Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Bình bát diệt trừ sâu bọ

VĂN VIỆT
Dùng quả bình bát và củ tỏi thu hái trong vườn nhà, nữ sinh Lê Bảo Ngọc hiện đang họclớp 12A12 ở Trường Trung học phổ thông Bảo Lộc, Lâm Đồng, đã pha chế thành công chất dung dịch diệt trừ sâu bọ. Sáng kiến này đã giành giải Nhất của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2010- 2011, đồng thời được chọn dự Cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế tại Thái Lan vào tháng 01 năm 2012. 

ĂN QUẢ BÌNH BÁT, NHỚ LÁ SẦU ĐÔNG…
      Nữ  sinh Lê Bảo Ngọc sinh năm 1994, là con gái đầu trong gia đình sinh sống bằng nghề trồng cà phê, một loài cây chủ lực bên cạnh cây chè truyền thống cả trăm năm của cao nguyên B’Lao ngày xưa và cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng ngày nay. Ngọc kể rằng, năm 2009 khi bước lên cấp trung học phổ thông, Ngọc rất thích tìm hiểu về đặc điểm sinh thái của nhiều loài thực vật sinh trưởng trên đất chè, cà phê Bảo Lộc. Đến năm 2010, kết quả đối chiếu những kiến thức từ sách vở, những lời lưu truyền trong dân gian cùng với thực tế sinh trưởng từ muôn giống loài cây trồng ở Bảo Lộc, Ngọc bất ngờ phát hiện cây bình bát được trồng nhiều nơi ở thành phố này không chỉ có tác dụng chắn gió, chắn mưa cho cây chè, cây cà phê, mà cây còn cho quả chín thu hái để ăn tại chỗ với hương vị ngòn ngọt và chan chát. Trong đó sự khác biệt lạ thường của quả bình bát chín là bắt buộc chỉ được ăn phần thịt của quả, chứ không được ăn phần hạt của quả vì trong hạt có tinh chất đăng đắng nhiều nguy hại đến cơ thể.
 Lúc này, Ngọc bắt đầu liên tưởng đến những kinh nghiệm của ông bà ngày xưa sử dụng chính những chất nhựa sống của cây trồng để diệt trừ sâu bọ phá hoại ngay trên cây trồng của mảnh vườn mình như: nước lá sầu đông ( xoan), nước cây thuốc lá, các loại mủ cây đu đủ, mủ cây xương rồng, mủ cây vú sữa… Từ đây, Ngọc “phát lộ” đề tài cho riêng mình thực hiện:  “Phải góp phần khôi phục, phát triển việc chiết xuất, pha chế thuốc trừ sâu sinh học từ tinh chất hạt trong quả bình bát, một loài cây sinh trưởng khá tươi tốt trên quê hương Bảo Lộc của mình…”
      Ngọc  lại trăn trở : Ông bà ta ngày xưa dùng tinh chất của của cây trồng để diệt trừ sâu bọ trên cây trồng, thực chất là dùng các loài cây có dược tính thuốc trừ sâu sinh học. Nhưng sự phát triển của công nghệ hóa học thế giới như vũ bão về sau, đã khiến cho hàng ngàn ngàn, vạn vạn loại thuốc trừ sâu hóa học thâm nhập ồ ạt vào đồng ruộng, vườn cây, ngay tức khắc loại bỏ gần như hoàn toàn những kinh nghiệm dùng các bài thuốc sinh học diệt trừ sâu. Mãi đến những năm gần đây, với định hướng sản xuất bền vững, người sản xuất đang từng ngày từng giờ lo ngại bên cạnh tác dụng của thuốc trừ sâu hóa học “đánh nhanh, diệt gọn ” sâu bọ, đã gây tác hại không nhỏ đến môi trường, hủy diệt những nguồn sinh vật có ích trong tự nhiên như tôm, cua, cá; làm mất đi những thiên địch bảo vệ cho cây trồng như bọ rùa, ong ký sinh; làm không còn những nguồn vi sinh vật có ích như nấm, tuyến trùng…
      “THIÊN ĐỊCH” MỚI
      Đầu năm 2011 chính thức bắt tay vào tự thí nghiệm thuốc trừ sâu sinh học, nữ sinh Lê Bảo Ngọc dành 30 mét vuông đất bên hiên nhà riêng ở Bảo Lộc để cuốc lên trồng rau cải. Khi rau cải phát triển chừng hơn một tháng xuống giống thì lác đác xuất hiện các loài sâu bọ gây hại, Ngọc dùng vài chục hạt bình bát giã nhỏ, hòa vào nước lã và phun đều lên lá. Rồi quan sát thấy sâu chỉ nhiễm dung dịch hạt bình bát pha loãng, nên sâu chỉ nằm yên một chỗ vài giây lại tiếp tục bò đi cắn lá. Thất bại lần đầu do nước lã không hòa tan đều với tinh chất hạt bình bát, Ngọc chọn cách pha chế bổ sung thêm vào “thần dược” là củ tỏi để tạo chất kết dính. Từng củ tỏi được bóc sạch vỏ, tách nhỏ ra từng tép tỏi, cũng đưa vào cối giã nhỏ, lọc với nước lạnh. Xong lấy nước tỏi hòa chung với nước hạt bình bát và tiếp tục phun xịt lên rau cải. Kết quả lần hai, sâu nằm bất động chừng vài mươi giây sau lại cựa quậy bò dậy cắn lá như lúc chưa bị phun thuốc. Lại vắt óc suy nghĩ, phân tích, Ngọc mới tìm ra nguyên nhân nước lã không thể lưu dẫn đầy đủ tinh chất dung dịch thuốc trừ sâu từ hạt bình bát.
      Lần thí nghiệm thứ ba, Ngọc thay thế nước lã bằng nước rượu gạo. Lần này trước khi đưa ra vườn rau phun xịt, Ngọc đưa vào phòng hóa nghiệm của Trường Trung học phổ thông Bảo Lộc để thử phản ứng với chất quỳ tím. Y như rằng với dung dịch nước rượu gạo hòa tan với nước hạt bình bát và nước củ tỏi, khi nhúng quỳ tím vào liền đổi nhanh sang màu đó. 
Theo đó, Ngọc dùng những phép tính của mình để tạo ra tỷ lệ pha chế thuốc trừ sâu từ hạt bình bát như sau: 50 hạt bình bát và 10 tép tỏi đã giã nát, lọc nước qua túi vải, hòa đều với 20 lít nước và 100cc rượu gạo, tưới phun đều lên 30 mét vuông cải xanh trong vườn nhà. Kết quả mỗi lần phun dung dịch thuốc trừ sâu bình bát lên vườn rau trong nhà Ngọc từ 5 giây đến 10 giây sau, những con sâu đang cắn phá trên lá rau đều cong tròn mình lại giãy giụa, số chết nằm trên lá, số chết ngã rớt xuống đất.

      Thí  nghiệm thành công từ lần thứ ba này, nữ sinh Lê Bảo Ngọc đã ghi chép đầy đủ các thông số, sau đó hoàn thành đề tài “Giải pháp thuốc trừ sâu từ hạt bình bát ”. Đề tài của Ngọc được gửi tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2010- 2011, kết quả đã giành được giải Nhất và được chọn là Đề tài tiêu biểu của Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo trẻ quốc tế tại Thái Lan vào đầu năm 2012 như đã nêu trên. 
Được vinh dự này, nữ sinh Lê Bảo Ngọc trải lòng: “ Trên vườn rau từng hộ gia đình nếu được nhân rộng việc sử dụng thuốc trừ sâu từ hạt quả bình bát và củ tỏi, sản phẩm rau sẽ đạt chất lượng sạch, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái và bảo vệ an toàn sức khỏe con người… ” Chia sẻ của Ngọc đã và đang giúp cho người nông dân ở Lâm Đồng, Việt Nam nói riêng, trên hành tinh xanh nói chung có quyền hy vọng đến một lực lượng thiên địch mới được tạo ra từ thực vật củ, quả sinh trưởng trong tự nhiên, với hội đủ những khả năng “nghinh chiến” và tiêu diệt tất cả các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng./. 
Tháng 12/2011