Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Những “chiến binh” diệt rầy nâu

VĂN VIỆT

Bắt đầu từ tháng 4 năm 2013, những “chiến binh” tiêu diệt rầy nâu sẽ chính thức “thường trực” trên những cánh đồng lúa thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của Lâm Đồng, nhằm giúp nông dân tăng năng suất và chất lượng lúa thu hoạch theo hướng bền vững, an toàn.

Đó là những “chiến binh” nấm xanh, có tên khoa học Metarhizium anisopliae ( gọi tắt M.a), được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chủ trì việc nuôi cấy thành công rồi đưa ra “đổ bộ” lên đồng ruộng để ký sinh tiêu diệt trên thân thể loài rầy nâu gây hại, bảo vệ các loài thiên địch có lợi như nhện bắt mồi, bọ rùa, chuồn chuồn kim, kiến ba khoang…Kỹ sư của Chi cục, anh Nguyễn Văn Danh cho biết: Hơn 2 năm qua, Chi cục đã tổ chức đưa nguồn nấm xanh từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về Lâm Đồng nuôi cấy để thực hiện Đề tài “ Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại tại Lâm Đồng ”. Đề tài “khởi động” từ giữa tháng 3/2011, các kỹ sư đã phân công nhau về tỉnh Sóc Trăng để tiếp cận, nắm bắt cơ bản các quy trình nhân nuôi nấm xanh M.a ở phạm vi nông hộ. Đến từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5/2011, Chi cục bước vào sản xuất sản xuất thử nghiệm nấm xanh 3 đợt tại Đà Lạt và Đức Trọng, nuôi cấy tất cả 113 bịch tấm gạo ( 0,5kg/bịch), nuôi trong môi trường 20 độ C, ẩm độ 88%, sau 14 ngày đạt tỷ lệ nấm xanh lên đều trung bình 66,22%. Mỗi bịch nấm xanh pha loãng với 4 bình nước ( mỗi bình 16 lít nước) bơm phun trên 2.000m2 lúa sạ sau 20 ngày trở đi. Sau 14- 21 ngày theo dõi trên diện tích 4,4 ha bơm phun nấm xanh thử nghiệm lần đầu, tỷ lệ nấm ký sinh để tiêu diệt rầy nâu hại lúa đạt từ 15- 38,3%. Tiếp tục hoàn chỉnh quy trình, từ tháng 7 đến tháng 11/2011, Chi cục bước sang chuyển giao kỹ thuật cho 60 hộ nông dân tự sản xuất và tự sử dụng 53 bịch nấm xanh M.a ở huyện Đức Trọng và huyện Đạt Tẻh, đạt tỷ lệ nấm xanh lên đều 88,67%.    
Trong các vụ lúa năm 2012 và bước sang năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng tiến hành bơm phun nấm xanh đồng loạt trên 6 mô hình trình diễn, mỗi mô hình 2ha trên 6 huyện gồm Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Cụ thể ở ruộng mô hình huyện Đạ Tẻh đối chứng sau 14 ngày bơm phun nấm xanh M.a đã giảm mật độ rầy nâu từ 796 con/m2 xuống còn 478 con/m2; bảo vệ các loài thiên địch có lợi với mật độ nhện bắt mồi ( 10,5 con /m2), kiến ba khoang (10,1 con /m2), chuồn chuồn kim ( 2 – 6 con/m2)…Các loại bệnh “đồng hành” với rầy nâu như bệnh đạo ôn, vàng lùn, lùn xoắn lá…đã được khống chế bởi “lực lượng chiến binh” nấm xanh M.a. Ở ruộng mô hình huyện Đạ Huoai, bơm phun nấm xanh M.a lần 1 sau 10 ngày, đã giảm mật độ rầy nâu từ 502 con/m2 xuống còn 323 con/m2; tiếp tục bơm phun 2 lần tiếp theo, rầy nâu giảm theo từ 141 con/m2 xuống còn 64 con/m2; các loài thiên địch có lợi được nấm xanh “nuôi dưỡng” sinh trưởng trên đồng lúa với mật độ đạt khá như bọ xít nước ( 8,5 con/ m2); nhện các loại ( 4,3 con/m2); chuồn chuồn kim (3,5 con/m2). Tương tự sử dụng bơm phun nấm xanh ở ruộng lúa mô hình, đã giảm mật độ rầy nâu ở huyện Đơn Dương từ 194 con/m2 xuống còn 48 con/m2 sau 20 ngày; ở huyện Đức Trọng giảm từ 150 con/m2 xuống còn 50 con/m2 sau 18 ngày; ở huyện Di Linh giảm từ 98 con/m2 xuống còn 50 con/m2 sau 7 ngày; ở huyện Cát Tiên giảm từ 248 con/m2 xuống còn 184 con/m2 sau 7 ngày…
So sánh với ruộng lúa trong cùng thời điểm sản xuất theo phương pháp thông thường của nông dân, quy trình bơm phun “chiến binh” nấm xanh diệt trừ rầy nâu trên mỗi vụ ruộng lúa mô hình ở Lâm Đồng đã cho năng suất trên mỗi ha cao hơn từ 3- 5 tạ; lợi nhuận đạt cao hơn từ 2,4- 6,2 triệu đồng. Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo chuyển giao, cấp phát cho gần 210 hộ nông dân sản xuất lúa trên địa bàn với 2.000 bộ tài liệu hướng dẫn quy trình sử dụng “chiến binh” nấm xanh diệt trừ rầy nâu. Và qua khảo sát được biết bắt đầu vụ lúa Hè - Thu năm 2013 trở đi, nhu cầu nông dân Lâm Đồng sử dụng chế phẩm nấm xanh M.a để diệt trừ rầy nâu sẽ ngày càng phát triển trên diện rộng, nhằm giảm khá lớn chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, tăng cao hơn nữa thu nhập trên từng diện tích đất lúa./.
Tháng 4/2013