VĂN VIỆT
“Em ráng học để có kiến thức, để được hiểu biết
nhiều hơn. Đây là năm thứ 2 ở lớp học tình thương này đã giúp cho em thật nhiều
chữ…”- Học sinh lớp 2 nhưng đã 33 tuổi tên là Nguyễn Lan tâm sự. Hoàn cảnh của
Nguyễn Lan là một trong bảy, tám chục hoàn cảnh đặc biệt đang cắp sách đều đặn
đến lớp học tình thương của phường 2, thành phố Đà Lạt.
Cách
đây khoảng bảy năm, một người phụ nữ tự nguyện làm việc nghĩa tình ở phường 2,
Đà Lạt tên là Huyền Đông Sương đã tập hợp những hoàn cảnh không may để tìm nơi
học chữ. Đó là những đứa trẻ nghèo khổ, phải vào đời bằng nghề lượm ve chai,
bán vé số, đánh giày kiếm sống, nuôi cha mẹ bệnh tật …khi tuổi vừa mới lên năm,
lên sáu. Đó là những hoàn cảnh không may khiếm thị, đến tuổi trưởng thành vẫn
trong cảnh mù chữ hoàn toàn…Mỗi hoàn cảnh mỗi quê quán. Gốc sinh ra ở Đà Lạt
có. Các huyện, thị trong tỉnh Lâm Đồng cũng có. Ở ngoài tỉnh đến Đà Lạt sống
nhờ ở trọ cũng có. Bà Sương không quản công lên danh sách tất cả đối tượng mà
bà biết được gặp hoàn cảnh không may như vậy, sau đó đặt vấn đề xin bố trí các
phòng học và được nhà dòng Donbosco ủng hộ rất nhiệt thành. Nhà dòng sắp xếp
các phòng dạy học từ một lơp, hai lớp, đến nay đã duy trì và phát triển thành
năm lớp cấp tiểu học. Giờ học ổn định từ 7 giờ đến 9 giờ buổi sáng thứ hai đến
thứ sáu hàng tuần. Thầy dòng Trần Đức Thịnh, phụ trách năm lớp học tình thương
này cho biết: Lớp học đặt dưới sự quản lý toàn diện của UBND phường 2, Đà Lạt.
Bàn ghế dạy và học được quyên góp hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài địa
phương. Chương trình đưa vào giảng dạy từ lớp một đến lớp năm ở đây được thống
nhất từ Phòng Giáo dục Đà Lạt. Trong đó tập trung nhiều nhất thời gian dạy và
học những môn học chính như Toán, Tiếng Việt, Đạo Đức... Giáo viên cũng hoàn
toàn là những người tự nguyện làm việc thiện. Đó là những giáo viên về hưu,
sinh viên Đại học Đà Lạt, giáo viên “thỉnh giảng” tranh thủ những “tiết trống”
chính khóa…Họ dạy chữ với tất cả tấm lòng nhân ái, không hề nghĩ đến bất cứ
những đãi ngộ, trả công bằng hình thức vật chất nào. Trước khi khai giảng đầu
năm học mới mỗi năm (cùng với ngày toàn dân đưa trẻ đến trường), nhà dòng
Donbosco cùng với các tổ chức, cá nhân nhân đạo, từ thiện trong phường tích cực
quyên góp bút mực, sách vở, áo quần, xách cặp…cung cấp cơ bản đầy đủ cho năm
lớp học tình thương.
Đến
thăm các lớp học tình thương ở đây mới cảm nhận được tinh thần vượt khó dạy và
vượt lên nghịch cảnh để học có kết quả. Bảng đen phấn trắng hiện ra trong sự ân
cần trìu mến của giáo viên. Không cùng một lứa tuổi trên từng lớp học nhưng sự
cố gắng chăm chỉ tất cả học sinh đều thể hiện giống nhau. Sĩ số lớp học hàng
giờ, hàng ngày được kiểm tra thường xuyên, theo một quy chế rất nghiêm túc. Học
sinh nào vắng học không có lý do thì lập tức người phụ trách cho người đi tìm
hiểu nguyên nhân, điều kiện nào, từ đó có các phương pháp giúp đỡ từng học sinh
trở lại lớp, theo kịp các chương trình học bài giáo khoa. Chất lượng kiểm tra
từng môn học, từng học kỳ và cuối năm được tiến hành theo đúng quy chế giáo
dục. Đặc biệt tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học và chuyển lên cấp 2 đạt rất
cao, mỗi lớp 5 chỉ bị rớt từ một, hai học sinh mà thôi. Vào học cấp 2, các em
lớp học tình thương được sự chứng nhận của UBND phường 2, Đà Lạt nên được miễn
giảm các chương trình học phí, các khoản đóng góp xây dựng khác…
Ước
muốn của lớp học tình thương là giúp cho những cảnh đời không may mắn, sẽ sớm
xua tan hết những mặc cảm trên hành trình tiếp cận kiến thức vào đời. Bàn tay
nhân ái của Nhà dòng Donbosco luôn rộng mở cùng với cộng đồng góp tay thực hiện
có hiệu quả chương trình nhân đạo chung của địa phương. Và thực tế khi tâm sự
của nữ sinh tiểu học K’Uyên, 15 tuổi, học sinh lớp 2, đại diện cho sáu, bảy
chục em học sinh ở đây nghe thật ấm lòng: “Đi học vui lắm. Rất thích ! Từ lớp học tình thương ở đây đã cho em không bị
mù chữ nữa !”
Tháng
11/2006