Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Thầy giáo kiện đòi dạy học


VĂN VIỆT
Cho rằng bị sa thải vì dùng tay tát học trò trong giờ ra chơi là quá nặng, thầy giáo Lê Cao Tánh ở Đà Lạt đã qua gần 5 năm khiếu nại đòi trở lại trường dạy học.   

HỌC SINH VÔ LỄ, THẦY GIÁO THIẾU KIỀM CHẾ
Sự việc được xác định như sau: Ngày 12/12/2006, thầy giáo Lê Cao Tánh, dạy môn Văn và môn Giáo dục công dân của Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt đã bị nam học sinh lớp 10B2, Phạm Hoàng Minh Trí gọi tên chửi thề vô cớ. Không kiềm chế được trong lúc nóng giận, thầy Tánh đã dung tay tát học sinh Trí gây chảy máu cam. Hậu quả, ngày 06/02/2007, thầy Tánh bị Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Đà Lạt ra Quyết định sa thải theo điều 84 và điều 85 của Bộ Luật Lao động. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/02/2007 nêu: “…Giáo viên Lê Cao Tánh đã vi phạm quy định về phẩm chất sư phạm, đã không kìm hãm được nóng nảy, đánh học sinh vô lễ, gây chấn thương mũi. Việc làm phản tác dụng giáo dục này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội… ”
Trước đó - ngày 14/12/2006, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt cũng đã ký Quyết định “Đình chỉ công tác tạm thời công tác giảng dạy của ông Lê Cao Tánh để làm bản tự kiểm điểm… ” Trong bản kiểm điểm dài 4 trang viết tay,  thầy giáo Lê Cao Tánh tỏ ra thành thật “…Tôi đã rất ân hận về việc làm sai trái của mình. Tôi đã đến nhà xin lỗi phụ huynh em Trí và xin chịu bồi hoàn số tiền đã chữa trị cho em Trí…. ” Đồng thời thầy Tánh tự nhận hình thức kỷ luật Cảnh cáo trước toàn trường và hứa khắc phục. Tuy nhiên đến ngày 21/12/2006, Hội đồng Kỷ luật của Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt thông qua hình thức đề nghị kỷ luật: Cảnh cáo toàn ngành giáo dục và chuyển công tác thầy Tánh ra khỏi trường này.  Và ngày 23/01/2007, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du sa thải đối với thầy giáo Lê Cao Tánh.
XỬ LÝ VƯỢT KHUNG
Sau nhiều lần không có kết quả khiếu nại từ cấp trường đến cấp ngành giáo dục Lâm Đồng, ngày 20/10/2007, nguyên thầy giáo Lê Cao Tánh khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt. Đơn khởi kiện yêu cầu Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt hủy quyết định sa thải, bồi thường những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần kể từ ngày mất việc, buộc khôi phục lại công việc giảng dạy đối với ông Lê Cao Tánh.  Ngày 28/4/2008, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “kiện quyết định sa thải trái pháp luật”, nguyên đơn là ông Lê Cao Tánh; bị đơn là Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt. Tòa sơ thẩm xác định: Ngày 30/12/2004, Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt đã ký Hợp đồng giảng dạy môn Văn và môn Giáo dục công dân “không thời hạn” đối với ông Lê Cao Tánh. Xét theo hợp đồng làm việc trong chỉ tiêu biên chế của cơ quan nhà nước, hành vi đánh học sinh của thầy giáo Lê Cao Tánh, bị Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt ra quyết định sa thải là đúng pháp luật lao động.  
Nguyên đơn Lê Cao Tánh kháng cáo. Ngày 16/9/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm cho rằng, Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt đã ra Quyết định sa thải đối với ông Lê Cao Tánh là đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật xử lý người lao động vi phạm. Một lần nữa, yêu cầu “Hủy quyết định sa thải trái pháp luật” đối với nguyên thầy giáo Lê Cao Tánh đã không được tòa chấp nhận.    
Nguyên đơn Lê Cao Tánh kiên trì khiếu nại lên các cơ quan pháp luật của trung ương. Đến ngày 27/9/2011, Tòa án nhân dân Tối cao đã xử giám đốc thẩm, tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm ở Lâm Đồng, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại. Tòa giám đốc thẩm đã nhận định: Hành vi đánh học sinh gây chảy máu cam của thầy giáo Lê Cao Tánh chỉ có thể xử lý theo Điểm a, b, Khoản 1, Điều 84, Bộ Luật Lao động, gồm hình thức kỷ luật “Khiển trách” hoặc chuyển công việc khác có mức lương thấp hơn, hoặc kéo dài thời hạn nâng lương tối đa 6 tháng; hoặc cách chức. Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du, Đà Lạt, ra Quyết định “Sa thải” đối với thầy giáo Lê Cao Tánh trong trường hợp này là đã xử lý vượt khung. Bởi theo Điều 85, Bộ Luật Lao động, chỉ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công tác, tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật, tự ý bỏ việc 5 ngày trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm…
Đến tháng 3.2012, TAND thành phố Đà Lạt đã và đang tiếp tục giải quyết trở lại vụ án “kiện đòi quyền dạy học” của nguyên thầy giáo Lê Cao Tánh. Hy vọng sự công bằng, đúng pháp luật của án văn có hiệu lực pháp luật sẽ sớm kết thúc vụ kiện đã từng gây bức xúc trong môi trường giáo dục ở Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đà Lạt  Tháng 3.2012