Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Đức Trọng tăng đàn thú rừng nuôi

VĂN VIỆT
Hơn 3 năm qua, huyện Đức Trọng đã phát triển khá nhanh nghề chăn nuôi động vật hoang dã thông thường, ban đầu từ vài cơ sở nhỏ lẻ, đến nay đã nhân rộng gần 40 hộ gia đình đang nuôi trong vườn nhà với cả chục loài thú khác nhau.
Ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng có vườn nuôi chim rừng, gà rừng khá hiệu quả của hộ gia đình ông Nguyễn Tuấn Thỏa, được nhiều gia đình quanh vùng tìm đến tham quan, học hỏi. Ước tính cả một khu vườn nhà rộng gần cả sào đất, gia đình ông Thỏa rào chắn kín bao quanh rồi trồng cây che bóng mát, tạo không gian hoang dã thu nhỏ cho chim rừng, gà rừng sinh sản. 

Chủ vườn cho biết, cách đây khoảng 5 năm, gia đình mua mấy cặp cu đồng của người từ địa phương xa đến bán, sau đó đưa vô nhà nuôi trong lồng sắt. Đây là cặp cu đồng có cả con trống và con mái đã trưởng thành nên nuôi một tháng sau, chúng đã bắt đầu đẻ trứng. Đưa vào trong lồng sắt mấy cánh cây, tán lá, trên đó đặt lên một chiếc ổ rơm nhỏ, quấn tròn trong giỏ tre, cu đồng bay vào đẻ trứng và tự ấp hơn nửa tháng sau cho ra đời một cặp cu đồng con, bán mỗi cặp trên dưới 300 ngàn đồng. Khi cu đồng con đủ lông đủ cánh thì cu đồng mẹ tiếp tục được cho thức ăn no đủ và tiếp tục “rảnh rỗi” để đẻ trứng, ấp nở.
Đối diện với khu lồng sắt nuôi cu đồng là khu lồng sắt nuôi 6 cặp chim trĩ đang thời kỳ sinh sản của hộ gia đình ông Thỏa. Chỉ cho chim ăn cám, ăn bắp mua từ ngoài chợ, chim trĩ mái ăn đủ dinh dưỡng sẽ thường đẻ liên tục từ 4- 5 tháng mỗi năm. Đưa trứng chim trĩ đi thuê ấp bằng máy ở một cơ sở chuyên ấp trứng thuộc xã Liên Hiệp, Đức Trọng, đạt tỷ lệ nở gần như tuyệt đối. Giá bán 01 chim trĩ con ở thời điểm cuối tháng 3/2012 là 150 ngàn đồng; giá bán 01 cặp chim trĩ sinh sản khoảng 01 năm tuổi là từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Trong khu vườn nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Tuấn Thỏa ở Liên Nghĩa, Đức Trọng còn đang nuôi 3 cặp gà rừng ( trống- mái) cùng sinh sống “chan hòa” với đàn gà ta. Trung bình mỗi tháng, một con gà mái rừng nuôi ở đây đẻ trên dưới 10 trứng. Cũng đưa trứng đi thuê ấp máy hơn 20 ngày sau thì nở, giá bán mỗi chú gà rừng con đủ lông đủ cánh trên dưới 100 ngàn đồng. Nếu nuôi đến vài tháng sau sẽ bán được một cặp gà giống rừng sinh sản ( trống và mái) từ 01 triệu đồng trở lên. “Nuôi gà rừng, chim  trĩ, cu đồng…thật dễ. Cho chúng ăn cám, bắp có địa chỉ sản xuất rõ ràng thì gần như chúng không gặp bệnh tật gì, kể cả trong mùa mưa và mùa nắng ở Liên Nghĩa, Đức Trọng…”- Người chủ vườn nói.
Ông Lương Ngọc Phương, phụ trách quản lý bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng thống kê trên địa bàn huyện này hiện đang phát triển gần 40 hộ gia đình chăn nuôi động vật hoang dã thông thường. Đàn chim rừng, gà rừng…của hộ gia đình Nguyễn Tuần Thỏa nói trên thuộc loài thú rừng nuôi mới nhân đàn ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng ở thời kỳ bắt đầu. Hiện tại chiếm tỷ lệ lớn các loài thú rừng nuôi của địa bàn các xã và thị trấn trong huyện Đức Trọng đã và đang nhân đàn khá nhanh là các loài như dúi, heo rừng lai, cầy vòi hương, nhím…Số gia đình nuôi thú rừng nhiều nhất là ở thị trấn Liên Nghĩa với 12 hộ; còn lại số gia đình ở mỗi xã nuôi thú rừng trong huyện trung bình có từ 01 đến 05 hộ. Hộ gia đình nuôi loài thú rừng nhiều nhất là loài nhím với quy mô trang trại duy trì trên dưới 100 con; hộ gia đình đang nuôi ít nhất cũng phải đến 3 cặp cầy vòi hương đang sinh sản…Hầu hết nguồn giống thú rừng nuôi được người dân Đức Trọng mua với nguồn gốc hợp pháp từ các trại nuôi ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai…
Với lực lượng kiểm lâm thường trực ở địa bàn mỗi xã, thị trấn, hàng tháng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng lên thống kê đầy đủ số lượng tăng đàn của từng hộ gia đình nuôi thú rừng, hướng dẫn từng hộ gia đình kịp thời đăng ký nuôi mới thú rừng; hoặc làm đầy đủ thủ tục mua bán thú rừng nuôi với các địa phương khác. “Với quy mô từng hộ gia đình, việc nuôi nhốt động vật hoang dã thông thường trên địa bàn huyện Đức Trọng đến nay cơ bản đã đáp ứng các yếu tố về môi trường, điều kiện chuồng trại, khu vực thả rông, tận dụng thêm nguồn thức ăn rau, bắp trồng quanh năm…để tăng thu nhập. Hạt Kiểm lâm Đức Trọng luôn giải quyết mọi thủ tục cấp phép nhanh chóng, thuận lợi cho từng hộ gia đình, khuyến khích họ mở rộng chăn nuôi những loài thú rừng hiện được phép theo danh mục quy định của pháp luật… ”- cán bộ kiểm lâm huyện Đức Trọng, ông Lương Ngọc Phương cho biết./.
Tháng 3/2012