Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Hồi sinh “đông dược” Đạ Sar

Phóng sự VĂN VIỆT

Hơn năm nay, hàng trăm hộ đồng bào thiểu số buôn làng Đạ Sar, huyện Lạc Dương xôn xao bảo nhau “hồi sinh” những “tủ thuốc đông dược” về trồng trước sân, sau vườn; dùng bào chế, sơ cứu nhanh những đột biến bệnh tật của gia đình mình mỗi khi trái gió trở trời. Những bài thuốc hay, cây thuốc lạ đã, đang được “di thực” trả lại về đúng vị trí “sinh tồn” của nó. Đa Sar trong tương lai gần sẽ phát triển thành vùng thuốc nam rộng lớn nhất ở Lâm Đồng.
*Tìm lại bài thuốc cổ xưa
Sắp xếp mãi mới được một ngày chủ nhật để y sĩ Păng Ting B’Ling tiếp tôi tại Trạm Y tế xã Đạ Sar. B’Ling là người dân tộc Lạch, tốt nghiệp trung học y tế Lâm Đồng năm 2003. Trước khi về xã Đạ Sar phụ trách “mảng” đông y cổ truyền, B’Ling đã có “thâm niên” 2 năm làm việc ở xã Đạ Chais xa xôi. Thời gian công tác, lặn lội xuống bản làng hướng dẫn người dân phòng chống bệnh tật, xây dựng y tế cộng đồng, B’Ling càng hiểu hơn giá trị những loài thảo dược hoang dại, cần phải bảo tồn nguồn gien, xây dựng vườn thuốc đến mọi nhà. Rồi điều kiện tốt nhất của B’Ling chuyên sâu đông y khi đầu năm 2005, được ngành y tế của tỉnh và trung ương xây dựng một phòng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền khang trang rộng đến 50 mét vuông tại xã Đạ Sar. Những thiết bị, máy móc châm cứu, đèn hồng ngoại, máy xoa bóp, máy hấp kim…đều được trang bị đủ phục vụ cho 5-10 lượt người mỗi ngày. Có tất cả 70 bài thuốc được bốc tại chỗ, chữa các bệnh thần kinh tọa, đau cơ, bong gân, nhức mỏi…
Trong một chồng bệnh án dày đặc của phòng khám, B’Ling “bốc thăm” một bộ hồ sơ cho tôi xem. Tôi đọc kỹ: “Bệnh nhân tên Ka Jăn K’Chơn, sinh năm 1972, bị đau vai gáy. Châm cứu và uống thuốc đông y mỗi ngày một lần. Điều trị 5 ngày, bệnh nhân đã khỏi hẳn.” Nếu quy ra tiền thì ca bệnh này hết bao nhiêu ? B’Ling trả lời: “Tính giá cao nhất của phòng khám tư nhân cùng thời điểm cũng không vượt quá 500 ngàn đồng !” Tôi nhẩm tính con số chưa đến mức gọi là quá cao đối với thu nhập của một hộ gia đình lao động bình thường.
Mỗi người dân đến đây không chỉ được khám, chữa bệnh miễn phí; mà còn được phổ biến những hiểu biết thường thức về thuốc nam cổ truyền. Kê đơn, bốc thuốc, châm cứu tại phòng khám; và có thể đưa người bệnh ra vườn thuốc nam của trạm để trực tiếp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc từng cây thuốc trong sân vườn. 
Đó là một vườn thuốc rộng chừng 100 mét vuông, do tập thể Đoàn Thanh niên Trường Trung học Y tế Lâm Đồng xây dựng cách đây đến 2 năm. Cây thuốc được trồng thành từng luống đất đắp vun lên cao từ 4cm-5cm. “Tất cả 20 luống đất trồng trên 40 loài cây thuốc”-B’Ling chỉ tay đếm tại vườn thuốc và nói. Mỗi loài cây đều được giới thiệu “tên-họ” và công dụng chữa bệnh bằng những dòng chữ sơn đậm trên từng tấm tôn kẽm. Tôi lấy sổ tay ghi chép theo từng nhóm “dược tính”. Đây là nhóm cây thuốc có tác dụng cầm máu gồm huyết dụ, tam thất, đào lông…Kia là nhóm thuốc ngũ gia bì, xuyên khung, cà độc dược…trị được các bệnh phong thấp, hoen xuyễn, nhức đầu, choáng váng…Rồi kia nữa là nhóm thuốc trị mụn nhọt, hắc lào, ghẻ lở, ho đàm…gồm diếp cá, bạc hà, hẹ, xạ can, tía tô…Và kia-kia nữa là cây mã đề giúp người bệnh được lợi tiểu, chống phù thận; cây huyền sâm cho người đàn ông, đàn bà tăng cường sinh lực khi đi qua tuổi trung niên…
*Làng thuốc nam mai này…
Nữ y sĩ Cill K’Pút, Trưởng trạm y tế Đạ Sar nói rằng, vườn thuốc nam của Trạm chỉ là “vườn thuốc mẫu” cho bà con trong 6 thôn, buôn trong xã trồng theo. Thuốc đông y ở phòng khám cũng vậy. Tất cả thuốc đều được cấp từ ngành y tế Lâm Đồng. Hàng tháng theo hồ sơ bệnh án đã khám và chữa trị, trạm được “quyết toán” một lần. Mục đích chính bây giờ là tạo ra ý thức của người dân về tác dụng của thuốc nam; giúp họ lập vườn thuốc, sử dụng ổn định thuốc đông dược, bảo vệ sức khỏe từng con người trong mỗi căn nhà.
Tôi đột ngột xuất hiện trước cửa một nhà người dân ở Đạ Sar hỏi về vườn thuốc nam. Chủ nhà-bà Kơ Sá Mê Công tỏ ra nồng nhiệt khi dẫn tôi ra sau vườn nhà. Dưới tán cà phê xanh mát, gia đình bà Mê Công trồng những cây thuốc nam hết sức quen thuộc mà bao người gần như bỏ quên đi lâu lắm, gồm giàn cây mát-mát rừng, giàn dây leo lá mơ, lá lốp; từng đám cây sả, cây gừng, bưởi, chanh…Cây lá thuốc trong vườn bà Mê Công cũng được sử dụng rất nhiều lần chống bệnh hiệu quả, hạn chế số lần phải lên trạm xá xã hoặc lên tuyến viện phía trên. Đó là người con gái đầu của bà cứ đau thấp khớp kinh niên, khiến cả nhà lo lắng ngày đêm. Được hướng dẫn, mách chỉ của nhiều thầy thuốc trong ngành y tế địa phương; sự truyền miệng bài thuốc của dân làng; bà Mê Công quyết định trị bệnh cho con gái bằng cây thuốc lá lốp. Trồng, chăm sóc kỹ lưỡng, chỉ đôi tháng sau, từng bụi lá lốp đã vươn cành, xanh lá sum suê. Thu hái cành và lá rửa sạch, xắt nhỏ, bỏ vào nồi gang bắc lên bếp rang cho thật vàng rồi sắc nước uống. Uống đều đặn mấy tháng nay, cô con gái giảm đau rất nhiều. Trong người cô lại cảm thấy khoan khoái, dễ chịu đến lạ thường.    
Ở một gia đình khác-bà Lơ Mu K’Lát thì trồng tập trung quanh vườn thành từng cụm thuốc trị cảm cúm, sốt nóng trong mùa khô. Bà K’Lát nói thật bụng như đếm : “Thuốc nam trồng ở vườn tôi hay lắm. Củ sả, củ gừng, lá chanh, lá bưởi, tía tô…hái đủ một nồi to, đậy vung kín để nấu cho thật sôi. Xong xuôi bê vào giữa nhà, đặt phía trước người bệnh, trùm mùng mền kín lại bốn bên, rồi mới mở nắp vung để xông hơi. Tùy theo mức độ người bị cảm sốt, chỉ cần xông hơi cây thuốc từ 15 phút đến 30 phút, ngủ qua một đêm đến sáng hôm sau là khỏe lại, cầm xà gạc đi vườn rẫy được ngay !”
Gia đình K’Lát và Mê Công là 2 trong khoảng 200 hộ gia đình xã Đạ Sar đã, đang trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc nam trong sân vườn nhà mình. Nghĩa là trên dưới 35% hộ gia đình của xã đã lập vườn thuốc nam. Bên cạnh những cây thuốc thông dụng, bà con đã đưa khá nhiều cây thuốc quý từ rừng về trồng giữ giống. Có những loài cây có tên như cây “sống đời” dùng trị vết thương bỏng; cây “dừa cạn” chữa trị khống chế ung thư phát triển…Và cũng có những loài cây mà đồng bào dùng làm thuốc rất hay nhưng chưa biết được tên. Họ phải gọi theo dược tính của nó. Chẳng hạn cây đắng đắng chữa bệnh đau dạ dày, cây có mùi hăng hắc chữa bệnh chảy máu cam; cây có lá hơ lửa trị vết thương bị té ngã…Bà K’Lát còn nói thêm : “Ở trong rừng Đạ Sar này còn nhiều cây thuốc hay, chữa rất nhiều bệnh hơn nữa. Đã mấy đời truyền lại để người con cháu nhận diện, phân biệt từng loài thuốc khác nhau. Nhưng rất tiếc, bà con chúng tôi đưa về trồng trong vườn, nhiều cây thuốc không sống được. Nhờ cán bộ y tế sớm giúp đỡ kỷ thuật trồng cho bà con !” 
Kỳ thực thì y sĩ chuyên trách đông y-Păng Ting B’Ling rất đồng cảm với tâm tư của bà con nơi “làng đông dược” Đạ Sar này. Dẫn tôi về nhà riêng, B’Ling lấy ra một bụi cây thuốc bó trong túi ni lông đã khô quắp. Mở ra là một chùm rễ đếm 10 củ to bằng ngón tay cái. Theo B’Ling, loại củ và lá cây này dùng sắc nước tắm cho sản phụ đến ngày sinh nở sẽ dễ dàng hơn, bớt đau đớn hơn. “Nhưng không hiểu sao, mình bứng cả bộ rễ về nhà trồng nhiều nơi, nhiều lần mà cây vẫn không sống được.”-B’Ling nói buồn. Vâng, tôi hiểu cả niềm vui và cả những nỗi niềm của bà con Đạ Sar trên khoảnh vườn thuốc nam của gia đình, địa phương mình trong nay mai. Và chỉ có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của ngành y tế tỉnh và trung ương, “làng đông dược” Đạ Sar mới thực sự khởi sắc đi lên.
Đạ Sar- Đà Lạt Tháng 02/2006