Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

“Đổi màu” cà phê ở vùng xa

VĂN VIỆT
Từ miệt vườn sông nước miền Tây Nam lên xã Lộc Quảng, Bảo Lâm ( Lâm Đồng) lập nghiệp, một “Hai Lúa” đã chọn lọc từ giống cà phê địa phương nhân thành giống cà phê đầu dòng mới khá thành công. Trồng đại trà giống mới này, người nông dân Lộc Quảng đã “đổi màu” cà phê xanh đậm quanh năm, trái đậu trĩu cành…

Chạm chân đến đất Lộc Quảng nói chuyện tăng năng suất cà phê là người ta nhắc đến ông chủ vườn ươm Lưu Công Bình tuổi sắp tứ thập. Hôm tôi đến một ngày mưa dầm, đường bùn lầy lội vẫn gặp nhiều khách hàng vào ra mua giống cây. Khách hàng không chỉ ở xã Lộc Quảng, ở nhiều địa phương khác trong huyện Bảo Lâm, trong tỉnh Lâm Đồng và mà còn có cả các tỉnh Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tất cả khách hàng đều tự tìm đến vườn ươm mua giống. Mua bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu rồi chất cây giống lên xe chở đi. 
Không có khách hàng nào ký kết hợp đồng đặt trước cả. “Tôi bán giá cây giống theo từng thời điểm, thường thấp hơn các nơi cung cấp giống khác. Chủ yếu tôi lấy công làm lời là chính. Từ 3.000 cây giống bán năm đầu lập vườn ươm, hàng năm tôi tăng dần từ 10 ngàn đến 50ngàn rồi đến 100 ngàn cây. Và đến năm nay sản xuất 300ngàn cây. Năm nào cũng vậy. Sản xuất số lượng cây tới đâu vườn tôi cũng bán hết tới đó… ” – Chủ vườn Lưu Công Bình nói.
Nhớ lại gần mười lăm năm lên Lộc Quảng mua đất cà phê già cỗi, Lưu Công Bình phải quần quật ngày đêm với đất để vượt nghèo. Nhờ đất mới không phụ công người nên chẳng lâu sau từ vài sào đất cà phê ban đầu, Lưu Công Bình đã “nhân rộng” diện tích lên 05 ha thuần giống cà phê đầu dòng robusta. Trong đó gồm 4,5 ha cà phê kinh doanh và 0,5 ha vườn ươm. Đến khu đồi cà phê của Bình vào mùa đâm cành nẩy lá thì xanh kín; mùa hoa nở thì trắng xóa một vùng; mùa đậu trái thì ken dày thì gốc đến ngọn. Bình nói phải mất hơn 05 năm tự mày mò nghiên cứu mới tạo được giống mới khỏe mạnh như vậy. 
Đầu tiên, Bình dạo khắp các khu đồi cà phê trong xã Lộc Quảng tìm những mầm chồi tốt nhất về ghép với cà phê già trong vườn mình. Rồi cứ sau vụ mùa thu hoạch, Bình lại chọn chồi mới ghép với gốc cũ cho đến vụ mùa đạt sản lượng cao nhất mới thôi.
Vừa sản xuất giống mới vừa thực nghiệm trên chính mảnh vườn 4,5 ha của mình, vườn cà phê giống mới của chủ vườn ươm Lưu Công Bình hiện nay đạt từ 05 tấn- 06 tấn/ha. Tính riêng vườn ươm rộng 0,5 ha, Lưu Công Bình sản xuất thành 03 giống cà phê đầu dòng là hạt trồng, hạt ghép và chồi ghép. Thời gian thu trái bói là 04 năm đối với hạt trồng và hạt ghép; 01 năm đối với chồi ghép. Thống kê sơ bộ có khoảng 200 ha cà phê của nông dân xã Lộc Quảng đã và đang thu hoạch, trồng mới từ các giống cà phê đầu dòng này. Ông Phạm Văn Mạnh, một hộ nông dân ở thôn 7, xã Lộc Quảng cho biết, giống mới cà phê của vườn ươm Lưu Công Bình có  những đặc tính nổi trội so với những giống cà phê gieo ươm, chiết ghép thông thường khác.
 Đó là khả năng kháng bệnh rỉ sét, bệnh mọt đục cành...khá hiệu quả. Gặp thời tiết mưa dài ngày, bông vẫn nở đều và tỉ lệ thụ phấn cao. Cây tự do phát tán cành và cành nào khi thu hoạch cũng dày đặc quả. Mua chồi cà phê ở đây, Ông Mạnh đã ghép đồng loạt trên 1,5ha, năm ngoái thu bói đạt khoảng 4,5 tấn. Năm nay ước tính sẽ thu được cả thảy từ 7,5 tấn đến 8 tấn.
Trước nhu cầu khách hàng đến mua giống cà phê của mình ngày một tăng nhanh, ông chủ Lưu Công Bình đang mở rộng diện tích vườn ươm lên hơn 01 ha. Mùa xuống giống cà phê năm sau sẽ dự kiến sản xuất khoảng 01 triệu cây giống các loại. 
Ông Lê Chí Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Quảng, Bảo Lâm ( Lâm Đồng) đánh giá : “Vườn ươm của ông Lưu Công Bình là mô hình điểm về sản xuất giống cà phê đầu dòng của xã Lộc Quảng. Hàng năm Hội Nông dân xã Lộc Quảng đều tổ chức hội nghị đầu bờ để nông dân trong xã tham quan, nghiên cứu, học hỏi về kinh nghiệm sản xuất và trồng giống cà phê thế hệ mới ở đây ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn… ”./.  
Tháng 8/2009