Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Sản xuất “cà rốt đẹp” ở Đà Lạt

VĂN VIỆT
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa hoàn thiện quy trình sản xuất “cà rốt đẹp”,  chính thức chuyển giao rộng rãi trên vùng nông nghiệp Đà Lạt. Đây là quy trình mới áp dụng khá dễ dàng, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với quy trình sản xuất thông thường.

Qua điều tra cho biết, phần lớn vùng sản xuất cà rốt ở Đà Lạt khi thu hoạch chiếm tỷ lệ trên dưới 40% sản lượng củ bị biến dạng với nhiều hình thù như: hình củ chỉa có nhiều nhánh phụ chẻ đôi, chẻ ba; hình củ mọc lông dài thành từng chùm, xếp thành từng hàng; hình củ sần sùi, u sưng với nhiều kích thước khác nhau, màu sắc đỏ trắng nhạt; hình củ nứt kéo dài từ phần tiếp giáp với gốc cây đến phần chóp của củ; hình củ đeo các chùm hạt trên rễ, đường kính từ 0,5-1,5mm. Qua phân tích các mẫu đất trồng cà rốt biến dạng tại Đà Lạt, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xác định công đoạn làm vệ sinh thửa đất trước khi trồng vụ cà rốt mới thường không đảm bảo sạch mầm bệnh cũ, đã tạo môi trường mới cho các loại tuyến trùng “tái sinh” lây lan, phát triển như tuyến trùng nội ký sinh không di động, hút dinh dưỡng từ bên ngoài vào bên trong rễ cây; tuyến trùng nội kí sinh di động sinh sản nhanh từ trong rễ cây ra ngoài đất; tuyến trùng cái sinh sản số lượng lớn mỗi ngày trong đất pha cát…
Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thiện quy trình phòng trừ tổng hợp hiện tượng biến dạng củ cà rốt với các phương pháp làm đất, gieo trồng, bón phân...trên 4 mô hình trình diễn tại thành phố Đà Lạt, mỗi mô hình sản xuất trên 1.000 mét vuông. Đầu tiên vẫn chọn các loại hạt giống cà rốt “khỏe mạnh”, hiện đang trồng tại Đà Lạt, ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ rồi vớt ra hong khô trước khi gieo xuống đất từ 1,5- 2kg/1.000 mét vuông. Chọn diện tích đất trồng có thể thoát nước dễ dàng, cày xới tơi xốp, những phế phẩm của cây trồng trước đó phải tiêu hủy sạch sẽ, vệ sinh kỹ lưỡng toàn bộ dụng cụ lao động. Gieo hạt xong, tưới nước mỗi ngày một lần, khi mầm cây mọc lên đều thì 2- 3 ngày tưới một lần. Kế tiếp là giai đoạn bón lót và bón thúc phân bón. Bón lót phân chồng, phân lân, vi sinh, vôi..bằng cách vãi đều trên mặt luống đất. Bón thúc phân đạm, phân vi lượng khi cây phát triển 20 ngày, 30 ngày, 40 ngày và 50 ngày. Ngoài ra có thể trồng xen cúc vạn thọ ( trồng hàng đơn, cây cách cây từ 0,5m – 0,8m ) để phát tán mùi tự nhiên xua đuổi tuyến trùng gây hại…
Kết quả tuân thủ quy trình phòng trừ tổng hợp nêu trên, mỗi mô hình trồng trình diễn trên 1.000 mét vuông, đều mang lại hiệu quả cao. Trong đó có 2 mô hình trồng trên đất đỏ bazan tại xã Xuân Thọ, Đà Lạt thu được từ 4,33- 4,56 tấn “cà rốt đẹp”, cao hơn từ 0,83 – 0,92 tấn so với vườn đối chứng thông thường; tỷ lệ củ cà rốt biến dạng thấp hơn ở vườn đối chứng trên dưới 20%.  Ở mô hình thứ ba trồng nền đất pha cát tại phường 11, Đà Lạt, đạt năng suất 3,65 tấn “cà rốt đẹp”, cao hơn  0,71 tấn so với vườn trồng đối chứng thông thường; tỷ lệ củ cà rốt biến dạng ở vườn đối chứng là 45% và giảm xuống ở vườn trình diễn là 25%. Ở mô hình thứ tư trồng trên đất thịt nhẹ tại phường 8, Đà Lạt, đạt năng suất 4,5 tấn “”cà rốt đẹp”, cao hơn 0,58 tấn so với vườn đối chứng; tỷ lệ cà rốt biến dạng ở vườn mô hình thấp hơn vườn đối chứng hơn 10%.
Được biết với 4 mô hình trồng thành công “cà rốt đẹp” tại Đà Lạt, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, thu hút hơn 200 nông dân tham dự. Và từ đó đến nay cũng tại Đà Lạt, Chi cục này đã tiếp tục mở 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật phòng trừ tổng hợp hiện tượng biến dạng củ cà rốt cho gần 350 nông dân ở các khu vực sản xuất trọng điểm khác./.
Tháng 10/2012