VĂN VIỆT
Ngoảnh
lại cũng gần bảy ngàn ngày tôi xa chốn quê nhà Bình Định lên cư ngụ nơi xứ núi
bồng bềnh sương phủ. Ơn người, tôi được công việc ghi ghi, chép chép cứ cuốn
giục gót chân ngày ngày. Trong ngút ngát tình say con chữ, trùng trùng kỷ niệm
nghiệp nghề, luôn lưu đọng nét son những nhân vật đồng hương tôi và số nhiều
bạn đọc gần xa...
*Ở phố…
Thành
phố nơi tôi trú thân và hành nghề nhà báo là Đà Lạt, một thương hiệu du lịch
lớn của đất nước hình chữ S. Vùng cao nguyên này có mặt người Bình Định từ thời
“Hoàng triều cương thổ” thuộc Pháp đến giờ. Họ đi nhiều con đường khác nhau.
Thời giặc giã thì đi phu, đi chiến đấu. Thời độc lập thì đi mở đất, đi theo họ
hàng, đi học chữ rồi…”bén rễ xanh cây” làm quê hương thứ hai. Hiện thời người
Đà Lạt gốc Bình Định đã “đông vui” đến mấy thế hệ rồi. Dù không thống kê chính
thức nhưng con số này là không nhỏ. Nếu tính riêng nhà báo gốc Bình Định đương
nhiệm đã lên đến con số hàng chục người có dư, trong đó có tôi. Giữa “bao la”
chất liệu từ “thế giới” người Bình Định nơi đây, mỗi lần tôi hòa mình vào đó
tác nghiệp là tôi đang…trở về nhà.
Dịp
kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tìm đến căn
nhà số 142, Hai Bà Trưng, Đà Lạt để gặp bà Nguyễn Thị Lan, người bị hành quyết
đến 9 viên đạn không chết. Cách đây 54 năm-đêm 11/5/1951, giặc Pháp giải bà Lan
và 19 người tù chính trị của Lao xá Đà Lạt đưa ra xử bắn bên góc Sân bay Cam
Ly. Tất cả lần lượt ngã xuống, chỉ duy nhất bà Lan đã “phục sinh”, đưa về bệnh
viện chữa trị, đến nay là thương binh 2/4, tuổi gần 80. Bà Lan có “phép màu”
nào chăng ? Để có những dòng tường trình lý giải xác thực, sống động, nhiều nhà
báo phải “lận đận” không biết bao nhiêu lần được trò chuyện cùng bà mới đủ
“chất liệu”. Với tôi hết sức tình cờ và may mắn, bà là người gốc Hoài Nhơn,
Bình Định. Nhân vật đồng hương với tác giả. Câu chuyện được bà kể lại như một
lời tự sự với người thân thuộc. Bài ký sự “Người phụ nữ có “phép màu”” của tôi
sau đó đăng tải trên phương tiện báo chí tỉnh Lâm Đồng và của trung ương đã
được bạn đọc nhiệt tình đón nhận. Nhiều tổ chức, đơn vị trong nước lần theo địa
chỉ trên báo đến thăm, giúp đỡ bà Lan khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Riêng
tôi nhận nhiều cuộc điện thoại khen ngợi, động viên, lại thấy hạnh phúc của nghề
mình được nhân lên nhiều lắm!
Cách
đây hai năm, cánh báo chí Lâm Đồng được lôi cuốn bởi những sản phẩm mới lạ trên
Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ Đà Lạt. Tất nhiên tôi không thể làm người…đứng ngoài.
Đến nơi mới hay phần lớn những “đặc sản” ở đây “sản xuất” từ đất và người Bình
Định. Ấn tượng đầu tiên ở Vườn thơ Hàn Mặc Tử rộng đến năm trăm mét vuông, kết
thành một giàn hoa lá vờn quanh. Lữ khách có thể ngồi đây tĩnh lặng “xem trời
giải nghiã yêu”. Dưới bóng thông ngàn, tượng Hàn Mặc Tử bán thân dựng lên, quây
quần là những dòng thơ tạc ghi vào từng phiến gỗ, treo lững lờ với dòng thời
gian. Ấy là những lời thì thầm, đưa người viễn xứ quay về chốn hoài niệm. Để
rồi “…Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…” Khi tìm lại
bóng dáng tuổi thơ sau những giờ trần lưng khét nắng nơi đồng đất, được ru ta
vào giấc nồng, hãy ghé qua ngôi nhà cổ Bình Định ba gian mái-chái gần 300 năm
tuổi được dựng lên nơi đây. Những loại gỗ “tác tạo” trên thổ nhưỡng Bình Định
càng rắn rỏi với thời gian, bóng mượt “cùng tuế nguyệt”. Rồi xuống hầm “Mộng Mơ
tửu” nữa. Nâng cốc nhấp ngụm “tiên tửu” Bầu Đá sủi tăm, lòng người chuếnh
choáng thăng hoa…Được tận hưởng “hương sắc” Bình Định ở giữa phố phường mộng mơ
Đà Lạt thì còn gì hơn thế nữa với nghề “bán chữ” của “nhà báo tôi”nhỉ ?!
*Về
vùng xa
Nhà
báo ở Lâm Đồng đi công tác từ thành phố Đà Lạt tỉnh lỵ đến trung tâm huyện xa
nhất lên đến hai trăm cây số. Giao thông đến nơi đã dễ dàng nhưng đường về từng
thôn-làng vẫn gặp nhiều trắc trở, nhất là lầy lội vào mùa mưa. Những nhà báo
vẫn “còn sức hăng” như tôi thì mỗi tháng nằm dưới huyện cả tuần cũng “trụ”
được. Huyện Cát Tiên xa nhất tỉnh Lâm Đồng lại có người gốc Bình Định quần cư
khá nhiều. Nhờ qua “môi giới” của người đồng hương ở 2 xã Phước Cát I và Phước
Cát II của huyện này, tôi được “diện kiến” với Nguyễn Văn Quy, người có 15 năm
làm “dân vận” ở rừng sâu.
Ông cầm tay chỉ dẫn đồng bào biết trồng bắp, trồng
điều, định canh định cư. Gần gũi từng ngày, từng giờ với bà con bản làng, ông
kiên trì giải thích, thuyết phục, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu, chết
người. Nhờ vậy, dân làng quên trìu mến gọi ông là K’Quy. Ông Quy người gốc Phù
Mỹ, tôi gốc người An Nhơn-Thế là tác giả “cái tôi trần thuật” với “cái tôi tự
sự” của nhân vật trong bài ký sự “K’Quy-Hai thời dân vận ” hoặc “K’Quy-người
Bình Định “dụng võ” nơi buôn sâu Lâm Đồng”, “ “Hảo hán” giữa rừng Cát
Tiên”…đăng trên các “bản báo” ở tỉnh Lâm Đồng, Bình Định và báo trung ương được
nhiều bạn đọc chú ý đến.
Sau Cát Tiên, huyện “xa nhì” của tỉnh Lâm
Đồng là huyện Đạ Tẻh, cũng chiếm số đông người Bình Định nhập cư từ những năm
đầu “tám mươi” của thế kỷ trước. Về đây, trong những chuyến thâm nhập thực tế
dài ngày, những “nhân vật” đồng hương luôn hết lòng giúp đỡ cho “nhà báo tôi”
tác nghiệp. Nhờ đó những bài ký sự hôi hổi tính thời sự lên trang, đến tay bạn
đọc, góp phần giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ cầm bút của mình. Dẫu trên “vùng đất
đồng hương” ở Lâm Đồng, vẫn đang nợ nhiều lắm những món nợ ân tình, cần phải
dấn bước hơn nữa. Những gì “thu hoạch” bằng nghề viết qua những “nhân vật” trên
đây cũng chỉ là những lời tâm sự, một chút riêng tư của nhà báo xa xứ cùng bạn
đọc nhân sinh nhật của báo giới năm nay!
Đà Lạt tháng 6/2005