VĂN VIỆT
Hiếm có một cuộc chiến
tranh nào trên trái đất này như nơi đất lửa thành cổ Quảng Trị. Một khuôn viên
rộng chưa đến hai ngàn hai trăm mét mà Mỹ-Ngụy lại huy động một lực lượng dày
đặc sắc lính dữ tợn: bộ binh, thiết giáp, không quân, thủy quân lục chiến, bảo
an, dân vệ…hòng tái chiếm bằng mọi giá. Đất bùng lên ngọn lửa căm hờn, người
sục sôi ý chí chiến đấu đến giọt máu còn lại, giáng trả đánh những đòn tơi tả,
phơi thây địch trên khắp bãi chiến trường. Chiến công của thành cổ Quảng Trị
còn rực sáng đến bây giờ…
Tôi
đến Quảng Trị vào tháng 3/2004, đúng tròn 32 năm kể từ khi quân và dân ta ập
xuống đầu quân thù những đòn hỏa lực bất thần không kịp đối phó. Vào thành cổ
Quảng Trị, rất dễ tìm thấy những tài liệu còn ghi lại rằng, đúng 11 giờ ngày
30/3/1972 súng nổ đồng loạt từ nhiều phía trận địa của ta dồn dập gầm rung tất cả
mọi căn cứ của địch. Mắt tình báo CIA tinh ranh của chúng bị đánh lạc hướng.
Ngay từ đầu năm 1972, Mỹ-Ngụy lần lượt gom về mặt trận Trị-Thiên khoảng 5 vạn
tinh binh cùng với những thiết bị quân sự hiện đại, nghênh ngang nghinh chiến
với ta. Hết báo động “vàng” đến báo động “đỏ”, nhưng kỳ lạ là đã gần đến mùa
khô mà không thấy phía ta có “động thái” gì. Tỏ vẻ tự đắc, bên kia đại dương
Tổng thống Mỹ bình thản đi nghỉ mát. Bên này, đại sứ Mỹ cũng ung dung rời khỏi
Sài Gòn đi thăm gia đình ở một quốc gia khác. Binh sĩ, tướng tá ngụy ra chiều
yên tâm vì “cộng quân” đã rút lùi xa “con đê ngăn chặn” nơi tuyến đầu Miền Nam
Việt Nam. Đâu nghĩ rằng thình lình trọng pháo của ta liên tiếp dội vào căn cứ
của địch đánh chí mạng lúc này. Cả 12 trận địa pháo của địch bị ngập chìm trong
biển lửa. Thừa thắng sau 5 ngày mở trận đánh phủ đầu, xe tăng của ta xuyên qua
khói lửa, rầm rập tiến vào đất lửa Quảng Trị cùng với sự nổi dậy của nhân dân
làm chủ các huyện Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa.
Bị
đánh thất điên bát đảo, địch lui về “tử thủ” ở căn cứ Đông Hà, Ai Tử, La Vang
và thị xã Quảng Trị. Gần một tháng sau, cuộc tấn công đợt 2 của ta đã nổ. Trước
từng đoàn quân quyết chiến quyết thắng của ta tiến nhanh như thác lũ, buộc địch
phải chuyển về thế co cụm nén quân. Nhưng đội hình địch càng lúc càng hoảng
loạn. Hàng trăm xe tăng địch mở đường máu chạy vào Huế bị ta “đón đầu”, xác
lính rơi vãi khắp đường. Ngày 01/5/1972 lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh
Tỉnh trưởng Ngụy quyền Quảng Trị. Quảng Trị được giải phóng, Mỹ-Ngụy vẫn chưa
hết hung hăng, bàn mưu tính kế phản kích để tái chiếm, trong đó mục tiêu chính
là thành cổ Quảng Trị. Và cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử thấm đẫm máu xương của
quân và dân ta đã diễn ra nơi này. Trong 5 vạn quân địch bị đánh tơi tả thì
26.400 tên bị xóa sổ, trong đó 10 ngàn tên đủ sắc lính bỏ mạng quanh thành cổ.
Hàng trăm, hàng trăm các “chiến xa”, máy bay, cỗ pháo…quân thù bị nòng súng của
ta phá hủy, bắn rơi…Truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân dân
Quảng Trị lại được phát huy hùng hồn nhất trong cuộc chiến quyết tử cho Tổ Quốc
quyết sinh tại nơi này…
Kết
cuộc thất bại thảm hại bởi đòn tấn công đầy yếu tố bất ngờ của ta, một phóng
viên hãng UPI của Mỹ đã tường thuật: “Tôi mới trải qua những ngày ở địa ngục
Quảng Trị để nhìn Cộng sản xiết chặt cái thòng lọng…Vì thị xã đã bị bao vây nên
máy bay lên thẳng là lối thoát duy nhất của 80 người Mỹ ở trong khu vực
này…”Đến khi tiếng súng chiến sự thành cổ Quảng Trị dần dần bặt im, nhiều vạn
tên địch lũ lượt bị tiêu diệt, ta đã chiếm giữ vẹn toàn từng tấc đất vùng giải
phóng, thì thêm một tờ Mỹ phải thảng thốt: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi
thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt Cộng
vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào của Mỹ lại giải
thích một cách đầy đủ…” Không giải thích đầy đủ hay đó là sự thất bại nhục nhã
mà Mỹ không đủ sức để biện hộ cho cuộc chiến tranh viễn chinh tại Việt Nam ?
Không có gì thật khó hiều đối với Việt Nam có quân đội từ nhân dân mà ra, vì
nhân dân mà chiến đấu, hy sinh thì kẻ thù nào lại không đánh thắng chứ ?! Có
ngày ở thành cổ, mỗi một công sự phải đánh trả từ 5 đến 13 lần phản kích của
địch; người trước ngã xuống, người sau đứng dậy, quyết không rời trận địa, bám
trụ tới cùng. Bên cạnh tinh thần gang thép là sự sáng tạo trong từng chiến
thuật, cách đánh hiệu quả khác nhau. Cây súng cối 60mm quá cỡ như thế mà chiến
sĩ ta đã kẹp nách gọn gàng, bắn liên thanh hàng chục quả. Từng quả lựu đạn rút
chốt tiếp cận sát miệng hầm địch mới thả. Không ít chiến sĩ chiến đấu đến hết
viên đạn cuối cùng, đã kịp dùng lưỡi lê giết hàng chục tên trước lúc hy sinh…
…Sau
ba mươi năm chiến tranh đang lắng về quá khứ, trở lại đất lửa Quảng Trị đã tươi
lên sắc màu cuộc sống mới. Thị xã Quảng Trị phát triển đi lên từ đổ nát, điêu
tàn, xây dựng mới ngày càng văn minh, hiện đại. Cứ điểm thị trấn Đông Hà của
địch, nay là thị xã Đông Hà, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị hiện lên sáng đẹp, sầm
uất những trung tâm thương mại, các siêu thị bên đường Quốc lộ 1A, nối liền với
đường 9 giao thương rộng mở. Thành quả hôm nay có được từ một chặng đường
trường kỳ chông gai, hiểm trở, muôn vàn thách thức của hôm qua. Trong ngược
xuôi, trong tất bật cuồn cuộn của mỗi cuộc đời hôm nay, hãy lắng lại tâm thức
về những tháng ngày vất vả, hy sinh của thế hệ một thời chắc tay súng bên mình,
góp xương máu làm nên một Quảng Trị anh hùng của một nước Việt Nam anh
hùng./.
Tháng
4/2004