VĂN VIỆT
Ở sát cạnh khu du lịch hồ Than Thở nổi tiếng thành
phố Đà Lạt có một gia đình nông dân ngày ngày ra vườn dâu quanh sân nhà hái…ra
vàng. Chuyện bắt đầu khi họ mạnh dạn phá bỏ gần cả mẫu cà phê từng “đắng cay-ngọt
bùi” bao năm…
Định
cư trên lô đất cả chục ngàn mét vuông bên khu du lịch hồ Than Thở, gia đình
anh-chị Lê Hữu Tuấn, Lê Thị Lan nhất quyết đeo đuổi nghề “dĩ nông vi bản”; thay
vì tận dụng mặt bằng có sẵn để mở các dịch vụ, kinh doanh như nhiều người mách
chỉ. Nguyên thủy đất trồng cà phê kết trái quanh năm, thu nhập cũng tạm ổn cho
nhu cầu cuộc sống nhiều mặt của gia đình với sáu miệng ăn. Thế rồi suốt quãng
thời gian cà phê rớt giá trượt dài thăm thẳm, anh-chị đồng thuận quyết định phá
bỏ “bức tường độc canh” này, chuyển cây trồng mới. Sau nhiều đợt “sàng lọc” khắc
nghiệt, giống dâu tây Newzealand và rau
xà lách romaine được đưa về trồng thế chỗ ổn định cho cây cà phê. Đó là thời điểm
cách đây đã hơn 3 năm ròng.
Chị Lan nhớ lại: Phải vật lộn
gieo trồng thành-bại đến năm, bảy lứa dâu mới chọn ra được giống dâu Newzealand
thích hợp. Bằng nguồn vốn tự có, gia đình chị không ngần ngại đầu tư ban đầu một
số tiền không nhỏ. Trước tiên chi phí hết 15 triệu đồng mua về 1 ngàn cây giống.
Kế tiếp lắp đặt giàn mái che, hệ thống tưới tự động tốn khoảng 200 triệu đồng nữa.
Trồng lứa đầu trên diện tích 1,5 sào cơ bản đạt năng suất và chất lượng; sau đó
nhân lên diện tích gấp đôi. Chỉ mất 3 tháng kể từ khi xuống giống, chăm sóc và…liên
tục thu hoạch suốt 3 năm qua. Cứ 2 ngày thu hái trái một lần. Năm thứ nhất mỗi
lần thu hái trên dưới 50 kg. Số lượng này đến năm thứ hai khoảng 40 kg và năm thứ
ba là 30 kg. Giá bán mỗi kg dâu Newzealand vẫn giữ ở mức từ 40 ngàn đồng đến 60
ngàn đồng. Vậy cứ làm phép tính nhẩm chia ra mỗi ngày, gia đình anh Tuấn, chị
Lan ung dung ra vườn hái trái dâu thành…từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.
Cho đến bây giờ giống dâu
tây mới nói trên chỉ có gia đình anh Tuấn-chị Lan trồng, làm giàu nhanh trên xứ
sương mù Đà Lạt. Nó khác biệt với giống dâu tây lâu đời chỉ trồng một vụ trong
năm. Hơn nữa, mùi vị vừa chua, vừa ngọt thanh; vận chuyển đi xa khó dập vỡ, độ
tươi lâu hơn…nên giá mỗi kg dâu mới luôn cao hơn giống dâu cũ từ 3 ngàn đến 5
ngàn đồng. Khách hàng từ Sài Gòn, qua bên Campuchia đặt trước nhiều quá, vườn
dâu 3 sào sản xuất không kịp tiêu thụ. Vì đây là giống dâu sản xuất an toàn, đòi
hỏi phải chuẩn xác từng li, từng tí với các yêu cầu kỷ thuật. Phân bón phải hòa
tan, lắng lọc kỹ, tưới qua hệ thống phun nhỏ giọt. Do trồng trong nhà kính, sâu
bọ khó sinh sôi, nảy nở nên thuốc hóa học sử dụng trong những tình trạng rất hy
hữu; nếu có phải ít nhất 3 ngày sau khi phun thuốc mới được phép thu hoạch, đưa
dâu ra thị trường. Bởi vậy, chất lượng dâu sạch luôn chứng tỏ độ tin cậy cao đối
với người tiêu dùng trong ba năm qua.
Hiện
thời điểm này, gia đình anh Tuấn-chị Lan đang “nhờ” Phân viện Sinh học Đà Lạt sản
xuất đại trà giống dâu mới này. Trong tháng tới sẽ đưa giống cấy mô mới để trồng
lại toàn bộ 3 sào đất nêu trên. Bà con nông dân có nhu cầu giống, kỷ thuật, anh
Tuấn-chị Lan sẵn sàng cung cấp, tư vấn trong khả năng và kinh nghiệm của mình.
Trong
thời gian 3 năm qua bên cạnh những luống dâu tây, với 6 sào chuyển đổi từ cà
phê sang trồng xà lách rômain nhập ngoại, gia đình anh-chị Tuấn-Lan xuất khẩu đều
đặn sang Đài Loan mỗi năm thu về trên dưới 500 triệu đồng. Bí quyết ư ? Câu trả
lời ở đây là mạnh dạn đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao. Không ngừng tra cứu,
học hỏi kỷ thuật chăm sóc mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng
của Đà Lạt. Giữ tuyệt đối chữ tín với đối tác tiêu thụ ổn định, bền vững.
Đến nay nhãn hiệu “Vườn dâu bà Lan” số 57,
đường Hồ Xuân Hương bên hồ Than Thở Đà Lạt là một địa chỉ quen thuộc để các
doanh nghiệp đến đóng hàng vận chuyển đi tiêu thụ trong nước và quốc tế. Mong
muốn sao cho thật nhiều, nhiều hơn nữa những cái tên như “Vườn dâu bà Lan” trên
thành phố xinh đẹp này.