn 10 mét thì bị cảm tử quân nổ súng.
Haasz trúng đạn và chết gục tại chỗ. Lấy được chiếc xe ô tô, cả Tổ lái xe chạy
lên hướng Cam Ly. Đột nhiên tới khu vực này, Tổ lại đụng độ 2 xe GMC chở nhung
nhúc lính địch. 3 đội viên trong tổ ( có “Năm Lửa”) nhảy nhanh ra ngoài xe, lên
vị trí dốc cao, nhả đạn vào đội hình địch. Hơn 01 tiểu đội địch bị tiêu diệt và
bị thương. Vừa đánh trả địch, vừa ngược dòng thác lũ Cam Ly, luồn theo đường rừng
vắng, về nơi trú quân an toàn ( dưới chân đồi Dinh III Đà Lạt) vào khoảng hơn
20 giờ 30 phút cùng ngày. Không một ai trong tổ phải hy sinh. Duy chỉ một đội
viên bị thương là Trần Ngọc Bảy cũng được về đến tuyến sau chăm sóc cẩn thận.
Tên mật thám Haasz bị tiêu
diệt, giặc Pháp trả thù rất hèn hạ. Chúng “giải” 20 tù nhân chính trị giam ở
Lao xá Đà Lạt đến sân bay Cam Ly hành quyết ngay trong đêm đó. Từ ngày sau trở đi,
Đội Cảm tử Phan Như Thạch liên tục tổ chức treo cờ đỏ sao vàng, rải truyền đơn,
vẽ khẩu hiệu, dán áp phích…..khắp nơi trong thành phố, phát động quần chúng
nhân dân xuống đường đình công, bãi thị rầm rộ. Những tên mật thám có nợ máu
nhiều với nhân dân lần lượt đền tội. Làn sóng giết giặc, trừ gian hừng hực mọi
nẻo đường thị xã Đà Lạt bấy giờ. Địch hoang mang, co vòi không dám manh động
trong một thời gian dài…
***Đoạn kết có hậu
“Năm
Lửa” Nguyễn Tấn Phước sinh ra và lớn lên giữa vùng đất Ba Tơ, Quảng Ngãi giàu
truyền thống cách mạng. 16 tuổi, ông tham gia du kích Ba Tơ. Và từ đó ông theo
cách mạng cho đến bây giờ-gần 80 tuổi vẫn luôn ngời sáng tấm gương trung thành
vô hạn với lý tưởng cộng sản. Hai vợ chồng ông đang thụ hưởng những ngày thanh
bình cuối đời tại một căn nhà nhỏ, bên đường Phan Bội Châu, thị xã Bảo Lộc.
Ngày ngày, đêm đêm vui đùa bên con cháu sum vầy. Ông vẫn liên lạc đều đặn với tổ
chức những tù binh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trong toàn quốc, tổ chức họp
mặt, thông tin giúp đỡ lẫn nhau. Thế hệ của ông bây giờ không còn nhiều. Lớp đã
nằm xuống vì độc lập tự do. Lớp đã về với
cõi tổ tiên, ngàn thu vĩnh hằng. Cảm nhận những thay đổi sau ba mươi năm đất nước
thống nhất, cùng “thế hệ thép” Nguyễn Tấn Phước thật hạnh phúc để nói rằng, đoạn
kết của những cuộc trường chinh dân tộc Việt Nam bao mất mát, đau thương, giờ đã,
đang và mãi mãi nở hoa, kết trái yên bình./.
Tháng 3/2005