VĂN VIỆT
Mạnh dạn bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua giống hồng môn từ
châu Âu về trồng kinh doanh, ông Nguyễn Văn Đông ở đường Vạn Kiếp, Đà Lạt đã
tạo dựng và phát triển thương hiệu “Hoa Đông Nga” của mình.
Ông
Đông năm nay đã chạm ngưỡng tuổi lục thập, vốn là một nhà nông sinh sống bằng
nghề trồng các loài hoa nhà kính như đồng tiền, bi bi, cẩm chướng, cúc, sao
tím… Cách đây hơn một thập niên, ông Đông là một trong những nhà nông sản xuất
giỏi của Đà Lạt được tham gia vào đoàn tham quan, nghiên cứu dài ngày tại hội
chợ quốc tế triển lãm nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông chú ý
đến những loài giống hoa chưa thấy trồng ở Đà Lạt, trong đó có giống hồng môn
nguồn gốc từ châu Âu. Ông Đông kể lại: “Với Đà Lạt bấy giờ chỉ có hoa hồng môn
màu cam đỏ, cánh hoa nhỏ, cành nhỏ, thân cây thâm thấp sát mặt đất. Khi tham
quan hội chợ nông nghiệp quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, thấy hoa hồng môn
châu Âu với cây cao lớn hơn hai mét, hoa nở to, rực rỡ những sắc màu như trắng,
đỏ, xanh, nâu, đã lôi cuốn tôi quyết định bỏ vốn ra mua cây giống về trồng thử
nghiệm…”.
Thời điểm đó rất khó vay vốn để sản xuất, ông
Nguyễn Văn Đông huy động vốn trong gia đình khoảng 7 cây vàng, đủ mua 6 ngàn
cây giống hồng môn cấy mô của châu Âu đưa về trồng trên 0,5 sào vườn nhà. Đây
là phần diện tích vừa thu hoạch xong lứa hoa cúc nhà kính, ông chuyển sang tạo
luống trồng hồng môn châu Âu. Nhưng trước khi đưa hồng môn châu Âu ra trồng
thành từng luống, ông Đông ươm tập trung trên vài chục mét vuông, nuôi dưỡng
cho cây cao từ mười phân trở lên. Đưa cây ra trồng trên luống, mỗi luống được
dựng lên vách ngăn bằng các vật liệu gạch xây, tấm đan xi măng đúc sẵn, hoặc
những thanh gỗ, miếng tôn cắt ra với chiều cao trên dưới 0,3 mét. Chiều ngang
mỗi luống từ 1 mét đến 1,5 mét. Khoảng cách giữa hai luống khoảng 0,8m. Giá thể
là vỏ cà phê và than vỏ trấu tự đốt, phủ đều trên luống với bề dày khoảng 0,3m
rồi ban ra thành từng rãnh nhỏ, đặt từng hàng cây hồng môn xuống, phả bằng giá
thể trở lại trên bề mặt. Để tìm ra những kỹ thuật trồng hồng môn châu Âu như
vậy, ông Nguyễn Văn Đông đã phải sưu tầm khá nhiều tài liệu hướng dẫn, kể cả
những tài liệu từ tiếng nước ngoài.
“Không ngờ chỉ sau tháng đầu tiên trồng với khí
hậu Đà Lạt, hồng môn châu Âu đã phát triển xanh tốt thấy rõ; chăm sóc lại đơn
giản hơn nhiều so với những quy trình hướng dẫn từ các tài liệu ở nước ngoài…”
- ông Đông khẳng định. Và theo đó, giàn che mưa che nắng cho hồng môn châu Âu
chỉ là những tấm lưới màu xanh đen giá rẻ. Những tháng Đà Lạt mùa mưa thì hầu
như không cần tưới nước. Còn mùa nắng thì chỉ tưới mỗi tuần từ 1 - 2 lần, tưới
phun bằng hệ thống nước tự động, rất ít tốn công. Việc sử dụng các loại phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật trên hồng môn châu Âu cũng rất hạn chế. Mỗi tuần chỉ
bơm phân dinh dưỡng trên hoa, lá một lần là đủ liều lượng. Đến 3 tháng mới bón
phân hữu cơ dưới phần gốc cây một lần.
Sau 2 năm trồng thử nghiệm hồng môn châu Âu, ông
Nguyễn Văn Đông cắt hoa chào bán ra thị trường trong và ngoài Đà Lạt, đã nhận
được sự ưa chuộng từ lô hàng đầu tiên. Từ đây, ông tự nhân giống, mở rộng diện
tích hồng môn châu Âu trồng tại vườn nhà ở số 35, đường Vạn Kiếp, Đà Lạt, từ
0,5 sào ban đầu đã lên đến 01 sào. Tiếp theo, ông Nguyễn Văn Đông vào thôn Đạ
Nghịt (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), sang nhượng lại 2 sào đất để trồng tiếp hồng
môn châu Âu. Đến nay cứ mỗi tuần, ông Nguyễn Văn Đông thu hoa hồng môn châu Âu
bán một lần. Số lượng hoa thu được không đủ bán, thương hiệu “hồng môn Đông
Nga” của ông Nguyễn Văn Đông ở Đà Lạt dần dần trở thành điểm đến cạnh tranh thu
mua của giới buôn sỉ từ Đà Lạt đến thành phố Hồ Chí Minh. Tính thời điểm giữa
tháng 9/2011, hoa hồng môn châu Âu bán tại vườn hoa Đông Nga, Đà Lạt mỗi cành
là 4 ngàn đồng. Nhân với trung bình mỗi sào mỗi năm thu 60 ngàn cành, đạt tổng
doanh thu khoảng 240 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi sào hồng môn châu Âu
trồng tại vườn hoa Đông Nga, Đà Lạt đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, hồng môn châu Âu là
loại hoa cắt cành cao cấp, nhưng nông dân đều trồng được dễ dàng với điều kiện,
thổ nhưỡng của Đà Lạt và những vùng phụ cận trong tỉnh Lâm Đồng như Lạc Dương,
Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà. Vài năm gần đây, ông Đông cũng đã sản xuất giống
hồng môn châu Âu bán, nhưng số lượng nông dân mua về trồng cũng chưa nhiều. Ông
Đông nói: “Trồng hồng môn châu Âu hiện nay đầu tư mỗi sào trên trăm triệu đồng.
Trồng đến năm thứ 3 mới bắt đầu thu hoạch và thu hồi được vốn đầu tư. Bắt đầu
năm thứ tư trở đi mới thu được lãi. Có lẽ đầu tư dài hạn như vậy nên đa số nông
dân vẫn chưa nghĩ chuyển đổi trồng mới đại trà cây hoa này...”.
Thứ Tư, 14/09/2011
(GMT+7)