Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Về với dân, giải quyết khiếu nại cho dân

VĂN VIỆT ( Thực hiện)
Cuối năm bận rộn, anh Hoàng Sĩ Sơn phải làm việc “một mình bằng hai”: vừa là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa là Trưởng Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng. Tranh thủ lắm, anh mới giành thời gian gần 1 tiếng đồng hồ cuối giờ hành chính buổi trưa để gặp P/V Báo Lâm Đồng. Nhờ chủ động hẹn trước, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội này…

*Tôi biết anh - thời gian “sự vụ”kín đầy trong những ngày cận Tết hôm nay, nhưng…
*Tôi sắp sửa đi Bảo Lâm theo chương trình của Đoàn. Báo chí, công luận các anh cũng biết rồi đấy! Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh mình thành lập từ tháng 11/2000 đến nay; thành viên trong Đoàn “cơ cấu” đủ : Mặt trận, Thanh tra, Tư pháp, Địa chính, Kiểm sát, Xây dựng…, nhưng công việc cũng không thể nào xong trong tháng 12/2000 được. Thật tình, chúng tôi đã nổ lực hết mình, nhưng mới cơ bản giải quyết“ổn” ở các địa phương như : Bảo Lộc, Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh. Mà…Tết tư đến nơi rồi, Báo chí đề cập đến chuyện khiếu nại–tố cáo liệu có khô khan lắm không?
*Vâng, tâm sự của anh, tôi rất tâm đắc. Gặp Anh, muốn nghe kể lại những ngày làm Trưởng Đoàn cùng về với dân, giải quyết khiếu nại cho dân; chứ không có dụng ý tìm hiểu những số liệu cụ thể ! 
*Tôi hiểu nhân dân nói chung, người khiếu kiện nói riêng đang chờ đợi chúng tôi từng ngày, từng giờ. Chúng tôi đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và cùng với Chính quyền cấp huyện giải quyết trên dưới cả trăm vụ việc từ đơn giản đến phức tạp. Vì thời gian quá gấp rút, bản thân tôi (Trưởng Đoàn) tự nhận thấy kết quả ấy còn quá khiêm tốn…
*Được biết, Đoàn buộc phải“gia hạn”thời gian sang tháng giêng năm 2001, nghĩa là anh còn phải “lặn lội”về cơ sở để tiếp xúc người khiếu kiện cả trong những ngày Tết đến, xuân về?
*Cũng chỉ là thời gian ngắn làmTrưởng Đoàn, nhưng tôi bỗng cảm thấy nhiều điều dễ nhớ, khó quên. Có trường hợp quyết định có hiệu lực 5, 10 năm vẫn chưa tổ chức thực hiện ở cơ sở. Cũng có người khiếu kiện 15, 20 năm, giờ phải xem xét lại từ lá đơn đầu tiên. Tâm lý người đi kiện bao giờ cũng muốn giành phần thắng về mình, song phần đông những người tôi tiếp xúc, họ đều có thái độ đúng mực khi trình bày, kiến nghị. Ở Đà Lạt, hôm tôi đến gặp ông Lê Văn Đường và bà Huỳnh Thị Trâm là 2 hai hộ yêu cầu quyền lợi chính đáng của mình 6 năm ròng chưa thành. Họ tỏ ra từ tốn khiến những người như chúng tôi phải suy nghĩ, day dứt nhiều. Về Bảo Lộc, đến nhà ông Trần Duy Tráng, nhà bà Đặng Hoàng Sum, tôi không hề thấy một không khí gay gắt, căng thẳng nào…Đó là những người am hiểu pháp luật; hiểu cả lý và thấm đẫm cả tình, nên rất tin tưởng vào hướng giải quyết của Nhà Nước…
*Trong quan hệ, cư xử cộng đồng, người Việt Nam mình thường có câu cửa miệng: “Làm sao cho thấu tình, đạt lý”.Điều này chắc anh tránh sao khỏi băn khoăn ?
*Về các địa phương đến những vụ kiện tập thể kéo dài nhiều năm (có thể nói là tính chất khá phức tạp), qua sự kiên nhẫn giải thích, thuyết phục của“anh em”trong Đoàn dựa trên chính sách, chủ trương của Nhà Nước ta, đa số họ đều nhận ra phải, trái; đâu là chí tình, chí lý. Người đi khiếu kiện, mình không nên hiểu giản đơn, một chiều chỉ vì quyền lợi cá nhân của họ mà ở đó trên hết là danh dự. Đúng ra có những vụ việc không lớn, khi giải quyết lần đầu lý tình chưa trọn vẹn, khiến họ cảm thấy như bị xúc phạm, mang đơn đi kiện từ Tỉnh ra tới Trung ương. Chẳng hạn một trường hợp vi phạm buộc phải cưỡng chế, nhưng không có nghĩa là đẩy họ ra đường; đi đâu, về đâu không biết. Có nhiều cách giải quyết linh hoạt, ví dụ: tạo điều kiện cho họ thuê nhà, hoặc giao đất thu tiền mà người ta khó khăn quá thì cho trả dần…Giải quyết khiếu kiện mà thiếu sự xem xét hoàn cảnh, cuộc sống, nơi ở…của bên “nguyên”, bên “bị” thì lòng dân sao đồng tình được?!
*Pháp luật chúng ta đặt trên nền tảng đạo đức xã hội. Chúng ta lại có Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở. Tỉnh mình còn ban hành Qui ước cộng đồng dân cư, nhằm phát huy đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt, khôi phục tình làng nghĩa xóm, nhưng tiếc rằng, đây đó còn sót lại…
*Tôi về nhiều nơi trong Tỉnh, tổ chức hòa giải cả những vụ mâu thuẫn ở mức độ cao mà vẫn thành công. Đáng lý, hoà giải phải làm từ cơ sở, nhưng do nơi này, nơi khác còn xem nhẹ hoặc làm chưa đến nơi, đến chốn. Cũng đôi khi hòa giải thành, rồi “bỏ lửng”, không hàn gắn ngay, dẫn đến khiếu kiện phát sinh trở lại. Tôi kể một chuyện, nhưng không nêu tên vì tôn trọng chuyện riêng của một gia đình ở Đà Lạt: Một người con được mẹ giao hơn 1sào đất sản xuất ổn định từ sau giải phóng. Người con kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ với Nhà Nước. Nhưng trước khi qua đời, thấy người con kế chịu thiệt thòi, người mẹ viết giấy chia lại mảnh đất ấy một nửa. Tranh chấp giữa hai người con lại nổi lên sau khi người mẹ mất. Trường hợp này, nếu cứ áp dụng luật một cách máy móc, ai sử dụng ổn định, liên tục, lâu dài phải cấp “sổ đỏ”thì đâu là đạo lý nữa. Cha mẹ tạo dựng cơ ngơi cho mình, nay đã khuất, để lại mong ước ấy, đạo làm con phủ nhận hết coi sao cho được…Nhưng vụ kiện tế nhị này để kéo dài thì thử hỏi hoà giải cơ sở có lỗi buông xuôi trách nhiệm hay không?
*Hôm Đoàn công tác của Chính Phủ về làm việc tại Lâm Đồng, có dư luận phân vân: có lẽ ông Đỗ Nguyên Phương, Trưởng Đoàn là Bác sĩ, Nhà giáo, nên đã đưa ra những kết luận rất…  “ hiền lành”?!
*Nếu cán bộ mắc phải sai lầm phải sửa; vi phạm tùy theo mức độ, tính chất phải xử lý bằng nhiều hình thức, như kỷ luật theo nguyên tắc, điều lệ Đảng; xử lý hành chính, xử lý hình sự…để dân thấy Nhà Nước mình nghiêm minh, cán bộ lấy đó làm gương, nâng cao trách nhiệm công tác của mình. Tôi nghĩ rằng, mục đích làm việc trước hết của Bộ Trưởng Đỗ Nguyên Phương là giúp cho những cán bộ tự nhận ra những khuyết điểm, sai sót của mình để khắc phục, rút kinh nghiệm, sửa chữa kịp thời. Hơn nữa, đến nay, cũng chưa phát hiện những tiêu cực nghiêm trọng náo về phía cán bộ liên quan đến nội dung đơn thư khiếu kiện của công dân.
*Một lần tiếp xúc với báo chí tại Lâm Đồng, Trưởng Đoàn Đỗ nguyên Phương có lưu ý một nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện kéo dài là Chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự đối thoại một cách công khai, dân chủ với dân?
*Khi tiếp dân, giải quyết khiếu kiện là mình đã trực tiếp đối thoại với dân rồi, không chỉ một lần mà rất nhiều lần như thế. Tuy nhiên, việc đối thoại lâu nay của chúng ta chỉ nằm trong góc độ đơn lẻ từng người, từng vụ việc cụ thể; một số yêu cầu đối thoại chưa đáp ứng và thõa mãn người khiếu kiện. Chính lẽ đó, nhiều kết luận chúng ta đưa ra, họ vẫn còn nghi vấn. Lần này, Đoàn chúng tôi đã tổ chức đối thoại công khai nhiều vụ ở Di Linh, Đức Trọng, Đà Lạt…Qua đó, chúng tôi tiếp tục xác minh, điều tra, làm rõ và sẽ công bố công khai cho dân biết.
*Cũng có người nói:Vì dân thiếu hiểu biết pháp luật, nên cứ nảy sinh“triệu chứng”rủ nhau đi kiện?
*Trước đây đất đai chưa có giá trị mấy, người ta sẵn sàng cho nhau vì tình nghĩa ruột thịt, tình cảm xóm giềng thân thuộc, nhưng chỉ cần chớm lên một mâu thuẫn bất đồng mà không có sự hiện diện đúng lúc của người hòa giải, thì đương nhiên khiếu kiện phát sinh (Cấp ủy, Chính quyền cơ sở từ nay phải đặt công tác này thường xuyên quan trọng trong công tác lãnh chỉ đạo). Một số cơ quan chuyên môn khi tiến hành xác minh chưa thực sự công tâm, khách quan, dẫn đến tham mưu, đề xuất sai lệch. Đối với người lãnh đạo, kinh nghiệm này cho thấy:Khi tiếp nhận một vụ việc khiếu kiện phải đưa vấn đề phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau trước khi ra quyết định chính thức. Đơn cử như việc giải tỏa đền bù ( sắp tới dự án xử lý nước thải Đà Lạt giải tỏa đến 300 hộ), phải họp dân, tính toán trước mức đền bù; thông báo khu tái định cư mới (phải bằng hoặc hơn khu định cư cũ). Thiếu phương pháp, vận dụng luật pháp chưa sát đúng xảy ra ở một vài địa phương trong tỉnh trước đây là hệ quả xuất hiện khiếu kiện đông người..
Còn dân có hiểu luật hay không, tôi chưa nói về các đạo luật khác chứ luật khiếu nai tố cáo, phần đông người khiếu kiện hiểu biết khá cơ bản; có người nắm rất chắc. Nói vậy, không có nghĩa loại trừ những trường hợp ngộ nhận. Một số Trung tâm tư vấn pháp lý ngoài tỉnh vì dịch vụ, đã vận dụng không đúng luật, dù vô tình hay hữu ý cũng đều là gián tiếp “xúi”người khiếu kiện đi khắp nơi. Kiện đã sai, lại tốn kém – Thật là đáng buồn!
*Lại nhắc vể Đoàn công tác của Chính Phủ ngày đầu tiên bước chân đến Lâm Đồng, số đông người đã rộn lên: “Ông Trời đã về!”. Còn Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh thì sao?
*Họ biểu hiện tin tưởng, gửi gắm vào Đoàn chúng tôi rất rõ. Chúng tôi chủ động gặp họ và họ chủ động gặp chúng tôi. Chúng tôi luôn tạo không khí thẳng thắn, cởi mở và dân chủ. Gánh nặng trách nhiệm dân giao cho chúng tôi, chưa thể nói lên điều gì khi công công việc chưa hoàn tất.

*Vâng, xin cảm ơn anh đã giành một cuộc trò chuyện trong quĩ thời gian hiếm hoi này.
Đà Lạt đầu xuân 2001