VĂN VIỆT
Ông Phạm Xuân Hiển, một người
dân “tay ngang” ở xã Lộc Thành, Bảo Lâm đã nhân giống thành công hai loài thú
hoang dã là nhím và chồn hương ngay chuồng trại trong nhà. Chỉ sau mấy năm xuất
bán nhím giống và chồn hương giống, ông Hiển đã xây dựng được nhà cao cửa rộng
và mua sắm cả xe hơi riêng.
Ông
Phạm Xuân Hiển (57 tuổi) cùng vợ con định cư ở vùng xa xã Lộc Thành, huyện Bảo
Lâm nhưng không có điều kiện tạo lập đất vườn để sản xuất, chỉ sống đắp đổi nhờ
vào chiếc tủ sửa chữa đồng hồ ở gần khu trung tâm xã. Mười năm trước, nhu cầu
sinh sống và nuôi con ăn học cứ ngày càng bức bách, ông Hiển chạy đôn đáo mượn
tiền về dựng chuồng trại gần trăm mét vuông đất thổ cư sau nhà, hết mua bò
giống đến dê giống rồi heo giống về nuôi. Và mua thêm hạt giống cỏ về trồng cho
bò sữa ăn trên 8 sào đất sang nhượng lại người khác. Nhưng rốt cuộc đều thất
bại gần như trắng tay. Heo sinh sản bủng beo. Dê chết dần chết mòn vì mưa lạnh.
Bò biếng ăn với nhiều bệnh đường ruột. Cầm cự đến một, hai năm sau thì từ diện
tích đất trồng cỏ và tất cả những con gia súc còn sống sót đều phải bán đổ bán
tháo để đắp vá nợ nần.
Trong lúc khốn khó, ông Hiển đọc trên báo thấy có hộ gia
đình bán giống nhím ở Đồng Nai liền cố giữ lại mấy chỉ vàng lận lưng đi tìm
mua. Đến được nơi, gặp được người chủ hộ hướng dẫn cách chăm sóc nhím ban đầu,
ông Hiển dốc hết tiền trong hầu bao mới tậu được 3 con nhím giống ( 2 cái và 1
đực) về thả nuôi trong diện tích khoảng 15 mét vuông thuộc chuồng bò cũ. Ít ai
ngờ sau mười năm từ 3 con nhím này, ông Hiển đã nhân lên thành bầy đàn chen
chúc, thu được lợi nhuận đột biến để xây dựng một cơ ngơi bề thế cho gia đình
mình…
CHỌN NGÀY SỐNG
CHUNG CHO NHÍM
“Hàng
ngày đi lấy rau dền, rau tàu bay, trái cây phế phẩm…quẳng vào chuồng bò cũ cho
nhím ăn. Quan sát lâu dần mới biết thời gian nhím ngủ ban ngày nhiều hơn ban
đêm. Đến kỳ phát dục, nhím thường giao phối vào ban đêm. Vậy là tôi lập sổ nhật
ký theo dõi quá trình mang thai của 2 con nhím cái trong suốt 90 ngày…”- Ông
Phạm Xuân Hiển kể lại. Tính ra đến hai năm sau kể từ khi mua nhím con giống về
nuôi, 2 con nhím cái mới sinh sản được 2 con nhím con. Đang những ngày đầu mừng
rơn thì 1 con nhím con bỗng nằm lả cả ngày rồi chết luôn dưới đất. Tìm báo đọc
và đi dò hỏi khắp nơi, ông Hiển mới hay rằng nhím con chết là do thiếu khát sữa
mẹ. Nguyên nhân vì nhím mẹ vẫn sống chung và giao phối với nhím đực giống ngay
sau lúc sinh nở. Trong khi đó, mỗi nhím con sinh ra chỉ nặng ba, bốn lạng – quá
nhẹ ký bởi còn do nhím mẹ vẫn không được cách ly với nhím đực giống trong những
ngày mang thai. Vậy thì đã rõ. Việc chọn ngày cho từng đôi nhím phối giống là
việc quyết định chất lượng sinh sản. Từ đây, ông Hiển xây ngăn ra từng ô vuông,
thực hiện chế độ chăm sóc nhím riêng biệt theo từng giai đoạn khác nhau. Nhím
con sau hơn một tháng rưỡi sinh ra thì nhốt riêng một ô để cai sữa mẹ, sau đó
nuôi tiếp từ năm rưỡi đến hai năm sau sẽ trở thành nhím mẹ sinh sản ( hoặc nhím
đực phối giống). Nhím mẹ phải nuôi hồi phục khỏe mạnh khoảng ba tháng sau khi
sinh mới chọn ngày để sống chung với nhím đực. Nuôi một con nhím sinh sản đạt
yêu cầu là một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 1- 2 con.
Năm
2004, ông Hiển bán 4 cặp nhím tự nhân giống đầu tiên với giá tổng cộng 18 triệu
đồng cho một hộ dân ở một vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Nay hộ dân này đã lập
thành trại nuôi nhím giống quy mô tương đương như của ông Hiển. Những năm 2005
về sau, giá nhím giống tiếp tục tăng vọt. Có lần ông Hiển bán một cặp nhím giống ( mỗi con nặng 10 ký ) với giá hơn 70
triệu đồng. Lúc đông đàn nhất, nhím nuôi nhân giống trong 40 ô chuồng nhà ông
Hiển lên tới 120 con từ nhím giống sơ sinh đến nhím giống trưởng thành. Đầu năm
2010, ông Hiển bán nhanh 15 cặp nhím con, thu 200 triệu đồng, vừa đủ để dỡ bỏ
căn nhà ván cũ nát, xây mới căn nhà cấp 3 khang trang. Vừa xây xong nhà, ông
Hiển bán tiếp 5 cặp nhím sinh sản, thu tiếp 200 triệu đồng về mua chiếc xe ô tô
làm phương tiện đi lại cho gia đình.
CHỜ CHỒN PHÁT
HƯƠNG
Vào
cuối năm 2009, ông Phan Xuân Hiển tiếp tục mua 10 con chồn hương giống từ Sài
Gòn và Đồng Nai về nuôi bên cạnh với đàn nhím trong chuồng nhà. Chồn được nhốt
trong lồng có lắp đặt các cành cây để chạy nhảy, leo trèo. Hàng ngày nấu một
nồi cháo tấm với các loại thực phẩm thải ra như đầu gà, đầu cá, phổi bò,
heo…“Chồn thích sống từng nhóm nhỏ lẻ hơn là bầy đàn đông đúc. Đến kỳ phát dục,
chồn dễ nhận biết hơn nhím bởi tiếng kêu dai dẳng của con cái và mùi phát hương
thơm như mùi cơm nếp của con đực…”- Ông Hiển nói.
Từng con một được ông đặt tên
theo cách đánh dấu phân biệt. Hễ nghe tiếng kêu và nghe mùi hương cùng lúc thì
ông nhốt từng cặp chồn cái và chồn đực vào chung lồng để phối giống. Cũng như
nhím, sau khi phối giống độ năm, mười ngày thì chồn cái sẽ mang bầu và nhốt
riêng ra với chồn đực. Chồn cái được cho ăn đủ bữa, sau 60 ngày mang thai sẽ
sinh nở. Mỗi năm một con chồn sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 3- 4 con. Tùy theo sức
hồi phục của từng con chồn mẹ - sau khi sinh từ một tháng đến một tháng rưỡi-
có thể phát lên tiếng kêu đòi nhốt chung lồng với con đực cũng vừa phát ra mùi
hương. Cứ theo quy trình khép kín từ phối giống đến cách ly nuôi theo từng chế
độ riêng rồi trở lại phối giống như vậy, đàn chồn hương mấy thế hệ trong chuồng
nhà của ông Hiển đã phát triển lên đến 40 con đến cuối tháng 7/2010. Và ông
Hiển sẽ tiếp tục nhân đàn chồn lên khoảng 100 con vào cuối năm 2010. Đó là chưa
kể số chồn giống mà ông Hiển đã bán trong năm 2010, mỗi cặp chồn giống 3 tháng
tuổi hiện tại với giá bán trung bình từ 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Thành, Phó ban lâm nghiệp xã Lộc Thành, Bảo
Lâm nói: Việc nuôi nhím và chồn sinh sản của ông Phan Xuân Hiển vừa đạt nhanh
về số lượng và đảm bảo về chất lượng con giống.
Đã có 6 hộ trong xã mua giống
nhím từ ông Hiển về nuôi có những kết quả sinh sản ban đầu. Nhiều hộ khác cũng
đang tìm hiểu để mua tiếp giống chồn của ông Hiển về nuôi trong chuồng nhà. Hy
vọng đây sẽ là điểm “hội thảo đầu bờ”,
thu hút ngày càng đông đảo người nông dân trong và ngoài xã Lộc Thành đến nắm
bắt và thực hành có hiệu quả về cách thức chăn nuôi hai loài động vật hoang dã
thông thường này nhưng có giá trị kinh tế cao như đã nêu./.
Tháng 9/2009