Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Điểm tựa cho đời sau

VĂN VIỆT
Mẹ Việt Nam Anh Hùng: Nguyễn Thị Ngành ( sinh năm 1903, số 10C, Phạm Hồng Thái, Đà Lạt) vừa được Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Đà Lạt đến thăm, chúc mừng đại thọ 100 tuổi. Bà đã tạo dựng nên một khối gia sản quý cho con cháu đời sau về ý thức tồn sinh, nghị lực phi thường trước mọi biến cố của cuộc đời.

Tôi đến thăm mẹ vào một chiều thu mưa lâm thâm. Căn nhà tình nghĩa của mẹ tựa lưng vào một quả đồi sừng sững nơi con dốc cuối đường Phạm Hồng Thái. Tôi vào nhà, người “chắt” vội chạy lên gác gọi “cố” xuống. Tôi ngăn nhưng cháu bảo: “Không sao! “ bà cố” cháu vẫn còn minh mẫn mà!” Quả tình mẹ vẫn đi lại được, dù rất khó nhọc bởi tuổi tác, thời gian. Hồi ức lại một đời đi qua, giọng mẹ trầm đục: “Chồng tôi chết trong nạn đói bốn lăm. Tôi sinh ra bốn người con.  Chẳng ngờ ba người chết vì bom đạn chiến tranh, vì đói khát. Người con trai duy nhất còn lại là Phạm Quang Bích vào chiến trường miền Nam và hy sinh năm bảy mốt. Tôi sống vậy cho đến bây giờ …”
Sau mấy lời vắn tắt của mẹ, tôi xin phép được bước lên từng bậc cầu thang để viếng bàn thờ, ngưỡng vọng di ảnh của liệt sĩ Bích. Bàn thờ trang trọng. Khói hương quyện tròn ấm cúng, lan tỏa mọi ngày. Nụ cười người chiến sĩ Bích vẫn còn tươi nguyên trong sắc màu quân phục. Bên cạnh là tấm Bằng Liệt sĩ đỏ rực: “ Trung đội phó Phạm Quang Bích hy sinh ngày 30/01/1971…” Vậy là đã hơn ba mươi năm, mẹ lặng lẽ một nỗi đau bởi đứt đi khúc ruột còn lại của mình.
Liệt sĩ Bích là người con thứ hai của mẹ, lên mười tuổi đã bị mồ côi cha. Người chị cả và hai người em (một trai, một gái) lại không may tử nạn và gặp dịch bệnh trong những lần chạy sơ tán. Quê mẹ ở làng Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam Ninh cũ, sống trong một gia đình nông dân nghèo. Chồng chết, mẹ lặn lội đi làm thuê, cuốc mướn khắp nơi trong vùng để nuôi con. 
Rồi hết giặc thực dân đến giặc đế quốc. Bám đất, bám làng, mẹ góp một tay nuôi bộ đội trong những chiến hào đánh đuổi kẻ thù. Phạm Quang Bích lớn lên trong từng giọt mồ hôi nhọc nhằn, đối diện hiểm nguy của mẹ. Hai mươi hai tuổi được mẹ đặt miếng trầu cau, Bích lấy vợ. Khi sinh được một người con gái, đặt tên là Phạm Thị Châu Long mới lên hai tuổi thì người vợ bỗng đột ngột qua đời. Sau ba năm mãn tang vợ, Bích xin phép mẹ già gửi lại đứa con gái của mình để ra mặt trận. Đó là vào ngày của năm sáu lăm, mẹ tiễn con trai ra chiến trường nhưng mãi mãi con không về mà nằm lại yên nghỉ trên mảnh đất miền Nam ruột thịt.
An ủi còn lại lúc bấy giờ của mẹ là người cháu nội Phạm Thị Châu Long. Bên vòng tay chở che nuôi nấng của Nội, bé gái Châu Long ngày nào đã vượt qua bom rơi lửa khói, được trưởng thành kể từ ngày đất nước thống nhất. Năm 1982, chị  Long tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, trở thành bác sĩ về nhận công tác ở một bệnh viện huyện nhà. Chị lấy chồng-anh Trần Thích cũng là một bác sĩ. Hai vợ chồng được bố trí ở một căn hộ tập thể-“Thế là đưa “cụ” từ quê lên rồi ở luôn với vợ chồng mình, đỡ lo sớm hôm khuya tối lỡ “cụ” có “bề” gì!”-anh Thích nói.
Đau chung với nỗi đau mất mát quá lớn của bà nội, hơn hai mươi năm qua, vợ chồng anh Thích-chị Long luôn hết lòng chăm sóc mẹ từng bữa ăn đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Hai vợ chồng đều là thầy thuốc nên mẹ thường xuyên không chỉ cần theo dõi sức khỏe chu đáo mà còn được động viên tinh thần mong sống lâu, sống vui trọn đời. Năm 1996, anh chị được vào Lâm Đồng công tác. Theo chế độ, chính sách đối với Mẹ Việt Nam Anh Hùng, chính quyền thành phố Đà Lạt đã cấp cho mẹ diện tích đất khoảng 150 mét vuông ở ngay mặt đường Phạm Hồng Thái. Năm 2000 trên diện tích này, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lê ở Đà Lạt xin phép thành phố cho xây dựng tặng mẹ một căn nhà tình nghĩa rộng 42 mét vuông. Vợ chồng anh Thích-chị Long vay mượn thêm tiền nâng cấp một phòng gác trên dành riêng cho mẹ. Nơi đây, mẹ lập bàn thờ cho con trai mình - liệt sĩ Phạm Quang Bích. Những ngày lễ, tết, ngôi nhà tình nghĩa mang số 10C, đường Phạm Hồng Thái là nơi các đoàn thể, ban ngành của phường 10, của thành phố Đà Lạt thường xuyên đến thăm hỏi, động viên mẹ. Còn quanh hàng xóm thì hầu như ngày nào mẹ cũng gặp, trò chuyện ấm áp nghĩa tình.
Anh Thích sinh năm 1957; chị Long sinh năm 1959. Hai vợ chồng anh chị có hai con trai. Con trai lớn đã bước vào năm học thứ nhất ở Trường Đại học Tài chính Kế toán TPHCM. Con trai thứ hai đang học lớp 11 tại Đà Lạt. Tất cả đều ở chung với mẹ. Hình ảnh cuộc đời mẹ luôn tỏa sáng từng ngày, tiếp sức cho các thế hệ đời sau của mẹ vươn tới sự thành đạt, giúp ích cho xã hội, cho riêng thanh danh cả họ hàng.
Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Ngành được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng III. Xin chúc mẹ mãi mãi là cây cao bóng cả, là điểm tựa truyền thống cho con cháu tiếp bước đi lên!./
Đà Lạt tháng 10/2003