Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Xuân Sơn, tháng bảy này…

Ghi chép VĂN VIỆT
Nhớ ơn đức những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, người dân Xuân Sơn, Xuân Trường (Đà Lạt) hàng năm tổ chức giỗ tưởng niệm vào ngày 27-7 thật trang trọng. Trong hương khói ấm cúng, người làng được báo công, được dâng hương khấn nguyện cho sự bình an, thịnh vượng nơi xóm làng mình, đất nước mình.
 

CHỘN RỘN SỬA SANG


Đây là năm thứ tư, người dân Xuân Sơn chộn rộn lo cho ngày giỗ anh hùng liêt sĩ của thôn ngay từ những ngày đầu tháng 7. Được chính quyền các cấp nhất trí tạo mọi điều kiện thuận lợi, người dân chọn được một diện tích đất chừng trăm mét vuông tọa lạc ngay trung tâm dân cư để xây dựng hội trường thôn. Bí thư chi bộ thôn, Nguyễn Đức Thị Hòa thật lòng :”Thôn Xuân Sơn chúng tôi là thôn nông nghiệp, đời sống mới vượt ngưỡng khó khăn vài năm nay. Với tinh thần vì nghĩa cử chung, người góp tấm ván, người góp bao cát theo khả năng…đã xây dựng, đưa vào sử dụng hội trường thôn cách đây bốn năm…”
Hội trường thôn Xuân Sơn tọa lạc trên ngã ba này, nối liền với ba nhánh đường trải nhựa rộng thoáng với quốc lộ 20B và khu dân cư. Thiết kế hội trường với những bộ bàn ghế dài, đậm chất dân dã cho hội họp định kỳ hoặc bất thường đối với tất cả các đoàn thể chính trị-xã hội trong thôn tổ chức. Giành tầng gác phía bên trên, bà con trong thôn xây dựng một phòng truyền thống. Mọi người đều có trách nhiệm, bổn phận tập hợp những di ảnh của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã qua đời, về đưa lên bàn thờ tập thể. Đây là một bàn thờ lớn, trông thật đơn sơ với tấm gỗ ván nhà quê, nhưng tràn đầy ý nghĩa. Lá cờ Đảng, cờ Tổ Quốc, hình lãnh tụ Hồ Chí Minh rực đỏ, ngời sáng gian thờ. 
Quây quần xung quanh là hàng hàng ngay ngắn di ảnh anh hùng liệt sĩ  đã ngã xuống cho quê hương Xuân Sơn. Bình lư hương bằng gốm tráng men của xứ miền Trung, ngày ngày hương hoa tỏa quyện, tưởng vọng hương hồn các anh, chị liệt sĩ về sum họp đông đủ nơi đây.  Bác Lê Vũ, người chồng của cựu tù chính trị thời chống Mỹ–đang trông coi gian thờ-bảo rằng, tháng bảy năm nay  là tháng chộn rộn nhất của người dân Xuân Sơn lo cho ngày giỗ 27/7. Dần dần như một phong tục đẹp hàng năm, người chung tay chỉnh trang mái tôn, vách ván, nền nhà của hội trường; người cặm cụi đánh sáng lại bộ lư đồng trên bàn thờ; người chuẩn bị được luống rau, nuôi được con gà vườn…góp vào ngày giỗ…

NÊU GƯƠNG SÁNG

Giỗ năm nay, người nữ thanh niên khiếm thị tên là Trần Thị Minh Tuyết, sinh năm 1979, từ Sài Gòn lại được về thăm quê Xuân Sơn. Tuyết có người bác ruột đi chống Mỹ, không biết được chính xác ngày hy sinh nên họ hàng chọn ngày 27-7 hàng năm để giỗ. Giỗ chung ở thôn rồi về giỗ thêm một ngày nữa ở họ tộc. Tuyết là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, chinh phục bóng đêm tật nguyền, trở thành con ngoan trò giỏi từ lúc trẻ nhỏ.  Lên 7 tuổi, Tuyết vô tình nghịch phải một “món đồ chơi” là một kíp nổ cài dính trong chiếc bàn sắt của người cha lấy về tận dụng từ chiến trường. Kíp phát hỏa một tiếng nổ không lớn, nhưng một làn khói thuốc đen đã thiêu cháy đôi mắt Tuyết. Tuyết bị mù vĩnh viễn. Bằng một nghị lực phi thường, Tuyết được gửi về Sài Gòn học trung học cơ sở chung với những học sinh đồng cảnh. Càng học càng giỏi, lên trung học phổ thông, Tuyết được tuyển vào trường công lập học bình thường như những học sinh khác. Thi đỗ tú tài rồi thi đậu vào một lúc 02 trường đại học là trường sư phạm và trường xã hội nhân văn. Tốt nghiệp khoa ngoại ngữ của trường đại học khoa học xã hội nhân văn với loại khá, Tuyết được một công ty kinh doanh nước ngoài tại Sài Gòn nhận về làm việc với mức lương cao.  “Hồi được tin cháu Tuyết là người khiếm thị của Xuân Sơn thi đỗ vào Đại học, ông Chủ tịch thành phố Đà Lạt, Nguyễn Tri Diện quyết định cấp học bổng cho cháu Tuyết cho đến khi cháu ra trường. ”- ông Trần Văn Nhĩ, ba của cháu Tuyết kể.
Tấm gương chiến thắng tật nguyền, học giỏi của Trần Thị Minh Tuyết, thường được nêu lên trong ngày sum họp giỗ chạp này để lớp học sinh đàn em noi theo. Dịp này cũng vào tháng hè, khoảng 50 học sinh trung cấp, cao đẳng, đại học từ nơi xa cũng về quê Xuân Sơn. Thôn có chi hội khuyến học, sinh hoạt ngày càng thiết thực hơn. Chi hội trưởng Chi hội khuyến học là thương, bệnh binh Trương Quang Thu có 4 người con đều đang học khá ở cấp phổ thông trung học . Ông Thu còn là một gương sản xuất giỏi của Xuân Sơn với thu nhập hàng năm trên 2 ha trồng chè, cà phê, rau…hàng trăm triệu đồng.
Tôi cũng được dẫn vào khu vườn cà phê trĩu quả rộng hơn 2,5 ha của thương binh Trần Thoàn, 58 tuổi. Từ năm 16 tuổi, Trần Thoàn đã tham gia làm liên lạc cho cách mạng tại Xuân Sơn. Vài năm sau được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Là thương binh 4/4, ông luôn nuôi quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu. Trần Thoàn chân tình: “Tôi có 2 đứa con trai lớn đã tốt nghiệp đại học. Nhờ đất cà phê này, con tôi mới thành đạt được sự học.”  
Chủ tịch xã Xuân Trường, Hà Phước Ta đánh giá chung: “Thôn Xuân Sơn có gần 200 hộ dân, trong đó hơn 90% gia đình tham gia cách mạng cả hai thời chống Pháp và chống Mỹ. Truyền thống này, người dân luôn biết giữ gìn và phát huy. Và trên hết đây là giá trị thiêng liêng, là niềm tự hào của mỗi người dân trong hàng trang xây dựng cuộc sống mới đi lên đàng hoàng hơn, to đẹp hơn của mình. ”
Tháng 7/2006