MẠC
KHẢI
Xin
dẫn câu thơ của cố nhà thơ Xuân Diệu : “Đất nước ta như một con tàu. Mũi thuyền
ta đó mũi Cà Mau…” chọn làm tên bài viết này. Đã hơn mười năm trở lại Cà Mau
thì “mũi thuyền ta đó” đã tiến xa ra biển hơn một ngàn mét phù sa bồi đắp. Giữa
đầu sóng ngọn gió ở mốc tọa độ 37’30” vĩ độ Bắc và 104’43” kinh độ Đông cho ta
thêm quý thêm yêu hơn những hạt đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Hơn mười năm
trước từ phố thị Cà Mau đến với huyện cuối cùng của Tổ Quốc - huyện Ngọc Hiển
phải mất một buổi đường xuồng vỏ lãi. Xuồng xuống sông Bảy Háp khởi hành qua
cửa biển ông Trang, dạt dào giữa biển biếc rồi bước lên đất liền Ngọc Hiển. Bây
giờ huyện Ngọc Hiển đã chia thành hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn.
Trung tâm
huyện lỵ Năm Căn cách trung tâm thành phố Cà Mau hơn năm mươi cây số đã được thông
tuyến đường bộ. Những mái nhà che nghiêng hình nón bài thơ; những cây cầu bắc
qua kênh rạch, những hàng dừa vút cao, hàng bông so đũa trắng đung đưa; những
đóa hoa cỏ may điệp trùng màu đất…lướt qua trên những cung đường thảm nhựa mới
êm ả; làng nối làng giữa phì nhiêu bát ngát nối tài một vòng tay lớn ra biển.
Đường nhựa mới tạm dừng lại trước bến phà Đầm Cùng. Đi qua hết đường phà độ
mươi phút nữa là bước xuống trung tâm thị trấn Năm Căn – trung tâm của miền du
lịch nơi mũi thuyền đất nước.
Từ thị trấn Năm
Căn xuất phát một hệ thống đường kênh rạch đào do kinh phí đầu tư không nhỏ của
nhà nước. Kênh giáp cửa biển qua những ngã ba, ngã tư sóng nước ôm trọn lấy
làng mạc, xóm thôn. Xuyên qua những cánh rừng ngập nước non một tiếng đồng hồ
là bước lên được dải đất phù sa thuộc địa giới hành chính ấp Rạch Mũi, xã Đất
Mũi, huyện Ngọc Hiển. Từng thớ đất phù sa được đắp lên bởi lớp lớp sóng biển
cần mẫn vỗ vào bờ bãi ngày đêm. Đất bồi ra biển lớn đến đâu cây đước và cây mắm
mọc lên đến đó. Rễ của cây bám chặt vào đất rồi mọc ngược lên trời tựa như hàng
hàng những thanh kè đê bờ bao, chắn giữ đất. Cây đước, cây mắm trở thành cây gỗ
để khai thác cho công nghiệp xây dựng phải có tuổi từ ba mươi năm trở lên.
Nhưng cây đước cây mắm ở đây được nhà nước quy hoạch khu rừng bảo tồn quốc gia,
mọi người dân đều thể hiện ý thức giữ rừng cho đất, cho môi trường sống vững
bền. Đất Mũi ba mặt Đông, Nam và Tây giáp biển lớn, bồi đắp hàng năm từ tám
mươi mét đến một trăm mét. Đến Đất Mũi được ngắm bình minh nhô lên từ biển và
hoàng hôn cũng khuất lặn về biển thì thú vị dường nào.
Người hướng dẫn
viên du lịch trẻ tên là Võ Văn Đượm nói rằng, người dân đất Việt ngày ngày đến
thăm đất Mũi rất đông vui. Những tháng hè với bầu trời xanh cao, sóng vỗ nhẹ êm
thì lượng khách đến nhiều hơn, có ngày cả ngàn lượt khách. Bến “ghe taxi” hàng
chục chiếc hoạt động không ngừng nghỉ. Cả một vùng trời biển xao động hẳn lên.
Ký ức thuở “mang gươm đi mở cõi” hơn ba thế kỷ trước ùa về. Từ vùng đất hoang
vu, mịt mùng bóng chim tăm cá, những lưu dân khắp vùng đất Việt hăm hở về Cà
Mau khai hoang khẩn hóa, chế ngự thiên nhiên rừng thiêng nước độc. Đời này tiếp
sang đời khác với những giọt mồ hôi đổ xuống cho cây trái tốt tươi, cho biển
xanh tôm cá đầy ghe. Mở đất bằng những giọt mồ hôi đã không quản nhọc nhằn.
Việc giữ đất bằng cả máu xương càng không hề tiếc nuối. Lớp cha trước, lớp con
sau, sáng ngời lên ý chí tự lực tự cường, đại đoàn kết "một nhà Việt Nam" trong lao động sinh cơ lập
nghiệp và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Những chiến công rừng đước thắm
máu anh hùng Đất Mũi mãi mãi lưu danh trong sử sách muôn đời.
Về Đất Mũi hôm
nay và mãi mãi được tận hưởng hương vị của phù sa lấn biển. Và nghe âm vang
sông núi, nước non từ ngàn xưa, ta thấy trái tim mình ấm nồng hơn lên với dòng
máu người con đất Việt./.
Cà Mau- Đà Lạt Tháng 01/2008