Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Những “thông điệp” bí ẩn

VĂN VIỆT
Thánh địa Cát Tiên, Lâm Đồng qua 7 mùa khai quật từ năm 1994 đến nay phát lộ liên tiếp nhiều hiện vật, vết tích kiến trúc hết sức giá trị, gợi mở thêm nhiều giả thuyết khoa học mới. Một cuộc hội thảo vừa mới đây tổ chức tại Đà Lạt, nhiều nhà nghiên cứu lại tranh luận khá sôi nổi: Khung niên đại của khu di tích Cát Tiên lùi xa từ thế kỷ IV-VIII sau Công nguyên có thể thuyết phục hơn từ thế kỷ VIII-X sau Công nguyên như kiến giải trước đây?!

TỪ KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC MỞ
Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) khái quát: Di tích Cát Tiên chạy dài khoảng 15km, rộng hàng trăm ha dọc theo trung lưu sông Đồng Nai. Những dãy núi cuối cùng của Trường sơn Nam bao bọc di tích trong một không gian kiến trúc mở, chứa đựng trong lòng “một không gian khép”, diện tích khoảng 24 ha với nhiều loại hình kiến trúc cổ nằm trong một quần thể thống nhất. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã làm xuất lộ các dạng hình kiến trúc như: Kiến trúc dạng tháp, đền tháp, mộ, “nhà dài”, đường nước, đài thờ…Từ đây có hình dung được một trung tâm chính trị-tôn giáo trong một giai đoạn lịch sử nhất định của một cộng đồng dân cư cổ xưa.
Từ năm 1994 đến năm 1998, kết quả khai quật các Gò A1, 2A, 2B, Gò 4 và Gò 5,  phát hiện dạng kiến trúc đền tháp và mộ táng. Tiếp theo năm 2001-2002 người ta tìm thấy tại các Gò 2C và 2D hai kiến trúc hình chữ nhật dài xây bằng gạch, có thể đó là “nhà dài” hoặc “tháp nhà” là nơi các tín độ An giáo cầu nguyện trước khi hành lễ. Tại Gò 3 xuất lộ dạng kiến trúc loại tháp khá đặc biệt, tương tự các tháp Candi, Borobodur ở Indonesia. Bên trong đáy tháp ở độ sâu 4,68m có 9 lá vàng chạm hình voi, rùa, hình rắn 7 đầu uốn thành hình lòng chảo, chứa đầy tro và nhiều hiện vật kim loại khác…nên có giả thuyết kiến trúc này thuộc loại hình tháp-mộ có liên quan đến Phật giáo?!
Năm 2001 tại hội thảo tổng kết, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, quần thể di chỉ Cát Tiên có khung niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X sau Công nguyên?!    
ĐẾN NHỮNG “THÔNG ĐIỆP” CÒN BÍ ẨN
Theo tiến sĩ Đào Linh Côn, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, từ năm 2002 đến nay, Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành 2 đợt khai quật, thu được nhiều tư liệu khoa học mới, khẳng định một lần nữa quần thể di tích Cát Tiên là thánh địa của một cộng đồng dân cư đã từng tồn tại và phát triển. Đó là khu đền tháp, khu mộ táng với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau ở Gò 6A, xã Đức phổ, 2C, 2D. Đặc biệt đó là một “đường dẫn nước thiêng” xuyên suốt qua khu di tích xã Quảng Ngãi, chiều dài 1,8km; rộng 8m. Những thông tin tiềm ẩn vừa được khai quật, càng làm phong phú loại hình di tích, di vật ở khu di tích Cát Tiên như: những linga nhỏ bằng đất đồng, bằng sắt và áo linga bằng đồng; hộp bạc, hộp gốm hình linga; tượng Uma chiến thắng Quỷ Trâu bằng đá trên bệ gạch; tượng Ganesa; xác định được dấu vết di chỉ cư trú đồng đại hoặc sớm hơn quần thể kiến trúc và có dấu vết mộ táng ở vào thời kỳ trước kiến trúc. Ở khu vực xã Đạ Lây thu được những dấu vết vật chất cho thấy phạm vi phân bố khu di tích Cát Tiên còn lại rộng nhiều cây số về phía đông.
Qua các vết tích cư trú và đồ gia dụng phát hiện, người ta cho rằng, chủ nhân của khu di tích Cát Tiên là một cộng đồng cư dân bản địa tồn tại rất sớm, có quan hệ nguồn gốc với các di tích tiền và sơ sử ở Đông Nam bộ-Việt Nam. Theo tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Cát Tiên có niên đại từ thế kỷ IV và kết thúc khoảng thế kỷ VIII sau Công nguyên; trong khi trước đây các nhà khoa học lại “phỏng đoán” niên đại của nó từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X sau công nguyên. Cơ sở cho khung niên đại sớm hơn, tiến sĩ Hoàng dẫn chứng những đồ gốm có một số đặc điểm của đồ gốm tiền sử miền đông Nam bộ, thuộc giai đoạn văn hóa Oc Eo rất sớm. Đặc biệt loại chai gốm cổ cao, trên đó nổi lên hai hoặc ba ngấn, lại  có rất nhiều trong các di tích Glimanuk, Plawangan (Indonesia), niên đại từ những thế kỷ đầu công nguyên. Hơn nữa, loại hình đồ gốm gia dụng phát hiện ở ngoại vi đền tháp cho “thông điệp” rằng, di tích kiến trúc từng là một khu vực cư trú chuyển dịch tiệm tiến trở thành trung tâm tôn giáo-chính trị.
Đáng chú ý, hầu hết kết cấu loại hình kiến trúc hoành tráng nhưng giản dị; tường cao nhưng độ dày khá mỏng; không cầu kỳ phức tạp như các tháp của vương triều Cham Pa sau này. Gần đây còn tìm thấy những hiện vật vòng đồng có núm, cốc chân ly cao (nguồn gốc từ văn hóa Kusana-Trung Á?) hoặc hộp bằng bạc có hình sư tử có khả năng du nhập từ Ba Tư. Trong lòng các tháp di tích kết cấu với những hố thờ giống như hố thờ đã tìm thấy trong các kiến trúc gạch ở Đá Nổi (Long An), Nền Chùa (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp); những lá vàng hình đinh ba, hoa sen, con ốc; chữ viết các vị thần bằng kỷ thuật dập nổi hoặc khắc miết…cho thấy sự “cùng thời” của hai vùng văn hóa Óc Eo và Cát Tiên. Ngoài ra với việc phát hiện một tượng đá tại kiến trúc số 8 chính là tượng thần Ganesa thế kỷ VIII sau Công nguyên và một tượng thần Uma đặt trong thế thẳng đứng có cùng niên đại.
Về quan hệ văn hóa của di tích Cát Tiên, tiến sĩ Bùi Chí Hoàng cùng “nhất trí” với giả thuyết “Cát Tiên không thuộc hệ thống kiến trúc của văn hóa Champa hoặc Óc Eo .” Bởi, di tích Cát Tiên có những nét văn hóa riêng qua các loại hình kiến trúc, hiện vật đã tìm thấy như; cụm kiến trúc liên hoàn dạng “nhà dài”, tháp cổng, tường bao bọc xung quanh, cửa ra vào, hành lang và các ngả rẻ; bộ sưu tập đồ đồng các loại; linga nhiều chất liệu khác nhau, hiện vật đá, đồng, gốm, hộp bạc hình sư tử, con dấu...
Dẫu vậy, những điều kiến giải trên đây- theo cách nói của tiến sĩ Bùi Chí Hoàng “…là những nhận thức bước đầu”. Giá trị khoa học của khu di tích Cát Tiên, Lâm Đồng cần phải tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, giải mã tiếp theo những vết tích văn hóa đang “tiềm tàng” trong lòng đất, còn bí ẩn những “bức thông điệp”./.

Tháng 04/2004