VŨ
VĂN
Trong những phương tiện tác nghiệp, nhà
báo luôn luôn cặp sát bên mình một cuốn sổ tay và cây viết ghi chép. Vậy mà với
tôi những lần bỗng dưng lại “phạm quy” rất vô tình. Sau những chuyến công tác
về có khi chỉ còn lưu lại “bằng chứng”một vài thông tin trong ít đoạn phim ngắn
ngủi…Ngày giáp tết năm nay, tất tả lội đến vùng rừng giáp ranh Lâm Đồng-Bình
Thuận, bản năng nghề nghiệp của tôi lại “tái phạm”: Trong sổ tay không có một
dòng ghi !
Cuối năm, từ Đà Lạt, tôi và đồng nghiệp KD “xuôi về nam”, về các cánh
rừng Lộc Nam ( Bảo Lâm), Hòa Nam, Hòa Bắc (Di Linh), nơi tiếp giáp với địa bàn
vùng sâu, vùng xa tỉnh Bình Thuận. Mười
mấy năm theo dõi mảng “rừng rú”, KD hễ cứ đến cận tết là đi hết cánh rừng nọ
đến cánh rừng kia, thử xem “rừng thay lá mới” trong năm ra sao. Làm báo trên
gần 140 xã, phường, thị trấn của tỉnh Lâm Đồng, tôi đều đặt chân đến, chí ít
nơi “cưỡi ngựa xem hoa” cũng chạm bước tới được khu trung tâm của xã. Nhưng lần
này quả thực là lần đầu tiên tôi đến nơi này. Rừng thật sâu và xanh thăm thẳm.
Tầm mắt ngút ngàn. Bước chân cứ dài ra. Tôi yêu những cánh rừng này đến ngỡ
ngàng.
Đón chúng tôi ngay bến đò Hàm Thuận - Đạ Mi là anh Trần Văn Lương, cán
bộ quản lý của rừng Hòa Nam, Hòa Bắc. Qua sắc màu quân phục, tôi biết anh là
một quân nhân chuyên nghiệp của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng. Đưa chúng tôi
lên chiếc xuồng máy đã “cổ xưa”, anh Lương cẩn thận cấp cho nhà báo mỗi người
một chiếc áo phao để phòng khi lỡ sự cố rủi ro. Gạo, mắm, muối mang sẵn lên
xuồng, đưa vào rừng. Gần một giờ đồng hồ bập bềnh trên sóng nước mênh mông,
xuồng chúng tôi được cập bến bước lên “doanh trại” có tên là Trạm Lòng Hồ. Anh
Trần Phương Nam, một người lính trẻ giữ nhiệm vụ “thủ lĩnh” ở đây bước ra mời
khách vào “sở chỉ huy” tiếp chuyện. Gọi là “sở chỉ huy” cho “oai” nhưng thực ra
đó là một căn nhà xây “không cấp” mới khánh thành, rộng chưa quá mười mét
vuông. Suốt mấy năm trời, Nam phải ở trong một căn nhà dựng lên bởi những thanh
gỗ, những tấm tôn tận dụng lắp ghép. Mùa mưa thì sống chung với nước. Mùa nắng
ngày cũng như đêm phải cởi trần hùng hục ra đánh vật với thời tiết oi nồng. Ấy
vậy mà hơn 100 ha rừng ở đây, Nam đã thuộc làu làu từng luống cây, khoảnh đất;
chăm rừng không khác chi đang chăm bón cây trái trên mảnh vườn trong gia đình
mình. Những tấm áo lính trên người Nam có sờn vai, xẻ gối đi đôi chút nhưng
được thay vào đó là những cánh rừng mỗi ngày tuyệt đối bình yên hơn. Ai đã một
lần đến với Nam, đến với cánh rừng này bỗng chốc thấy lòng mình ấm lại…
Đáng khen cho anh chàng lính trẻ Phương Nam thật đa năng. Giữ rừng thì
khỏi chê, xuống thuyền làm “tài công” cũng thuần thục ra phết. Trước khi đến
Trạm rừng Dốc Đá của một đồng đội bên kia hồ, Nam dẫn chúng tôi ghé lại làng
chài nổi giữa lòng hồ mấy năm nay. Biết có khách của Nam đến, làng chài vui như
gặp người nhà. Họ nức lời khen Nam là một chàng lính vui tính, hòa đồng với bà
con. Dân làng chài quen với nghề sông nước, không hề một ý nghĩ sẽ “ăn trộm”
của Nam một cây rừng. Quý Nam như người ruột thịt, hễ cứ người là lạ vào rừng,
là họ dong thuyền đến báo với Nam ngay. Còn nếu ai “chạm” vào rừng thì coi như
lọt vào “mẻ lưới” của làng chài này, không chạy đi đâu thoát được…Nghe dân làng
xúm xít khen “công tích” của Nam, lòng mình cứ vui lây. Câu chuyện của người
dân như muốn níu kéo bước chân của khách
ở lại thật lâu hơn. Nhưng đến lúc phải xuống xuồng qua bên kia khu rừng…
Ngôi nhà sàn sơ sài bên kia hồ Hàm Thuận-Đạ Mi hiện ra thật nhộn nhịp.
Anh lính trẻ Trưởng trạm tuổi mới ngoài ba mươi đang quây quần giải lao giữa
buổi cùng với hơn hai mươi thanh niên dân tộc thiểu số nói cười đùa rôm rả. Mới
biết, đó là số người đến đây hợp đồng đi trồng rừng phủ xanh. Không phải là lần
đầu tiên mà người dân tộc thiểu số Hòa Bắc, Hòa Nam (Di Linh) đã có thu nhập từ
nghề trồng rừng nơi đây từ năm 1995. Một không khí thân thiện giữa người lính
với người dân cứ dâng đầy. Trưởng trạm Phạm Văn Đô sôi nổi kể: Nơi thâm sơn này
vậy mà vui lắm. Đến mùa trồng rừng, bà con dân tộc về đây “trú” lại cả tuần lễ.
Đô cũng bận bịu lắm. Mùa này nhanh nhất cũng phải tuần lễ mới rảnh rang chút
đỉnh để vượt mấy quả đồi về nhà thăm vợ, con. Vợ Đô là giáo viên đang dạy ở
ngoài (bìa rừng), cách nơi Đô chừng hai mươi cây số. Vì rừng, vì nhiệm vụ của
“người lính chồng” nên chị phải cố gắng chu toàn thiên chức làm vợ. Đô tâm sự
với chúng tôi như vậy…
Cũng như Đô và Nam, những người lính về Hòa Bắc, Hòa Nam giữ rừng từ
những ngày đầu phải đối mặt với nhiều gian nan, thử thách. Rừng loang lổ bị rẫy
vườn lấn chiếm. Đất trống đồi trọc nham nhở khắp vùng. Trên một chiếc “cub cối”
dạn dày, một chiến sĩ trẻ, người gốc Bình Dương chở tôi đi vuợt lên cao những
ngọn đồi rừng trồng; rồi ngoằn ngoèo quanh những thung sâu hết cả buổi đường
mới trở về lại “Tổng hành dinh” của Ban Quản lý nằm trên địa bàn xã Hòa Nam.
Qua anh lính trẻ này, mới biết những người lính đã về đây kiên trì làm công tác
“dân vận” thời bình mới thuyết phục được những người đang trong “cơn say” cà
phê hãy trả lại những khu đất rộng lớn cho cây rừng sinh sôi. Bỡ ngỡ trước
những kỷ thuật trồng, chăm sóc, chống cháy rừng, những người lính đã qua những
ngày tháng trằn trọc ngủ không yên, ăn không ngon. Tranh thủ những lớp tập
huấn. Tự mày mò nghiên cứu. Và trên hết là tấm lòng cùng “sống chết” với rừng
đã giúp các anh thành công đến ngày hôm nay. Rừng đầu nguồn các anh đang lên
xanh, xanh tít tận chân trời…
Rừng đang chớm sang mùa khô. Anh Trần Văn Lương, một “cựu binh” ở đây
có một điều ước thật mộc mạc : “Anh em chúng tôi đang dốc sức vào tỉa thưa rừng
trồng, đào đường ranh cản lửa, gom các chất dễ cháy để đốt trước. Ước gì sau
phần việc này hoàn thành thì trời đổ xuống những cơn mưa nhỉ ? Thế thì ăn một
cái tết sẽ bớt lo !”. Lời nói ấy, cả một chuyến công tác về cùng với các anh
thời gian dài ấy, tôi lại không ghi chép vào sổ tay mà cứ theo đuổi miên man
trong tâm trí khi xe chạy suốt chặng đường về lại phố phường lung linh những
ánh đèn đêm. Và giờ đây hình ảnh của những người lính “bóng dài trên đỉnh dốc
cheo leo” của hôm qua và kế tục đến hôm nay trên những cánh rừng Hòa Nam, Hòa
Bắc, Lộc Nam…sẽ còn theo mãi tôi cả hành trình một người làm báo…Dường như người làm báo chúng tôi, ngoài cuốn sổ tay
ghi ghi chép chép đầy rẫy những con số gai góc, khô khan, bất chợt còn có những
giây phút đa cảm, đa mang như thế ?! ./.
Tháng 01/2003