Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Nghĩa tình Phước Cát

Mạc Khải

Đã lâu rồi tôi mới về lại Phước Cát, Cát Tiên. Con đường cái quan sáng loáng nhựa đường đi liền một mạch từ ngã ba Madaguôi đến nơi. Sự thân thiện, ấm áp chân tình của đất và người Phước Cát luôn tạo trong tôi những khoảnh khắc không quên, trong đó có cả những nỗi niềm…

Khu Ngã ba Phước Cát, nơi địa đầu của Lâm Đồng giáp với Bù Đăng, Bình Phước mới năm trước còn gồ ghề đá hộc, đá dăm, nay mịn màng trên mỗi bước chân khách bộ hành. Nơi đây người dân địa phương thường gọi vui là “ngã ba sung sướng” bởi sự thịnh vượng, sôi động thương mại-dịch vụ, chợ trung tâm của thị tứ vùng sâu. Ban ngày dừng bước lại đây giải khát một ly nước mía “cây nhà lá vườn” mát lịm, chỉ phải trả một ngàn đồng. Chiều tối muốn tận hưởng góc trời miền đông đất đỏ, bên dòng Đồng Nai cuộn chảy thì đủ cả “sơn hào hải vị” đồng quê, đã rẻ còn ngon đến bất ngờ. Cuộc sống rất đỗi bình thường ấy nhưng thật nhiều ý nghiã, đâu dễ tìm thấy mấy năm trước đây.

Huyện Cát Tiên có xã Phước Cát 1 và Phước Cát 2, cùng là “vùng xoáy” của lũ lụt hàng năm. Thiên nhiên khắc nghiệt đã thử thách lòng kiên nhẫn, chịu thương chịu khó của người dân. Tôi về đây đầu tuần tháng 7 này, bà con bắt đầu thu hoạch đậu xanh, bắp lai. Hai chủng loại cây màu này thay thế lẫn nhau, tạo thêm thu nhập chi tiêu hàng ngày. Tất nhiên lúa vẫn là cây chủ lực hết sức quan trọng. 
Hai năm trước, nhà nước đã đầu tư công trình thủy lợi trạm bơm sông Đồng Nai giá trị 9 tỷ đồng, đủ năng lực tưới tiêu cho gần 400 ha lúa ở Phước Cát I  canh tác 3 vụ mỗi năm. Năng suất lúa ngày một cải thiện. Hết thu hoạch rồi sạ lúa tránh lũ hàng năm gần như trở thành tập quán sản xuất của người dân xứ này. Quyết sống chung với lũ  mà !
Bởi quen biết khá lâu với tôi nên Chủ tịch UBND xã Phước Cát 1, Lê Đức Thành cởi mở: Tổng thu nhập của người dân xã này đã tăng 25% trong vòng 5 năm trở lại đây. Đất giúp cho người gặt những mùa lúa chín vàng, vườn cây ăn trái trĩu quả, đồng cỏ chăn nuôi bò hình thành, tạo nên cuộc sống no đủ, thi đua làm giàu của bảy ngàn con người nơi đây. Thủy chung với đất sau hai mươi năm, cặp vợ chồng Minh Đức, Hồng Vân đã vươn ra khu trung tâm giữa ngã ba Phước Cát xây dựng một cơ ngơi hoạt động thương mại dịch vụ bề thế. “Nhưng so với tiềm năng thì những người làm dịch vụ thương mại như thế chưa nhiều!”-Chủ tịch Thành thoáng ưu tư. Bởi sự giao thương hàng hóa giữa Phước Cát, Lâm Đồng với Bù Đăng, Bình Phước hằng bao năm vẫn cách trở đò giang. Một đoạn sông Đồng Nai chia ranh giới rộng chỉ hơn trăm mét ấy, phải qua lại đến ba bến đò quanh năm-trừ mùa mưa lũ. Đã có lần xuồng bị lật chìm nhưng rất may gần bờ, cứu hộ được, không gây hậu quả đến tính mạng con người. Một cây cầu thông tuyến đôi bên vẫn là khát khao cháy bỏng mấy chục năm qua của người dân đôi bờ Bù Đăng-Phước Cát.
Lại một mùa hè nữa trở về. Trong cái ngổn ngang của những công trình xây dựng mới, công trình trường học bao giờ cũng đặt lên hàng đầu của chương trình “nghị sự” cần kíp triển khai. Ngành giáo dục địa phương đã quyết định khởi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới khoảng 20 phòng học của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại địa phương để kịp khai giảng năm học mới 2004-2005. Ngã ba Phước Cát, vùng trời “biên giới” của Lâm Đồng đã và đang sánh vai cùng các vùng đất năng động của trục miền đông Tổ Quốc đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
Cát Tiên- Đà Lạt tháng 7/2004