VŨ VĂN
Chống
trả trong thế yếu hơn nhưng gây thiệt hại lớn hơn bên tấn công có đủ yếu tố là
phòng vệ chính đáng? Câu hỏi vẫn chưa có “kết luận chung thẩm” trong một diễn
biến vụ án sau đây ở Lâm Đồng.
CUỘC HỖN CHIẾN
Kết
quả điều tra đã xác định: Ngày 20/10/2001, Trần Ngọc Cường (1970) dẫn đầu 4
người trong họ hàng là Nguyễn Văn Minh Châu, Khuất Duy Linh, Trần Thanh Hùng và
Trần ngọc Thọ (sinh từ năm 1979 đến năm 1962) cầm cây gậy từ xã Tân Châu đến xã
Tân Nghĩa (Di Linh, Lâm Đồng) để…giải quyết mâu thuẫn với gia đình ông Voòng
Tắc Phí. Đến nơi, Châu xông vào nhà vung gậy đánh Phí đang lúc ngồi uống nước
một mình. Phí vụt chạy vào sau góc nhà cầm con dao và gọi 2 người con là Voòng
Vẩy Khiền (con ruột) và Nguyễn Xuân Cường (con nuôi) đang nằm chơi ở phòng
trong và trên gác xếp cầm gậy chạy ra tiếp ứng. Lúc này bà Lý A Mùi (vợ Phí) vừa đi làm về liền bị “bên tấn công”
đánh ngất xỉu tại cửa bếp. Phí xông ra “tả xung hữu đột” nhưng bị đánh rớt con
dao. Lập tức, Phí đoạt lại đối phương cây gậy và cùng Khiền, Xuân Cường cũng
cầm gậy lao vào sân đánh túi bụi với “bên tấn công”. Hỗn chiến xảy ra từ 3 đến
4 phút. Hậu quả “bên tấn công”: Trần Ngọc Thọ chết do chấn thương sọ não vùng
đỉnh máu tụ dưới màng cứng thái dương, phù não nặng; Khuất Duy Linh 38% thương
tật; Trần Thanh Hùng bị gãy tay nhưng không đi giám định; Trần Ngọc Cường,
Nguyễn Minh Châu bị thương nhẹ. “Bên chống trả”: Tỉ lệ thương tật Voòng Tắc Phí
22%; Nguyễn Xuân Cường 12% và Lý A Mùi 8%.
PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG?
Ngày 19/11/2002, Tòa sơ thẩm
huyện Di Linh xử phạt Trần Ngọc Cường, Nguyễn Văn Minh Châu, Khuất Duy Linh,
Trần Thanh Hùng từ 30 tháng tù đến 48 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”
theo khoản 2, điều 104, BLHS như cáo trạng đã truy tố. Nhưng phần truy tố
tội “cố ý gây thương tích do vượt quá
giới hạn phòng vệ chính đáng” đối với Voòng Tắc Phí và Nguyễn Xuân Cường theo
khoản 2, điều 106, BLHS, Tòa tuyên không phạm tội vì cho đó là hành vi phòng vệ
chính đáng.
Theo lập luận của án sơ thẩm nói
trên, phía “bên tấn công” có 5 người từ 32-35 tuổi, đều sử dụng cán cuốc (công
cụ phạm tội) dài 1m trở lên ( có 3 cán cuốc đầu bịt sắt). “Bên chống trả ” chỉ
có 3 người: Phí 53 tuổi, cầm 1 con dao phát dài 60cm, lưỡi dài 30cm nhưng bị
ngăn lại khi vừa đưa lên gạt đỡ; Khiền 19 tuổi,
Xuân Cường 18 tuổi sử dụng 1 cây gậy cà phê và 1 cây gậy tre và chỉ ra
“tự bảo vệ” khi bà Mùi đã bị đánh ngất xỉu. Bên Phí không thể nhận thức và phân
biệt được hành vi chống trả như thế nào là vượt quá mức cần thiết. Hai bên đánh
nhau hỗn loạn. 1 người có thể đánh trúng nhiều người hoặc nhiều người bên này
có thể đánh trúng 1 người của bên kia. Thời điểm Ngọc Cường cùng đồng bọn chấm
dứt tấn công thì Phí, Khiền, Xuân Cường cũng đã hết đánh trả. Kết thúc “cuộc
chiến”, Phí bị đánh ngất xỉu trước sân nhà. Các vết thương để lại trên người
Trần Ngọc Thọ, Khuất Duy Linh, Trần Thanh Hùng, Voòng Tắc Phí, Lý A Mùi, Nguyễn
Xuân Cường là do các bên gây ra mà không thể xác định cụ thể ai gây thương tích
cho ai. Thọ chết, Linh bị thương nặng là ngoài ý muốn của gia đình Phí. Biện
pháp chống trả của Phí và 2 người con là cần thiết, bảo vệ lợi ích chính đáng của
mình và gia đình mình. “Bên tấn công” bị thiệt hại lớn hơn là hoàn toàn là lỗi
tự chủ động gây ra xâm nhập vào nhà ông Phí…
Viện Kiểm sát huyện Di Linh kháng
nghị xử theo hướng buộc tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng” đối với Phí và Xuân Cường. “Bên tấn công” cũng kháng cáo không đồng
ý với bản án sơ thẩm. Ngày 20/8/2003, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên xử
“y án” về tội “cố ý gây thương tích”; hủy phần tuyên bố Voòng Tắc Phí, Nguyễn
Xuân Cường không phạm tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng”, giao cấp sơ thẩm điều tra, giải quyết lại theo thủ tục chung. Đi
đến quyết định này, Toà phúc thẩm nhận xét: Tuy xảy ra cùng lúc nhưng tính chất
của hai nhóm hành vi tấn công và chống trả khác nhau, cấp sơ thẩm xét xử trong
cùng một vụ án là không đúng. Để đánh giá hành vi phòng vệ chính đáng hoặc vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng cần phải xác định lại mâu thuẫn giữa hai bên
(chưa thu thập tài liệu chứng minh phía Trần Ngọc Cường ăn cắp tài sản của phía
Voòng Tắc Phí); chưa làm rõ tính chất đánh trả sự tấn công của phía Phí như thế
nào, trong tình trạng sức khoẻ ra sao. Cáo trạng truy tố Phí và Xuân Cường chỉ
dựa vào lời khai của chính bị cáo nhưng trước, sau lại không nhất quán …
“Phòng vệ chính đáng ” của án sơ
thẩm bị hủy. Kháng nghị “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng” của Viện Kiểm sát không được chấp nhận. Công việc điều tra đang trở
lại từ đầu và vì thế vụ án trên chưa thể khép lại ở đây./.
Tháng 9/2003