VĂN VIỆT
Nhờ mở rộng diện tích thâm canh trái vụ,
mùa atisô ở Đà Lạt năm nay đạt sản lượng và giá bán khá cao so với cùng kỳ năm
ngoái. Dự kiến trong vụ mùa năm tới, vùng dược liệu atisô Đà Lạt sẽ bắt đầu
phát triển đại trà với nguồn giống cấy mô, nguồn giống gieo hạt hoàn toàn sạch
bệnh và cho năng suất cao hơn.
Ông
Đặng Bảo Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho biết, vụ mùa
atisô năm nay, vùng nông nghiệp Thái Phiên – phường 12, Đà Lạt đã trồng và thu
hoạch trên 48 ha. Đây là số diện tích atisô phát triển nhiều nhất trong vòng
mười năm qua, bởi trước đây mỗi năm người dân chỉ trồng từ 30 ha đến 35 ha. Ước
tính trong 48 ha atisô đã và đang thu hoạch thì chiếm từ 25% đến 30 % là diện
tích trồng atisô trái vụ. Cây atisô trái vụ thu hoạch sớm từ đầu tháng hai đến
đầu tháng ba năm nay với giá bán bông tươi tăng cao ngoài dự báo – 35 ngàn đồng
mỗi ký. Hiện nay đã qua tuần đầu tháng ba, diện tích atisô bước vào thời điểm
thu rộ nhưng vẫn đạt giá hơn 10 ngàn đồng mỗi ký bông tươi, vẫn cao hơn năm
ngoái trên dưới 20%. Mùa này với 150 hộ trồng atisô ở Thái Phiên, phần lớn số
diện tích trong đó được bố trí trồng trái vụ nên đã đạt thu nhập lợi nhuận khá
cao. Những hộ tiêu biểu đã thu hoạch xong diện tích atisô đạt sản lượng và
doanh thu khá là hộ Hoàng Lô (3 sào), hộ Nguyễn Đình Đơn (5sào), hộ Nguyễn Nha
( 1,2 ha)…Được giá và được mùa như vậy nên mỗi ha atisô năm nay, sau khi trừ
vốn đầu tư, người dân đạt lãi từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Cộng- chia
bình quân với vụ trái và vụ chính atisô đến thời điểm giữa tháng 03 năm nay,
mỗi cây atisô bán được từ 25 ngàn đồng đến 30ngàn đồng ( trung bình mỗi sào đất
trồng một ngàn cây ).
Cây
atisô từ khi xuống giống đến khi thu hoạch trong vòng 10 tháng. Thời kỳ đầu
sinh trưởng, cây atisô có thể phát triển bình thường bên cạnh các loại cây rau
trồng xen canh. Atisô trồng trái vụ được thu sớm hoặc thu muộn từ một đến hai
tháng so với vụ mùa chính. Tuy nhiên để trồng đạt sản lượng và chất lượng trên
diện tích atisô trái vụ, người nông dân phải có kỹ thuật chăm sóc đặc biệt hơn
vụ mùa chính. Đó là việc phòng chống bệnh tật trên cây do thời tiết biến đổi
thất thường. Đó là việc điều tiết chế độ phân bón, chế độ tưới tiêu thích hợp
từng thời điểm để đạt tỉ lệ cây trổ bông cao nhất. Theo thời vụ, bước sang
tháng 4 và tháng 5 tới đây, còn nhiều ha atisô trái vụ ở Thái Phiên tiếp tục
được thu hoạch muộn, dự báo sản lượng và giá bán bông tươi sẽ bằng hoặc cao hơn
giá atisô trái vụ thu sớm vừa qua – tức là trên dưới 35 ngàn đồng mỗi ký.
Vụ
mùa qua, chính quyền thành phố Đà Lạt hỗ trợ 25 triệu đồng cho 35 hộ nông dân
Thái Phiên mở rộng diện tích thâm canh cây atisô. Diện tích atisô tăng lên với
tổng sản lượng hàng hóa atisô nhiều hơn, song vẫn chưa đáp ứng trước nhu cầu
tiêu thụ của thị trường đang phát triển. Quy mô chế biến trà túi lọc atisô của
hàng chục cơ sở chế biến vừa và nhỏ ở Đà Lạt ngày càng mở rộng thị trường nội
tiêu và xuất khẩu, là điều kiện thuận lợi để nông dân Đà Lạt tăng diện tích
chuyên canh vùng dược liệu atisô. Chưa kể nhiều đại lý đặt điểm thu mua tại chỗ
để cung ứng cho các nhà máy sản xuất dược liệu atisô từ trong và ngoài tỉnh Lâm
Đồng.
Được biết chính quyền thành phố Đà Lạt đang xây dựng chương trình hỗ trợ
mới cho nông dân trồng atisô vụ mùa năm 2009- 2010. Trong đó sẽ hỗ trợ một phần
về nguồn giống atisô cấy mô và atisô gieo hạt hoàn toàn sạch mầm bệnh, thay thế
cho nguồn giống tự sản xuất của người nông dân từ các mầm chồi lấy từ những gốc
cây vừa thu hoạch mùa trước. Đây là một tín hiệu khả quan để người nông dân
khai thác hơn nữa lợi thế, tiềm năng của cây dược liệu quý atisô- một loại cây
truyền thống trồng khá thích hợp trên vùng đất cao nguyên Đà Lạt để phát triển
kinh tế cho gia đình và cho địa phương ./.
Tháng 3/2009