Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Mở hướng trồng "rau du lịch"

VĂN VIỆT
HTX Trung Tín (Đà Lạt) đang sản xuất các giống dâu tây, rau ăn lá trong nhà kính bằng phương pháp hữu cơ sinh học, không chỉ đạt giá trị cao trên từng “đơn vị sản phẩm” mà còn mở hướng thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Hơn 10 năm thành lập, HTX Trung Tín đã vượt qua nhiều thăng trầm để tìm hướng đi mới tồn tại và phát triển. Chủ nhiệm HTX, ông Vương Đình Phi nhớ lại những năm bước vào thị trường cạnh tranh với thành công đi kèm không ít thất bại, đã cho HTX nhiều bài học để chọn bước đi phù hợp nhất; giai đoạn “khởi hành” từ năm 2003-2008, HTX đã ký kết khá nhiều hợp đồng tiêu thụ rau pó xôi với các công ty của Nhật đứng chân tại Đà Lạt và Sài Gòn; trong đó 3 năm đầu, HTX phân công xã viên sản xuất pó xôi theo hình thức cuốn chiếu trên 5ha, hàng ngày thu hoạch khoảng 3 tấn, phân phối đều cho thị trường Đà Lạt và thị trường TP. Hồ Chí Minh. Đến 3 năm sau, xã viên HTX tăng diện tích sản xuất rau pó xôi lên gấp đôi theo hợp đồng tiêu thụ từ các đối tác này.
Tính ra trong 6 năm sản xuất rau pó xôi bán cho các đối tác Nhật, xã viên HTX Trung Tín đã được tiếp cận các kỹ thuật mới, thu về lợi nhuận cao hơn 20% so với cách trồng thông thường. Tuy nhiên, nếu tính riêng những lứa rau pó xôi cuối cùng thì xã viên HTX phải chịu lỗ trở lại đến hơn 20% vì giá vật tư, phân bón tăng đột biến, trong khi hợp đồng tiêu thụ vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời. 1 năm sau đó, HTX chuyển sang trồng nhiều diện tích bắp cải theo hợp đồng của một đối tác từ Đài Loan. Do thiếu những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, đến kỳ thu hoạch, giá bắp cải ở thị trường xuống thấp, đối tác đơn phương theo thực hiện thỏa thuận tiêu thụ, nhưng xã viên HTX đành chấp nhận vì không tìm ra căn cứ nào để tranh cãi đòi quyền lợi về mình.
Trong năm 2009 và năm 2010, Chủ nhiệm Vương Đình Phi đi tiên phong chuyển đổi từ 1ha đất trồng rau ăn lá sang trồng dâu tây giống Nhật. Ông Phi chọn 1.000m2 để xuống giống cây đầu dòng, chăm sóc vài tháng rồi chiết cây con nhân giống trên những luống dâu tây tiếp theo, đến chừng 1 năm sau đó đã “phủ xanh” đều khắp trên 1ha. 

Mùa mưa năm 2010, cả vườn dâu tây đang đậu trái hầu hết lại bị mềm nhũn, kiểm tra bộ rễ thì bất ngờ thấy cây đang bị chết úng dần dần. “Lỗ hàng trăm triệu đồng, nhưng tôi đã tìm được biện pháp khắc phục những mùa sau bằng cách đưa cây dâu tây giống Nhật từ trồng ngoài trời vào trồng trong giàn treo nhà kính…” - ông Phi nhớ lại.Không bỏ cuộc, đầu năm 2013, ông Phi mạnh dạn đưa dâu tây Nhật vào trồng trên giàn trong nhà kính với diện tích “dè dặt” là 500m2. Qua mối quan hệ nhiều năm trước đây giữa các đối tác Nhật với HTX Trung Tín, ông Phi đã tiếp cận toàn bộ quy trình sản xuất dâu tây ở đây gồm: phối trộn giá thể xơ dừa với các chế phẩm sinh học hòa tan; tưới nước, bón phân hữu cơ, thuốc sinh học qua hệ thống tưới tự động nhỏ giọt; lắp đặt bẫy dính để tiêu diệt sâu bọ, côn trùng gây hại… Lần này ông Phi đã thành công sau hơn 3 tháng chăm sóc, thu hoạch lứa “trái bói” dâu tây đầu tiên, trung bình 1 tuần thu đạt từ 35 - 40 kg/500m2. Hạch toán lợi nhuận hơn 50% trên tổng doanh thu bán ra. Đến đầu tháng 10/2013, Chủ nhiệm HTX Vương Đình Phi đã phát triển mở rộng thành 3.000m2 giàn dâu tây nhà kính ở phường 7, Đà Lạt; kết quả đang “đơm hoa kết trái” khá khả quan.
Cùng thời gian vừa nêu, ông Phi đã dành thêm 3.000m2 nhà kính để trồng các giống rau ngắn ngày dưới đất với các biện pháp sinh học trong canh tác, đạt lợi nhuận ước khoảng 5 triệu đồng/1.000m2/tháng. Từ mô hình này, nhiều xã viên của HTX Trung Tín hiện đã phát triển khoảng 2 ha nhà kính trồng dâu tây Nhật trên giàn và trồng dưới đất các loại rau pó xôi, xà lách… đạt những hiệu quả đáng kể bước đầu. Đã có nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến đây “ngoạn cảnh” và hỏi mua dâu trái thưởng thức tại chỗ.
Với 16 xã viên sản xuất trên 25 ha ở phường 7, HTX Trung Tín đang vận động xã viên nhân rộng trồng “rau du lịch” bằng kỹ thuật “chuẩn sạch” mới lên khoảng 5ha trong năm 2014. Bởi HTX đang liên kết một chuỗi nhiều cửa hàng ở Sài Gòn để cung ứng nông sản sinh học với số lượng “cầu đang vượt cung”, mở ra lợi thế trồng “rau du lịch” được ổn định, lâu dài hơn.
Thứ Năm, 10/10/2013 (GMT+7)