VŨ VĂN
Kể từ
ngày thương binh Trần Văn Thiện (thôn Nghĩa Hiệp, Đức Trọng, Lâm Đồng) bị khởi
tố, bắt giam, xét xử hết sức vô lý đến nay đã hơn 3 năm, hàng chục bài báo trên
các tờ báo địa phương Lâm Đồng, TP HCM và báo trung ương lên tiếng nhưng cơ
quan tố tụng ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng vẫn bất chấp, thậm chí có những quan
điểm đánh đố với công lý. Phiên tòa lần thứ 4 ngày 22-7-2004 của TAND huyện Đức
Trọng xét xử sơ thẩm vừa qua, lần nữa bộc lộ rõ sự định tội khiên cưỡng như đã
từng diễn ra.
Vụ
án có thể được tóm tắt lại như sau: Năm 1996, cấp ủy, hội đồng nhân dân xã Liên
Hiệp ( Đức Trọng, Lâm Đồng) có nêu trong nghị quyết rằng, cố gắng đưa điện hạ
thế về nhân dân thôn Nghiã Hiệp sử dụng sớm nhất. Ban nhân dân thôn gồm 4 người
là ông Nguyễn Đức Thao, Thôn trưởng; ông Trần Văn Thiện, ông Nguyễn Duy Khoa
“đồng” Thôn phó và ông Tằng A Tài, an ninh thôn cùng “rủ nhau” đứng ra vận động
nhân dân góp tiền, thuê điện lực về thiết kế, xây dựng. Họ tự phân công ông
Thao chịu trách nhiệm chính, ông Thiện lo việc thu-chi; ông Tài và ông Khoa vận
động thu tiền trong dân đóng góp. Đôi bên thỏa thuận theo hình thức khoán gọn,
lời ăn lỗ chịu. Đang lúc nghiệm thu, quyết toán xong 2 bình hạ thế và tiếp tục
lắp đặt bình hạ thế thứ 3 thì thanh tra huyện sốt sắng “nhảy” vào. Kế tiếp là
công an huyện. Lập tức sau đó-ngày 24-4-2001, ông Thiện bị “đẩy” vào vòng tố
tụng hình sự oan khuất mãi đến ngày nay…
Thương
binh Trần Văn Thiện bị giam 69 ngày (từ ngày 27-4-2001 đến ngày 04-7-2001) mới
cho tại ngoại. Ngày 02-4-2002, TAND huyện Đức Trọng xử phạt Trần Văn Thiện 6
tháng “tù treo” về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngày 19-6-2002,
TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án này để điều tra lại.
Ngày 28/5/2004, TAND huyện Đức Trọng xử sơ thẩm lần 2 và…hoãn. Đến ngày
22-7-2004, TAND huyện này tiếp tục xử sơ thẩm, tuyên án phạt Trần Văn Thiện 18
tháng “tù treo” về một tội mới “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Bản án này đang bị kháng cáo, dư luận phản ứng gay gắt.
Mớm cung, dụ cung và…gò ép chứng
cứ
Trong
phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Đức Trọng ngày 22-7-2004 vừa qua, người “diễn
xuất” thô kệch nhất là công tố viên Nguyễn Ngọc Quang. Rất đông người dự khán
phiên tòa đã nhiều lần không thể kiềm chế những tiếng chặc lưỡi phản ứng sau lý
lẽ dẫn dụ của vị kiểm sát viên này. Để nhất nhất bảo vệ cáo trạng “mới”, công
tố Quang đã “lao” vào lối suy đoán, tìm kiếm từng con số nhỏ cốt để cộng đủ số
tiền đã truy tố ông Thiện chiếm đoạt hơn 24 triệu đồng, (!?!). Tập trung nhất
là khoản14 triệu đồng ông Thao tự khai đưa cho ông Thiện mà không có giấy biên
nhận nào, nhưng công tố Quang luôn dồn dập “mớm”: Ông nghe ông Thao nói đến nhà
ông Thiện bàn việc điện phải không? ( hỏi nhân chứng). Vậy tức là ông Thao để
gói tiền trên bàn nhà ông Thiện rồi giao trách nhiệm cho ông Thiện lên điện
lực? Cứ hỏi “gợi” như thế, nhân chứng Khoa và Tài gật đầu cho xong thì vị công
tố liền “chộp” ngay cơ hội để “chốt”: “Nghiã là thấy ông Thao mang 14 triệu
đồng đến nhà ông Thiện để giao cho ông Thiện liên hệ với điện lực”!
Ưu
ái nhất là Nguyễn Đức Thao. Khi hỏi ông Thiện vay tiền bên ngoài để làm công
trình điện, ông Thao trả lời ngắc ngứ: “Tôi biết ông Thiện vay rất nhiều…” thì
sợ “bể dĩa”, vị công tố này ngắt lời ngay: “Có nghiã là ông không được bàn bạc,
không biết phải không”. Trả lời: Dạ đúng ( tất nhiên?!). Kết luận: “Vậy cám ơn
ông. Mời ông ngồi xuống (?!)”
“Vụng”
hơn đối với vị công tố này là kiểu gò ép chứng cứ công khai trước tòa. Để cáo
buộc ông Thiện nhận 14 triệu đồng theo lời khai ông Thao, vị công tố đã gạt phăng
những căn cứ mà ông Thiện và nhiều nhân chứng đưa ra như: lời cam đoan của linh
mục xứ Nghiã Lâm có cho ông Thiện mượn 8 triệu đồng trong giai đoạn xây dựng
nhà thờ; khoản ông Thiện nhờ bà Hoa Quyền vay giùm và tiền nhà bỏ ra…Lộ liễu
nữa là việc vừa bác bỏ, vừa phớt lờ nhiều khoản chi hoẵc đủ giấy tờ chứng minh
hoặc rất hợp lý của ông Thiện. Chẳng hạn vị công tố hỏi bà chủ quán có biên lai
nào thể hiện ông Thiện cùng tổ điện hay nhân công làm điện đến đây ăn uống
không? Chao ôi! Cái quán cóc ở thôn quê Nghiã Hiệp bán từng gói mì tôm cũng
phải có hóa đơn bán hàng mới chấp nhận là chứng cứ hay sao?
Cứ
thế-hết mớm cung, dụ cung đến gò ép chứng cứ kéo dài suốt cả ngày 22-7-2004 vừa
qua, kiểm sát viên Nguyễn Ngọc Quang đã “hoàn thành” được quan điểm: Tăng khoản
thu tiền điện trong dân; giảm tối đa khoản chi cuả ông Thiện, từ đó “kết” rằng,
ông Thiện đã chiếm đoạt 24.080.672đồng gồm: 19.865.672 đồng tiền chênh lệch
trong cân đối thu-chi và kê khai quyết toán khống 4.215.000đồng (?!)
Vì “vướng”…69 ngày giam oan (?!)
Rõ
ràng qua thẩm vấn công khai trước tòa sơ thẩm lần thứ 2 của TAND huyện Đức
Trọng cho thấy, cơ quan điều tra đã vi phạm nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị
cáo và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội ( Điều 9, điều 10, Bộ Luật Tố tụng hình sự
năm 2003). Đáng tiếc bản án sơ thẩm lần thứ 2 đã chấp nhận theo kết quả điều
tra thiếu khách quan, phiến diện và không đầy đủ của cơ quan điều tra. Có chăng
chỉ “bớt” 3.639.672 đồng, xử phạt bị cáo Trần Văn Thiện 18 tháng “tù treo” vì
đã chiếm đoạt là 20 triệu 441ngàn đồng và “có thời gian cồng hiến” cho đất
nước (?!).
Bản
án sơ thẩm lần thứ 2 đã tuyên như trên-một lần nữa gây bất bình trong dư luận.
Sau các lần hủy, hoãn để điều tra từ đầu, cơ quan điều tra của huyện Đức Trọng
đã cố hết sứ để vá víu, chắp nối, song vẫn không thể “truy” ra đủ các yếu cấu
thành tội phạm, các chứng lý đưa ra hoàn toàn non yếu, thiếu thuyết phục; rồi
thay đổi từ tội danh “lạm dụng tín nhiệm…” sang tội danh “lạm dụng chức vụ…”
đối với Trần Văn Thiện, một thành viên của ban điện, không được ai bổ nhiệm,
làm việc tự nguyện…lại càng bộc lộ sự lủng củng trong việc xác định sự thật của
vụ án này. Báo chí bao nhiêu lần đặt vấn đề rằng, đây là một quan hệ dân sự khá
rõ nét, có thắc mắc, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hoặc ngoài hợp
đồng thì cán cân công lý phải đặt vào Hội đồng xét xử dân sự; chứ không thể là
Hội đồng xét xử hình sư. Phải chăng vì “vướng” 69 ngày giam giữ ông Trần Văn
Thiện mà buộc cơ quan tố tụng phải xử ép để tránh phải bồi thường oan sai?
Trong
phạm vi bài viết này không thể tường trình hết những diễn biến của việc thẩm vấn, tranh tụng công khai, trong đó
có lập luận sắc bén của luật sư, sự cam kết của nhiều nhân chứng, cũng như
nhiều bằng chứng khác chứng tỏ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trần
Văn Thiện lại lần nữa thiếu căn cứ, “mắt thường”, “tai thường” nhìn và nghe rất
dễ dàng. Sự thật này-rất tiếc khi hội đồng xét xử của phiên tòa sơ thẩm đó đã
bác bỏ; ngược lại chỉ viện dẫn theo những cáo buộc “khôi hài” của vị công tố.
Dư luận đã bất bình nay càng bất bình hơn!
Hy vọng rằng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ
loại trừ những kết buộc áp đặt, chủ quan, chứng cứ một chiều như 2 bản án hình
sự sơ thẩm mà tòa án huyện Đức Trọng đã tuyên trong vòng 3 năm qua. Và lòng tin
của nhân dân đối với pháp luật nhà nước được khôi phục trở lại khi một bản án
phúc thẩm công minh, tôn trọng sự thật, không làm oan người vô tội tuyên xử đưa
ra phán quyết !
Tháng 8/2004