Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Tố Lan vượt khó

                       VĂN VIỆT
Bây giờ đến buôn Tố Lan ( xã An Nhơn, Đạ Tẻh) dễ cảm nhận được sự chuyển biến khá căn bản về diện mạo buôn làng; về nếp nghĩ, nếp làm của đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ. Qua nhiều dự án của nhà nước, đồng bào đã thể hiện nỗ lực tự thân vượt khó, giảm nghèo đi lên.      

Tôi đến thăm nhà K’Rèn giữa không khí chộn rộn của công trình xây dựng mới nhà cấp 4 có diện tích 50 mét vuông. Giàn giáo giăng mắc thật chắc chắn để đắp tô lên những thước hồ vữa trên độ cao nhất căn nhà. Sau nụ cười tươi rói, K’Rèn nói: “Tôi từ một buôn khác được “bắt” về buôn Tố Lan này định cư từ năm 1995. Nay đã 54 tuổi là lần đầu trong đời, tôi sắp sửa vào ở trong căn nhà xây mới. Cám ơn Đảng, cám ơn Nhà nước vô cùng…” K’Rèn và vợ là K’Phèn đều thuộc diện thương binh thời chống Mỹ, nhà nước đã hỗ trợ 25 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa, khởi công từ tháng 9/2006 đến nay…
K’Rèn nhớ lại hồi theo vợ về buôn Tố Lan lập nghiệp, được chính quyền huyện, xã cấp đất dựng nhà ở nằm giữa diện tích sản xuất gần 03 sào đất trồng điều. Tất cả nguồn giống và kỷ thuật trồng, chăm sóc cây điều ở thời kỳ đầu đều do nhà nước “bao cấp” luôn. Nhưng điều là cây trồng dài ngày nên nhà nước lại đồng thời cấp thêm cho vợ chồng K’Rèn hơn 2,5 sào trồng lúa rẫy, mỗi năm sản xuất một vụ. Vợ chồng K’Rèn có tất cả 5 nhân khẩu. Những năm sau đó khi ba người con trong nhà đã đến tuổi lao động, K’Rèn được “bổ sung” 01 sào đất trồng lúa rẫy nữa. Đồng bào quen gọi lúa rẫy là “lúa trời”, trồng từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Nếu thời tiết không diễn biến thất thường, gia đình K’Rèn cũng thu hoạch hơn 20 bao lúa (khoảng hơn 01 tấn lúa ) mỗi năm, cơ bản tự túc được lương thực ăn đến mùa giáp hạt. Nhưng còn chi tiêu sinh hoạt, mua sắm và các nhu cầu thực phẩm thì vợ chồng K’Rèn lấy từ nguồn nào?! Thực tế ở thời gian đầu cũng phải cố dè sẻn trong khoản lương thương binh nghỉ mất sức của hai vợ chồng K’Rèn. Và rồi nhà nước lại tiếp tục quan tâm giao cho vợ chồng K’Rèn nhận quản lý và bảo vệ trên 52 ha rừng phòng hộ cách nhà hơn cây số. Vậy là bên cạnh khoản lương ổn định giữ rừng trên 50ngàn đồng/ha/năm; vợ chồng và các con K’Rèn được tiếp nhận vào làm công khoán trồng rừng, đào đường ranh cản lửa, phát dọn chống cháy rừng..theo từng “vụ mùa rừng” quanh năm. Bà Ka Phèn, vợ của K’Rèn còn khoe : “Vừa mới đây, trong dự án nông lâm kết hợp, gia đình tôi được cấp 5,5 sào đất, được cấp giống điều ghép mới, được hướng dẫn kỷ thuật trồng…Và cũng được nhà nước cũng cho thêm 01 sào ruộng trồng lúa nước nữa đó… ”
Bây giờ vợ chồng K’Rèn đã tích lũy được 3 con trâu bố-mẹ và con, trị giá khoảng hơn 40 triệu đồng. Ở xóm cạnh bên nhà K’Rèn là hộ K’Thu cũng “đua” theo, sắm được “cái đầu cơ nghiệp” gồm 01 trâu, 01 bò đang độ tuổi đi cày, ước cũng được hơn 20 triệu đồng. Vợ chồng K’Thu đã gần 70 tuổi, có 6 người con đều “bám trụ” buôn Tố Lan ổn định cuộc sống tự lập. Tất cả thu nhập đều dựa vào sản xuất nông - lâm kết hợp, biết chịu thương chịu khó, chăm chút vật nuôi, cây trồng hợp lý nên cuộc sống ngày một cải thiện hơn. Không đến nỗi phải bức xúc với cái ăn hàng ngày, “bô lão” K’Thu luôn rất nhiệt tình công việc hòa giải trong thôn. Tối hôm trước khi tôi đến, K’Thu đã trực tiếp hòa giải thành một vụ vợ chồng xung đột kéo dài. Khởi sự từ chuyện anh chồng thiếu chí thú nương rẫy, đi uống rượu suốt ngày với bạn bè.
 Người vợ không chịu được phải cằn nhằn nên xảy ra ẩu đả. Nghiêm trọng nhất là lần người vợ bị người chồng vung tay chân đánh đến thâm tím cả khuôn mặt. Rồi cả hai đều háo thắng đòi ly dị. K’Thu đến kiên trì hòa giải từ gặp riêng từng người đến gặp chung cả hai vợ chồng. Cuối cùng người chồng phải “sáng ra”, làm cam kết thành thật nhận lỗi trước người dân trong thôn hứa không bao giờ tái phạm nữa.
Tình làng nghĩa xóm của buôn (thôn) Tố Lan ngày thêm thắt chặt. Thôn trưởng K’Miếu thống kê đến nay đã có 29 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương được xây mới trong thôn. Cả thảy 45 hộ đồng bào Châu Mạ trong thôn với cuộc sống bằng các nguồn thu nhập nông-lâm kết hợp khá hiệu quả. Không còn hộ dân nào thiếu đất sản xuất. Vào cuối năm 2006 lại thêm tin vui về buôn Tố Lan là đường điện hạ thế đã kéo về trung tâm thôn. Kế tiếp là công trình thủy lợi xây dựng kiên cố nối kết từ hồ nước Đạ Hàm đến thôn chuẩn bị khánh thành. Và dự án cây điều ghép giống mới mỗi hộ trồng 01 ha đang triển khai…
Vâng, đi trên con đường thảm nhựa vào buôn Tố Lan hôm nay, ít ai hình dung nơi này từng gọi là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của xã An Nhơn, Đạ Tẻh./.

Tháng 12/2006