Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Lưu đày thú hoang

VŨ VĂN
Vườn thú hồ Tuyền Lâm Đà Lạt từng nuôi trái phép và “tẩu tán” con voọc quý, một loài linh trưởng nguy cơ tuyệt chủng cao, nhưng đã bị báo chí phát hiện. Đây là một trong những hành vi thu mua trôi nổi thú hoang dã diễn ra trong nhiều năm qua tại đây. Vả lại thú được đưa về vườn nuôi đã không đảm bảo các điều kiện kỷ thuật, vệ sinh môi trường tối thiểu nên số đã chết lần lượt; số vẫn đang bị “lưu đày” ngắc ngoải.

Một ngày đầu xuân Giáp Thân, chúng tôi vào vườn thú hồ Tuyền Lâm trong vai là người đi du lịch. Một cảnh tượng xơ xác, hoang tàn đã hiện ra. Cây lá che phủ cho môi trường hít thở của thú quá thưa thớt, từng khối bê tông nặng nề, bức bối phong tỏa khắp chuồng trại. Những “ki ốt” ngay từ lối đầu vườn nhốt khỉ, nhím, các loài chim, công, phượng…lố nhố khập khễnh, che chắn bằng nhiều loại tấm bạt cũ kỹ, nhớp nhúa. Không nghe được thứ âm thanh “chim kêu vượn hót” lảnh lót như những vườn thú khác. Chỉ nghe vài tiếng the thé, yếu ớt của loài khỉ thoảng qua. Thay vì bán vé vào cổng, vườn thú chỉ “kêu gọi” khách mua các loại trái cây, hoa quả tại chỗ cho thú ăn. Giá cao gấp mấy lần bên ngoài đã đành; nhưng cứ thấy những nải chuối lớp chín héo vàng nhão choét, lớp xanh non tứa mủ bê bết đất mà thấy thương cho thú. Người con trai của bà Loan có mặt hôm ấy khoe rằng, năm nay khách du lịch cũng khá đông, mỗi ngày tết có 2,3 xe du lịch chở khách vào vườn thăm thú. Vườn có mười mấy người làm thuê là những lao động làm ruộng ở các tỉnh miền tây, về quê ăn tết xong lại lại lên tiếp tục…nuôi dưỡng thú (!)
Một “kho lương thực” cao ngất ngưởng dự trữ cho thú ăn đập vào mắt chúng tôi thật….choáng váng, ngợp ngụa. Nào củ cà rốt phủ đầy bùn đất nằm la liệt, rau muống héo úa chất đống vất vưởng ngoài sân vườn mặc cho ngày đêm mưa nắng. Một không khí xú uế, nồng nặc bốc lên đến ngạt thở. Phân thải của heo, nai, bò rừng…không được gom dọn hàng ngày mà để mà để “lót lưng” cho thú ngủ, khi nào đầy ứ lên sẽ cho chảy xả tự nhiên xuống chỗ ao hồ “sinh cảnh”, nước lợn cợn đen ngòm; rùa, rái bơi nổi lềnh bềnh. Chỗ này, một “anh” gấu to bự nhốt trong lồng cũi chật ních, đang cố ăn một thứ cháo “thập cẩm” đổ bừa dưới đất. Chỗ kia, “anh” báo ( beo) hết gầm gừ đến nằm vật vã trước những miếng thịt heo, bò đã bốc mùi hôi thối. Hỏi con sói lửa nuôi trước đây sao rồi, người con của bà Loan (đang bầm chặt rau muống cho thú ăn) trả lời: “Nó đã chết từ lâu rồi. Già tuổi quá mà” (?!)…    
Đó là những hình ảnh mắt thấy tai nghe của chúng tôi. Còn đây là kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và trung ương trong thời gian qua cho biết: Đây là trại nuôi thú hoang dã của ông Trần Văn Thuận được thành lập từ năm 1990. “Gốc” là tay thợ săn từng vào rừng tiêu diệt thú hoang từ thời chế độ cũ, ông Thuận lập vườn thú với lời tự bạch muốn thể hiện sự “sám hối” về “tội lỗi” đã gây ra với rừng. Đến năm 1994, ông Thuận ký lập hợp đồng với Phân viện sinh học Đà Lạt để “thuần hóa và nhập nội các động vật có giá trị thích hợp với vùng cao nguyên và núi cao”. Ngày 09-02-1998, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 329 đồng ý cho xây dựng một  trại nuôi, thuần dưỡng thú hoang dã tại gần khu du lịch hồ Tuyền Lâm, phường 3. thành phố Đà Lạt. Việc cho phép này cũng ghi rõ những mục đích: Phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và học tập, tạo thêm một điểm tham quan du lịch, góp phần cứu hộ động vật. Tuy nhiên để công nhận tư cách pháp nhân của vườn thú, Quyết định cũng đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải liên hệ với Sở kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, chấp hành nghiêm túc nghị định 18/HĐBT ngày 17-011992 và các quy định khác của nhà nước về xây dựng, đất đai và bảo vệ môi trường.
Nhưng khi quyết định trên ban hành thì không may ông Trần Văn Thuận qua đời vì một tai nạn giao thông. Ngày 12-8-1998, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 1979 đồng ý cho bà Nguyễn Thị Loan được thay chồng (ông Trần Văn Thuận) làm chủ đầu tư dự án “Trại gây nuôi và thuần dưỡng thú hoang dã khu du lịch Tuyền Lâm, phường 3, thành phố Đà Lạt”. Từ đó đến nay, người chủ đầu tư dự án này đã không hoàn tất các thủ tục thành lập doanh nghiệp, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, mà còn chấp hành không nghiêm những quy định của pháp luật về việc quản lý động vật hoang dã. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, vườn thú hồ Tuyền Lâm Đà Lạt này đã thu mua các tay thợ săn buôn bán trái phép ngoài thị trường đến nay đã nâng số thú tổng cộng có 160 con. Trong số này có 15 loài gồm 25 cá thể thuộc nhóm IB ( nghiêm cấm khai thác sử dụng) và 10 loài thuộc nhóm IIB ( hạn chế khai thác và sử dụng) theo Nghị định 18/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Chính phủ). Nhưng hiện tại đây không phải là con số cố dịnh, bởi số thú trong vườn luôn biến động theo từng thời điểm mà ít khi chủ vườn thực hiện đầy đủ việc trình kiểm khi tăng hay giảm đàn thú cho cơ quan kiểm lâm.
Ông Phong, Chi cục phó Chi cục Kiểm Lâm Đồng còn nói thêm: sau khi ông Thuận qua đời đến nay, vườn thú không có người đảm trách kỷ thuật chăn nuôi, chữa trị bệnh tật, nhân giống động vật hoang dã. Tình trạng thú nuôi bị chết, thú sinh sản ra cũng chết diễn ra số nhiều. Cơ sở vật chất và mô hình trình diễn hiện tại của vườn thú chưa thể trở thành điểm tham quan du lịch với ý nghĩa giáo dục, bảo tồn thiên nhiên. Và trong chừng mực nào đó, có thể coi vườn thú này là một điểm trung gian hợp pháp, góp phần thúc đẩy việc…kinh doanh trái phép động vật hoang dã trên địa bàn.
Đáng nói hơn, ngày 11-01-2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 119, gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh này “chấm dứt sự tồn tại của cơ sở nuôi thú này (vườn thú của bà Loan-NV), đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các địa điểm có nuôi hoặc sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh theo tinh thần chỉ thị 359/TTg ngày 29-5-1996 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 18/HĐBT ngày 17-01-1992 của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là chính phủ) ”: Rất tiếc đề nghị này vẫn chưa thực hiện đầy đủ tại Lâm Đồng. Và vườn thú của bà nguyển Thị Loan vẫn hoạt động, “lưu đày” thú hoang một cách bình chân đến…khó hiểu (?!)./.
Tháng 02/2004