Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Một tuần rủi ro nằm khoa Ngoại

VĂN VIỆT

Đầu tháng 4 vừa qua, bị một va chạm đường đột trên đoạn giao thông quốc lộ 20 đã “đẩy” tôi vào khoa ngoại, Bệnh viện Lâm Đồng điều trị hơn một tuần lễ dài. Tỉnh dậy sau những cơn hôn mê, vết đau chấn thương như muốn xé vụn nát thịt da từng phút, từng giờ. Đau hơn nữa, đau đến thấu trời là những tiếng khóc van, rên rỉ của những người đồng cảnh hàng ngày dồn dập xe cứu thương chở về nằm quằn quại nơi đây. Đã nhiều năm qua, khoa ngoại, Bệnh viện Lâm Đồng hiếm khi có những ngày thưa thớt những bệnh nhân rủi ro bị tai nạn giao thông với mọi mức độ trầm trọng khác nhau.
Vào khoa ngoại thì gần như quên mất khái niệm ngày và đêm. Điều này không chỉ rơi vào riêng những bệnh nhân mà cả đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý làm việc trong khoa. Hơn một tuần tôi nằm điều trị thì mỗi ngày-đêm từ 5 đến 10 ca bệnh bị tai nạn giao thông “đón nhận” vào đây. Bầu không khí thương vong thảm khốc, xâm nhập vào khoa ngoại không kể giờ giấc nào.  Sau ngày bớt bệnh, hỏi các bác sĩ của khoa, tôi mới giật mình: Khoa ngoại có cả thảy 90 giường bệnh, chiếm 1/3 số giường bệnh của toàn Bệnh viện Lâm Đồng. Tính trung bình vài năm trở lại đây, cứ mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân nhưng chiếm từ 70- 80% trong số đó là bị tai nạn giao thông. Những ngày lễ, tết hoặc các mùa cao điểm du lịch thì oái oăm thay, khao ngoại thường phải chịu “nặng tải” nhất. Nhiều khi một giường bệnh cá nhân phải chen chúc đến hai bệnh nhân nằm trở đầu. Người thân đến thăm chỉ còn biết ngủ ngồi sau những hớt hải chạy lo người bệnh mệt đến rụng rời tay chân. Phải gắng sức chịu thôi. Tai bay vạ gió chứ nào ai lại ác tâm, tà ý hãm hại mình ! 
Dẫu biết rằng tai nạn giao thông là xảy ra ngoài ý muốn nhưng ngẫm đi, nghĩ  lại, nhiều trường hợp tử vong, bị thương nặng hết sức phi lý, gây đau khổ cho người thân bên nạn nhân và cả bên gây ra tai nạn. Xin kể ra đây chuyện lấy làm tiếc của một chiếc xe ôm đi từ ngã ba Phi-Nôm về Đà Lạt. Người lái xe ôm này mấy ngày rồi bị “hổng” túi, bèn đánh liều một “quả” để gỡ gạc bằng cách chất lên xe một lúc 4 người khách, hướng Đà Lạt “trực chỉ”. Trời khuya lạnh cóng, sương mù chập chờn bủa vây trên đường. 3 người ngồi “nén” ở yên sau, một người ngồi phía trước tay lái, kẹp chặt người cầm lái nữa là cả thảy 5 người. Chiếc xe buộc nó phải oặn mình  di chuyển vật vã giữa đêm hôm hoang vắng trên đường lộ “20”. Đến đoạn Định An, Đức Trọng thì bất ngờ một chiếc xe máy 2 bánh không đèn -một người lái lao tới.  Hai chiếc xe ngược chiều đụng đầu vào nhau, va đập quá mạnh, hất tung một lúc 6 người nằm vất vưởng trên đường. Một chiếc xe khách đang lưu thông trên đường được “điều” ngay để chở toàn bộ nạn nhân lên Bệnh viện Lâm Đồng. Thật thương tâm,  trong số đó chỉ còn lại 3 người được vào khoa ngoại chữa trị. 3 người kia, vết thương quá nặng, vô phương cứu chữa nên đã không “qua” khỏi phòng cấp cứu, phải chuyển về nhà xác bệnh viện, chờ thân nhân đến đưa về nơi chốn…vĩnh viễn ngàn thu.

Nhưng có lẽ ca bệnh xui rủi nhất nằm cùng thời gian với tôi trong khoa ngoại này, đó là trường hợp hai cậu cháu người Chill ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Trên đường làng tráng nhựa mới tinh, hai cậu cháu bon bon nhẹ nhàng trên một chiếc xe honda 67 thì bất thần một người say rượu chạy bộ lao ra từ ngã ba. Thắng gấp hết cỡ, chiếc xe quay tròn rồi ngã lăn lóc trên đường nhựa. Hậu quả, hai cậu cháu mới biết mình…còn sống sau 3 ngày điều trị tại đây. Còn gã say rượu kia chỉ bị va quệt, sây sát nhẹ, hôm sau bớt hẳn…

Xe lưu thông trên đường, chở quá số người quy định, phóng nhanh, giành đường vượt ẩu, điều khiển xe trong lúc bị say rượu, bia là những nguyên nhân vẫn phổ biến gây ra tai nạn giao thông. Nhưng còn có nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra hết sức “lạ đời” mà không hề ai nghĩ đến. Bên cạnh giường bệnh của tôi có 2 thanh niên nằm mê man sau một ngày đêm tỉnh dậy kể lại: Đêm hôm đó, từ ngã ba Liên Khương về Thanh Bình, Bình Thạnh, Đức Trọng, một người cầm lái và một người ngồi sau vừa nhẩn nha trái bắp trên tay, vừa bù khú chuyện trò đủ thứ. Xe chạy tốc độ không nhanh, không chậm nhưng vì chủ quan, không khống chế kịp để tay lái vấp phải một hòn đá, mất điều khiển, xe và người té ngã nằm thượt ra bên lề đường. Cả hai người đều bị chấn thương vùng đầu khá nặng. Còn đây là một bất cẩn khác : hai mẹ con đi xe máy ăn giỗ từ xã Xuân Trường về lại trên phố Đà Lạt gặp lúc trời đổ mưa.  Đường vắng teo, không có một ngôi nhà để dừng chân trú tạm. Sợ con trai mình ngồi cầm tay lái trước xe cảm lạnh, người mẹ rút đôi kính râm từ trong túi ra, đeo vội cho con. Đâu ngờ nước mưa tạt bay vào kính, đứa con trai hoàn toàn không thấy đường phía trước. Mò mẫm đi được một đoạn thì chiếc xe bỗng đổ sầm xuống đường cống thoát nước bên vệ đường, hai mẹ con phải lên…nằm khoa ngoại, bệnh viện Lâm Đồng. 
Tại khoa ngoại trong những ngày này, tôi còn được biết được những hậu quả đau lòng hơn cũng chỉ vì một bất cẩn nhỏ. Chuyện một gã đàn ông đã có vợ-con, lại thích “trăng hoa”, chở một “bồ nhí” gặp nạn giữa khuya, bên cầu Sắt Hồ Xuân Hương, Đà Lạt là một ví dụ. Do vừa lái xe vừa đùa giỡn “quá trớn” với người tình, nên xe chạy đâm sầm vào cột điện, hư hỏng nặng. Cái giá phải trả là anh ta phải chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy-TPHCM do bị xuất huyết não nặng. Cô ta có “hên” hơn một chút nhưng phải vào bệnh viện tỉnh để may vá vết thương và chữa trị thuốc thang, còn lâu mới lành lại được. Trường hợp khác thật quá tội nghiệp cho ông già 70 tuổi bị lâm nạn đang đi bộ trên lề phố. Ông đến thăm người bạn vong niên ở Đà Lạt rồi dắt tay nhau thả bộ, bất thình lình một chiếc xe tải chạy cũng chiều, vướng chạm vào người ông từ đằng sau đến. Ông té chúi nhủi, đầu đập xuống đường. Vào khoa ngoại đã hai ngày rồi mà ông vẫn luôn bất tỉnh, chốc chốc lại lên những cơn co giật trông rất thương tâm…

Tôi cũng bị tai nạn gần giống như hoàn cảnh của ông già vừa kể. Khác hơn là tôi đi xe honda,  có đội nón bảo hiểm, tránh được chấn thương sọ não, nhưng cũng phải mất gần hai ngày bất tỉnh nằm trong khoa ngoại. Nhờ sự tận tình cứu chữa của y, bác sĩ trong khoa, tôi sống trên “đống thuốc” đến ngày thứ 8 thì xuất viện. Trước khi làm thủ tục về nhà, bác sĩ Đinh Văn Cai, Trưởng Khoa ngoại đến bên tôi dặn kỹ: “Anh phải về uống thuốc theo toa, tịnh dưỡng, từ 5 đến 6 tuần mới lành hẳn những vết thương gãy, nứt xương. Khi có triệu chứng đau đầu phải tái khám ngay!”. Thú thật bây giờ tôi đã thực sự “hoàn hồn” để cùng tự nhủ với mọi người rằng, ý thức và sự hiểu biết về an toàn giao thông đối với bất kỳ những ai đang lưu thông trên đường vẫn chưa đủ. Điều này rất cần đi song hành với tinh thần cảnh giác với chính hành vi của mình và với mọi hoạt động xung quanh đã và có thể diễn ra,  mới đẩy lùi hết những những hiểm họa khôn lường./.

Tháng 4/2002