Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Vô vòng B2

Phóng sự VĂN VIỆT
B2 là giấy phép lái xe ô tô chuyên nghiệp đến 9 chỗ ngồi và lái xe tải dưới 3,5 tấn. Để được cấp B2 phải mất 3 tháng hết học đến hành. Cùng với những hàng người cuốn theo vòng B2 ở Đà Lạt, tôi phải gò buộc mình để chạm được ham muốn làm người “kiêm nhiệm”… bác tài.  

NHẬP HỌC MỖI NGƯỜI MỖI KHÁC
Tôi làm đơn đăng ký học B2 từ đầu tháng 12/2009 nhưng đến giữa tháng 8/2010 mới được xét tuyển lớp ngoài giờ. Lần đầu nhận đơn, người phụ nữ ở phòng hành chính của Trung tâm Đào tạo lái xe Lâm Đồng nói gọn: “Anh cứ chờ. Khi nào có điện thoại thì đến làm thủ tục …” 
Rồi một ngày đầu tháng 7/2010, tiếng phụ nữ đó gọi điện: “Ngày mai anh đến trung tâm làm thủ tục nhập học. Chỉ có lớp ngày chứ không có lớp đêm. Nếu không đến, anh sẽ bị loại khỏi danh sách.” Không chờ tôi hỏi thêm, đầu dây bên đó đã cắt tín hiệu. Cảm giác bị làm khó, tôi tìm gặp lãnh đạo trung tâm- ông Hiệu trưởng Thắng. Tôi nói rõ nhân thân, mục đích lấy B2 của mình, Hiệu trưởng Thắng đồng tình: “ Được. Anh để lại số điện thoại. Tôi sẽ bố trí anh vào lớp K34. Giữa tháng 8/2010 khai giảng và học luôn. Cứ chuẩn bị trước đủ khoản tiền cho khóa học …” Đúng ngày giờ Hiệu trưởng Thắng đã nói, tôi đến phòng hành chính gặp người nữ ấy được tiếp xúc với vẻ niềm nở hơn: “Anh sang bộ phận tài vụ nộp tiền học lý thuyết một tháng 3,2 triệu đồng. Anh có thể nộp hai lần tiền trong một tháng. Nhớ cầm giấy đi khám sức khỏe rồi nộp ngay cho trung tâm…”
Đêm khai giảng, tôi nhìn “đồng môn” trên lớp gần 50 người chỉ đếm được chừng trên dưới mười phần trăm số người có khuôn mặt và đầu tóc đã ngả màu…U 50 ( từ 40 đến 50 tuổi). Điều này quả không sai khi tôi đọc ngày tháng năm sinh từng người trên danh sách cầm tay. Cũng chiếm mười phần trăm trong đó là sinh viên đang học năm thứ hai đại học trở lên. Còn đa phần trong 80% sĩ số từ trên 20 tuổi đến dưới 40 tuổi. Và cũng cho thấy nhu cầu học B2 của những người thuộc nhóm lớn tuổi nhất là làm bác tài cho mình; người dưới 40 tuổi thì hai phần ba học lái xe để hỗ trợ công việc; một phần ba học để hành nghề bác tài trong các đơn vị kinh tế hoặc làm kinh doanh vận tải cá thể. Lớp sinh viên thì học lấy bằng để sau này tốt nghiệp đại học vào đời đỡ phải…lo (?!).
HỌC NHỚ VÀ HỌC HIỂU
 Những ngày đầu lật giở hết 450 câu hỏi và đáp án giành cho B2, tôi thấy ngờm ngợp để học thuộc lòng trong vòng một tháng. Đâu ngờ những ngày sau được người truyền bài bật mí cho nhiều cách học khá độc đáo. Này nhé nếu gặp câu hỏi “Người có giấy phép lái xe hạng FC ( hoặc FE) được điều khiển loại xe nào?” Có 4 đáp án dài hơn trăm chữ nhưng phải chọn một đáp án đúng. Để khỏi khổ sở khi nhớ thì hãy tự quy ước FC là F chị. Chị là người lớn nên chọn câu trả lời số 2. Còn FE là F em. Em là người nhỏ nên chọn câu trả lời số 1 là số nhỏ hơn. Hay nhóm câu về khoảng cách an toàn giữa xe với xe trên đường cao tốc, cứ lấy con số tốc độ trừ số 30 là đáp án đúng. Rồi nhóm câu tốc độ tham gia giao thông, cứ học thuộc dãy số 817264…Giải mã là câu hỏi có số 80km thì chọn câu trả lời số 1, câu hỏi có 70km thì chọn câu trả lời số 2, câu hỏi có 60km thì chọn câu trả lời số 4…Hoặc phần nhiều câu hỏi nào có 4 câu trả lời thì chọn câu số 4..Với câu hỏi trong sa hình có đánh dấu chữ E ( em) thì chọn câu trả lời đúng. Xe chữa cháy hay cứu hỏa ( có lửa) là đi trước. Hình người công an ra hiệu tay thẳng đứng (đưa tay lên trời) là tất cả phương tiện phải dừng lại. Vì chỉ lên trời là…không có đường đi (!)  
Tôi đoán tính với số câu học nhớ thì chiếm khoảng trên dưới 40% số câu lý thuyết. Còn lại 60% số câu buộc phải học hiểu. Độ một tuần ôn tập để kiểm ra trước khi học thực hành, những câu học hiểu của tôi đã nằm hết ngay ngắn trong đầu. Nhưng ngược lại với những câu học nhớ thì cứ…lúc nhớ lúc quên. Chẳng hạn dãy số 817264…cứ nhảy múa lên xuống thành 827146…Thấy lỏng lẻo quá, tôi quyết định chọn vừa học nhớ vừa học hiểu. Tức là nhớ số câu trả lời đã quy ước, sau đó đọc kỹ lại nội dung để đối chiếu với thực tế rồi mới tìm ra điều nào đúng điều nào sai. Với cách học này, điểm kiểm tra lý thuyết của tôi đạt điểm tối đa là 30/30.
Tôi nộp tiếp 1,8 triệu đồng và được học thực hành từ sân bãi ra đến đường trường, chính thức được ôm vô lăng với nhiều quy ước trên 15 bài thi sa hình, gồm các dấu mốc dán keo dính ở đầu xe, kính xe, cửa xe…Nhưng trước tiên học viên phải trải qua gần hai tháng điều khiển được xe chậm, nhanh, rẽ phải, trái, đi lùi, quay đầu…Trên sân tập, những “tiếng vang” của người hướng dẫn học viên thường “phát lên” mấy tuần đầu. Đại loại “Vô số kiểu gì vậy ?  Hộp số bể thì sao? ”, “Lấy lái sang trái…nhanh…nữa….Rồi. Trả lại ….thôi. Chân ga đâu. Thả hết côn. Nhìn phía trước. Không nhìn xuống buồng lái. Hiểu chưa?... ”
Một nhóm 4 học viên chia nhau tập trên một chiếc xe ô tô cũ của Hàn Quốc, giá thị trường khoảng bảy, tám chục triệu đồng. Người hướng dẫn ngồi ghế phụ phía trước, dưới chân có bàn đạp thắng phụ. Với đường chạy vòng quanh sân bãi ở Trung tâm Đào tạo lái xe Lâm Đồng, tôi ước đến hàng trăm mét thì chỉ có đường bê tông khoảng…hai chục mét. Chủ yếu là đường đất gồ ghề, gặp mưa nhiều nước đọng thành vũng, đèn điện sáng yếu ớt nên phải căng mắt tập lái sau từng đêm một. Cứ vậy qua gần một tháng sau mới được chạy ra đường thêm một tháng nữa. Háo hức ngày đầu cầm lái ra đường để rốt cuộc học viên nào cũng bị tắt máy giữa chừng hoặc đánh tay lái không kịp với nhiều phương tiện giao thông, từ người đi bộ đến xe đạp, xe máy, mô tô, ô tô, xe tải các loại…Đáng kể còn phải tập trung cao độ với đoạn đường đêm tối không có vạch kẻ đường qua Quốc lộ 20 khu vực Hiệp An, Đức Trọng; đoạn đường giăng mắc những ổ gà, ổ voi qua Quốc lộ 27 khu vực Đạ Đờn, Lâm Hà..
NGƯỜI THI, MÁY CHẤM
Khóa tốt nghiệp nghề lái xe B2 của tôi kết thúc và  được Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt cấp chứng chỉ sơ cấp. Tôi nộp 1,5 triệu đồng cuối cùng của khóa học để cùng đi trong lớp gần 50 người về trường thi Đồng Nai. 4 giờ sáng khởi hành từ Đà Lạt. Trưa đến trường thi ăn cơm và nhận phòng nghỉ giường tầng. “Ngăn nắp đấy chứ. Nhưng mà giống như sinh viên nhập trường quá. Mà thôi phải cố trong 2 đêm nằm …”-Tôi tự động viên mình.
Nghỉ lại đêm ở trường thi Đồng Nai gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Muốn ra phố gần nhất rồi về phải mất khoảng hai trăm ngàn đồng tiền taxi. Không có hàng quán nào ở ngoài cổng trường. Tất cả dịch vụ ăn uống giải khát đều độc quyền một cửa hàng trong sân trường, tính giá cao bao nhiêu thì mở hầu bao trả bấy nhiêu. Điều quan trọng là phải thi thử trước cho đạt yêu cầu. Trong tiêu chuẩn mỗi thí sinh được tập 6 vòng thi lái xe trong sa hình thì  nhiều người tập một, hai vòng đầu không đạt điểm. Nếu thí sinh nào tập 4 vòng còn lại vẫn chưa tự tin thì 4 giờ sáng hôm sau tự bỏ tiền ra thuê với giá mỗi giờ là 200 ngàn đồng.
Đúng 8 giờ sáng ngày chủ nhật, cả lớp tôi gần 50 thí sinh hồi hộp bước vào phần thi lý thuyết trên máy vi tính. Thi xong ra bàn ngoài ký bản kết quả được máy tự động in ra. Đạt lý thuyết mới được ra thi thực hành. Từng thí sinh gọi lên xe có đánh số. Bắt đầu xuất phát là xe phát tín hiệu lên chiếc loa vang to của trường thi như xe số… đạt yêu cầu; xe số… bị trừ điểm, xe số…bị loại.. Kết quả lớp tôi bị thi rớt 3 người, chiếm 6% trên tổng số người đi thi. Người thi rớt lại xuống trường thi Đồng Nai thi lại tháng sau. Bỗng ước gì tỉnh Lâm Đồng sớm xây dựng trường thi như ở tỉnh Đồng Nai. Bởi với người Lâm Đồng đang hàng tháng nộp đơn xin học B2 với số lượng cầu cứ vượt xa…cung.
Tháng 12/2010