Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tài công đời sông nước

 VŨ VĂN
Nắm tay người sau cùng ngồi vào “boong”, chàng tài công trẻ măng ôm tròn tay lái cười nhẹ: “Đi nhen!” Rồi trong tích tắc, chiếc đò rẽ sóng lọt thỏm giữa trùng dương. Đời tài công. Người đi đò. Trời mây và sông nước. Giao hòa đến vô cùng…

BIẾT “LỘI” LÚC LÊN NĂM
Sáng trong, tôi ngồi vào chiếc ghế cạnh buồng lái đi chợ nổi Cần Thơ. Trời lập đông lành lạnh, anh tài công tên Thôi với nụ cười…mát rượi: “5 tuổi biết “’lội” xuống kênh. 10 tuổi đã “lội” ra được biển lớn. Quen “gồi” ( rồi) !” Hỏi chuyện gia đình, Thôi càng cởi mở hơn: “Tui sinh ra ở quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ. Sông Cần Thơ là một nhánh của dòng sông Hậu. Bờ bên này với quận Cái Răng là Bến Ninh Kiều ( Quận Ninh Kiều) – phố trung tâm của trung tâm vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long... ”
Quận Cái Răng nơi Thôi sinh ra là “phố của quê”. Bởi cuộc sống của người dân vẫn giữ lại ruộng lúa “tám thơm”; để còn con lá lóc nướng trui; với phần đông hộ dân buôn bán, làm dịch vụ thì…bơi thuyền trên sông nước ngày ngày. Và Thôi cũng là người làm dịch vụ đưa khách “lội”  trên sông đã đôi chục năm rồi. Tên đầy đủ của Thôi là Nguyễn Ngọc Thôi, Tết Mậu Tý này đã qua tới ba lần của ngưỡng tứ tuần rồi. Gia đình Thôi với vợ và 3 người con nay đã nuôi lớn cũng nhờ từ chiếc xuồng nhỏ mà cha mẹ cho làm vốn liếng khi ra riêng. Con sông này cho Thôi cái nghề đưa khách qua lại đôi bờ đầu tiên là chèo tay xuồng ba lá. Tích góp dần dần thì sắm được chiếc vỏ lãi đầu máy nhỏ. Rồi kha khá chút đỉnh thì huy động thêm vốn của gia đình mua được chiếc tàu du lịch như bây giờ. “Tui là đời thứ ba làm nghề vận tải hành khách sông nước. Có chiếc tàu này thì “phẻ re” thôi. Tui có đứa con trai đầu đã mười tám tuổi. Nó đang nối nghề sông nước với tui… ”- Thôi tâm sự.
Thôi đếm được cả quận Cái Răng của Thôi đã mở mang hơn 60 chiếc tàu du lịch. Mỗi chiếc tàu có giá trị đầu tư hơn 50 triệu đồng, trọng tải 18 người (tương đương 7 tấn). Trước khi trở thành tài công thì phải trải qua kỳ thi sát hạch để được cấp Bằng lái thuyền hạng Ba, được chở tối đa 50 khách. 100% tài công biết lội từ lúc lên năm; thuộc làu làu từng dòng nước vơi đầy của nhánh sông Hậu. Ngoại trừ những ngày mưa gào bão giật, tàu phải “cắm sào” neo lại. Còn bình thường thì tài công cứ thong thả đưa khách qua qua, lại lại, Thôi và đồng nghiệp hành nghề luôn đạt được độ tuyệt đối an toàn; chưa hề phải đánh vật với bất kỳ sự cố nào. 
DOANH NGHIỆP… TÀI CÔNG
Nếu như ở Cần Thơ phát triển nhanh loại tàu du lịch ngoạn cảnh, tốc độ vài mươi cây số mỗi giờ thì ở Đất Mũi Cà Mau với lợi thế của những ca nô cao tốc. Bây giờ đường bộ đã đến được huyện Năm Căn. Nhưng muốn đặt chân đến mũi đất bồi lấn biển thì phải mất cả trăm cây số đường biển nữa. Một hệ thống kênh đào được nhà nước đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng chạy ven rừng đước nên đã rút ngắn lộ trình xuống còn một nửa. 
Đời tài công được dịp mở ra làm ăn sôi động và thuận lợi hơn trong cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Từ đoạn đường nhựa cuối cùng của huyện Năm Căn, xuống biển với ca nô cao tốc trên mười chỗ ngồi chỉ một tiếng đồng hồ là đến được Đất Mũi. Giá vận chuyển khứ- hồi mỗi người hồi giáp năm Mậu Tý là một trăm ngàn đồng. Hôm ấy trời quang mây tạnh nên hàng giờ, hàng phút trên bến với hàng chục chiếc ca nô vun vút vào ra.
Tài công tên Phan Văn Bằng mới hai lăm tuổi đã giữ tay lái chính đến bảy năm. Gia đình của Bằng là một doanh nghiệp…tài công. Hai người anh trai của Bằng ( 29 tuổi và 27 tuổi) cũng đều là tài công. Bằng nói : “Hiện gia đình em đang hoạt động liên tục mỗi ngày ba chiếc ca nô, tổng giá trị đầu tư khoảng 600 triệu đồng…” Hỏi: “Một chiếc ca nô đưa ra vận doanh bao lâu thì thu hồi được vốn đầu tư ?” Bằng chỉ trả lời gián tiếp: “Ba chiếc ca nô là gia đình em tự đóng ( lắp ráp) lấy mà…”
Sau một vòng tour “làm xiếc” trên sóng nước Năm Căn – Đất Mũi, tài công Phan Văn Bằng tiễn khách ra về với nụ cười tươi rói của người làm du lịch có đẳng cấp “pờ rồ” ( chuyên nghiệp). Rồi trở lại chiếc ca nô đón chào một tour khách mới, Phan Văn Bằng rõ là một chàng trai trẻ miệt sông nước với dáng người gọn chắc; với đôi chân thoăn thoắt; và với đôi tay lướt trên “vô lăng” mềm như…tơ lụa.
Đất Mũi- Đà Lạt Tháng 01.2008